Triều Tiên: Vũ khí đánh Mỹ đã 'lên nòng'; Hàn Quốc phát triển radar chỉ điểm pháo binh Triều Tiên; Trung Quốc đang ngầm đổi chính sách về Triều Tiên?; Những tình huống Triều Tiên có thể vung 'thanh gươm báu hạt nhân'; Uy lực tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk Mỹ điều tới gần Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 26-04-2017
- Cập nhật : 26/04/2017
Tàu USS Michigan tập trận với tàu USS Carl Vinson, Trung Quốc phát tín hiệu mới về Triều Tiên
Trong khi tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Michiagan được lệnh tham gia tập trận với tàu sân bay USS Carl Vinson ở vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh dường như đang gửi tín hiệu mới về nỗ lực kiềm chế Triều Tiên nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump bớt hành động cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida ngày 6/4. Ảnh: THX/TTXVN
Theo CNBC, ông John Delury, Phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc nói: "Một điều mà chúng ta đang chứng kiến là một sự điều chỉnh chiến thuật của Bắc Kinh đối với ông Trump… để cho người Mỹ nhận ra họ có chìa khóa trong tay để giải quyết vấn đề”.
“Chìa khóa này không phải quân sự. Khi bạn bắt đầu xem xét cẩn thận các lựa chọn quân sự, chúng thật khủng khiếp, chỉ cần xét tới những tổn thương kinh tế của tất cả các nước trong khu vực. Chìa khóa của Mỹ là ngoại giao”, ông John Delury nói.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là “nguồn sống” kinh tế chủ yếu của Triều Tiên. Các báo cáo gần đây cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu kiểm tra sức mạnh đó.
Sau khi Triều Tiên thử tên lửa hồi tháng 2, Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng cho tới hết năm. Các phương tiện truyền thông trích lời các học giả Trung Quốc và các ý kiến trong Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc đã làm tăng triển vọng cắt giảm xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng hành động như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Triều Tiên và cho thấy sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên.
Ông Michael Hirson, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty tư vấn Eurasia Group, nhận xét: “Rõ ràng là Trung Quốc đang mất dần sự kiên nhẫn với Triều Tiên. Chúng ta đang chứng kiến một số bước đi gia tăng mà Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa”.
-----------------------------------
Tổng thống Trump: Đến lúc giải quyết vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24.4 cảnh báo chương trình hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa của thế giới và nhấn mạnh “đã đến lúc giải quyết vấn đề này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Liên Hiệp Quốc tăng cường biện pháp trừng phạt Triều Tiên REUTERS
“Hiện trạng ở Triều Tiên là không thể chấp nhận”, ông Trump phát biểu trong cuộc gặp với đại sứ của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại Nhà Trắng, theo Reuters. Ông Trump kêu gọi: "Hội đồng Bảo an cần chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh hơn về chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên”. Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay những biện pháp trừng phạt mạnh hơn có thể bao gồm cấm xuất khẩu dầu cho Triều Tiên, trừng phạt các ngân hàng của Trung Quốc và một số nước khác làm ăn với Bình Nhưỡng.
“Đây là mối đe đọa thật sự đối với thế giới, liệu chúng ta có muốn bàn về vấn đề này hay không. Triều Tiên là một vấn đề lớn của thế giới và là vấn đề mà chúng ta cuối cùng phải giải quyết. Mọi người đã phớt lờ trong nhiều thập niên qua và bây giờ là lúc giải quyết vấn đề này”, ông Trump nhấn mạnh.
Cuộc gặp nói trên diễn ra trong bối cảnh có suy đoán rằng Triều Tiên sẽ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhằm đánh dấu 85 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang vào hôm nay 25.4, và Washington sẽ có hành động quân sự nếu Bình Nhưỡng có động thái khiêu khích.
Vài giờ trước khi cuộc gặp nói trên diễn ra, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cảnh báo rằng Bình Nhưỡng không nên cho Mỹ có lý do để chống lại Triều Tiên. “Chúng ta sẽ không hành động trừ phi ông ấy (lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un-NV) cho chúng ta lý do làm điều gì đó. Mục tiêu của chúng ta là không khơi mào một cuộc chiến”, bà Haley cho Đài NBC News hay khi được hỏi liệu Mỹ có nghiêm túc xem xét tấn công phủ đầu Triều Tiên hay không. Bà Haley cho hay lý do đó có thể là Bình Nhưỡng tấn công một căn cứ của Mỹ hoặc các nước đồng minh, hoặc phóng ICBM.
Vào ngày mai 26.4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford sẽ có cuộc họp báo cáo hiếm thấy với tất cả 100 thành viên Thượng viện về vấn đề Triều Tiên tại Nhà Trắng, theo Reuters. Các quan chức thường đến quốc hội để báo cáo các vấn đề với nghị sĩ nên việc 100 thượng nghị sĩ đến Nhà Trắng dự cuộc họp sắp tới là bất thường.(Thanhnien)
-------------------------------------
Hé lộ những rối loạn thổi bùng căng thẳng Triều Tiên
Ngày 24.4, tờ Navy Times đăng bài điều tra mới về những sai lầm liên quan đến chiến dịch triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tại khu vực. Thông qua hàng chục cuộc phỏng vấn giới chức và các nguồn thạo tin, tờ báo chỉ ra nguyên nhân biến một chiến dịch hải quân thông thường trở thành cuộc khủng hoảng thông tin, góp phần khiến tình hình Triều Tiên thêm căng thẳng.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) xây dựng các kế hoạch “chủ động và bền vững” để ứng phó mọi tình huống tại bán đảo Triều Tiên. Sau đó, các sĩ quan tham mưu PACOM đề xuất với Tư lệnh Harry Harris phương án hủy chuyến thăm Úc của tàu USS Carl Vinson để tới vùng biển gần CHDCND Triều Tiên nhằm đáp ứng chỉ đạo của Bộ trưởng Mattis. Cụ thể, nhóm tàu sân bay sẽ cắt ngắn cuộc tập trận bí mật với hải quân Úc ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, hủy chuyến ghé cảng Perth của Úc và có mặt ở ngoài khơi Triều Tiên vào cuối tháng 4
Tuy nhiên, việc thay đổi lịch trình của tàu sân bay không đơn giản. Úc đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tàu trong khi gia đình của nhiều thủy thủ đã đặt vé máy bay tới nước này để gặp người thân.
Vì thế, PACOM quyết định trước hết phát thông cáo báo chí tuyên bố hủy chuyến thăm cảng Perth để các gia đình có thể trả vé máy bay đồng thời bắn tin với hải quân Úc là cuộc tập trận vẫn diễn ra như kế hoạch. Bên cạnh đó, nội dung thông cáo cũng “lập lờ” khi viết rằng Tư lệnh Harris đã “ra lệnh cho nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đi về hướng bắc sau khi rời Singapore vào ngày 8.4”. Trong đó, “hướng bắc” hàm ý chỉ Triều Tiên nhằm gửi thông điệp hàm ý răn đe đến Bình Nhưỡng.
Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu chệch hướng khi trong vòng 10 ngày tiếp theo, một loạt phát ngôn sai lầm và cơn sốt của giới truyền thông khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Hàng loạt báo đài vào cuộc đưa tin tàu USS Carl Vinson từ Singapore sẽ thẳng đến Triều Tiên trong khi giới chuyên gia đua nhau phân tích động thái của Mỹ. Đặc biệt, thông tin này xuất hiện ngay sau khi Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ không quân Syria càng khiến dư luận lo ngại rằng “Mỹ sắp đánh Triều Tiên” dù bản thân Tổng thống Donald Trump không hề ra lệnh chuyển hướng tàu. Trong khi đó, USS Carl Vinson và nhóm tàu hộ tống không thật sự theo hướng bắc mà vẫn xuôi về hướng nam để chuẩn bị tập trận với Úc.
Trong những ngày tiếp theo, thay vì cải chính thông tin, các quan chức Mỹ như Cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lại có những phát ngôn không rõ ràng. Bản thân Tổng thống Trump cũng mập mờ khi phát biểu với Fox News: “Chúng tôi đang triển khai một hạm đội rất mạnh” mà không nói rõ chi tiết lịch trình. “Thật sự sốc khi họ cứ để mặc tình trạng này suốt gần 2 tuần mà không điều chỉnh gì cả”, Navy Times dẫn lời chuyên gia Brian Clark nhận định.
Tình hình căng thẳng đến mức theo các nguồn tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12.4 phải điện đàm với ông Trump để kêu gọi kiềm chế. “Cứ thấy CNN phát đi phát lại vụ Triều Tiên 90 phút/lần là đủ biết sự việc vuột khỏi tầm kiểm soát”, một sĩ quan Mỹ nhận định.
Ngày 17.4, trang tin Defense News khiến tất cả bất ngờ khi đăng các bức ảnh cho thấy tàu USS Carl Vinson vẫn ở vị trí cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km. Đến nay, thế giới mới nhận ra rằng tình hình không “nóng” như đã lầm tưởng và rất may mắn là Triều Tiên cũng kiềm chế, không có động thái phủ đầu nào trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, vẫn có hậu quả khi dư luận và phe đối lập Hàn Quốc quay sang chỉ trích chính quyền Mỹ “thổi phồng và dối trá không khác gì miền Bắc”, theo Navy Times. Mãi đến hôm qua 24.4, nhóm tàu USS Carl Vinson mới bắt đầu di chuyển vào vùng biển bán đảo Triều Tiên và có thể sẽ tập trận với Lực lượng phòng vệ Nhật cũng như hải quân Hàn Quốc.
Trước phản ứng của dư luận, Lầu Năm Góc và PACOM thừa nhận đáng lẽ phải nỗ lực hơn để ngăn chặn câu chuyện vượt tầm kiểm soát. “Theo tôi, chúng ta không nên thông báo hủy chuyến thăm Úc sớm như vậy”, một quan chức giấu tên nói. (Thanhnien)