Pakistan ngả về Trung Quốc trước thay đổi từ Mỹ; Israel khoe có sức mạnh không quân 'không thể tưởng tượng nổi'; Pháp có nữ Bộ trưởng Quốc phòng mới; Singapore bị xem là một phần trong 'Nhà nước Đông Á' của IS
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 23-06-2017
- Cập nhật : 23/06/2017
Lo ngại Triều Tiên thử hạt nhân giữa lúc diễn ra đối thoại Mỹ - Trung
Đài CNN ngày 21.6 đưa tin các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện hoạt động mới tại điểm thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất của Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên xuất hiện chuyển động tại địa điểm này trong nhiều tuần qua, theo 2 quan chức Washington.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập triển khai các khẩu đội tên lửa PAC-3 để chuẩn bị đối phó nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên REUTERS
Cụ thể, 2 người này cho biết Bình Nhưỡng có "các hoạt động đáng ngờ" liên quan đến một trong các lối vào của đường hầm dẫn đến bãi thử.
Vẫn chưa thể xác định đây có phải là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sắp thử hạt nhân lần thứ sáu hay không nhưng Lầu Năm Góc lo ngại Bình Nhưỡng có thể có hành động mới khi các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc ngồi vào bàn đối thoại tại Washington D.C vào ngày 21.6 (giờ địa phương), với chương trình nghị sự chủ yếu xoáy vào tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nguồn tin từ Washington cũng cho biết giới tướng lĩnh cấp cao đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án quân sự để phản ứng đối với mọi diễn biến trong khu vực và sẽ lập tức đệ trình cho Tổng thống Donald Trump nếu vụ thử hạt nhân mới thật sự diễn ra. (Thanhnien)
-------------------------
Mỹ- Trung Quốc nhất trí chặn doanh nghiệp dính tới vũ khí Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 21.6 tuyên bố nước này và Trung Quốc đồng ý không để các công ty của hai bên có những hoạt động kinh doanh liên quan đến chương trình vũ khí, tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Ngoại trưởng Tillerson đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo sau khi ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có cuộc đối thoại thường niên tại thủ đô Washington với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy, theo tờ South China Morning Post.
Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh cam kết của Mỹ về việc buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.
“Chúng tôi nhất trí rằng các công ty của hai bên không được làm ăn với bất kỳ đối tượng nào của Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc đề cập trong những nghị quyết đó”, ông Tillerson khẳng định tại cuộc họp báo.
Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hồi tuần trước, ông Tillerson cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách những cá nhân và công ty nước này bị tình nghi ủng hộ chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng mà Bắc Kinh cần hành động ngăn chặn.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho hay Washington và Bắc Kinh đều tái khẳng định chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là mối đe dọa khẩn cấp và hai nước cam kết hợp tác trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng tái khẳng định lập trường rằng bán đảo Triều Tiên cần phải được phi hạt nhân hóa, nhưng nhấn mạnh vấn đề này nên được giải quyết thông qua đối thoại, theo thông cáo từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.(Thanhnien)
-----------------------------
Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc tăng cường kiềm chế Triều Tiên
Ngày 22/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Trung Quốc thể hiện vai trò hơn nữa trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo việc Bình Nhưỡng có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) "không còn quá xa".
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters trước khi lên đường thăm Washington dự một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt "mạnh mẽ" nên được áp đặt nếu Triều Tiên tiến hành thử IBCM hoặc một vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Ông nêu rõ: "Tôi tin rằng Trung Quốc đang tiến hành các nỗ lực nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành thêm các hành động khiêu khích, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, và cũng là nước cung cấp các hỗ trợ kinh tế nhiều nhất cho Bình Nhưỡng. Không có sự hỗ trợ của Bắc Kinh, các lệnh trừng phạt sẽ hoàn toàn không có hiệu quả".
Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "dỡ bỏ tất cả những biện pháp" chống lại các công ty Hàn Quốc vốn được đưa ra nhằm đáp trả việc Seoul quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Khi nhậm chức tổng thống, ông Moon Jae-in đã cam kết sẽ có cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với Triều Tiên, cũng như thúc đẩy đối thoại với Bình Nhưỡng, bên cạnh các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn cản Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày, Hội đồng Cố vấn thống nhất quốc gia của Hàn Quốc đã công bố kết quả một cuộc khảo sát, trong đó cho thấy gần 80% người dân Hàn Quốc ủng hộ việc nối lại đối thoại liên Triều vốn đã bị gián đoạn từ lâu. Kết quả này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân nước này đối với chính sách của Tổng thống Moon Jae-in.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 9 - 11/6, một tháng sau khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức với cam kết sẽ theo đuổi tiến trình hòa giải liên Triều, có 76,9% trong số 1.000 người được hỏi cho rằng Hàn Quốc nên khôi phục các kênh đối thoại với Triều Tiên như một phần nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, chỉ có 22% người được phỏng vấn không đồng tình với ý tưởng trên. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy dưới thời chính quyền mới, 48,1% người bày tỏ hy vọng mối quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện, tăng 13,9% so với khảo sát trước đó.(TTXVN)