Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2017 sẽ tăng khoảng 7% so với mức 146 tỉ USD của năm ngoái, theo người phát ngôn quốc hội nước này thông báo ngày 4.3.
Xuất hiện nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên
- Cập nhật : 04/03/2017
Trong cuộc tham vấn cách đây hai tuần, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ K.T. McFarland đã yêu cầu đưa ra mọi lựa chọn để “đại tu” chính sách của Mỹ với Triều Tiên, bao gồm việc Mỹ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và khả năng xung đột quân sự trực tiếp, tờ Wall Street Journal cho hay.
Một bản đánh giá chiến lược của Nhà Trắng về việc đối phó với CHDCND Triều Tiên tiết lộ rằng Mỹ đang tính tới khả năng sử dụng lực lượng quân sự hoặc thay đổi chế độ để kiềm chế mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Theo tờ Wall Street Journal, đây là một bước chuyển lớn trong chính sách truyền thống của Mỹ với Triều Tiên.
Bản đánh giá này được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mối đe dọa lớn trực tiếp lớn nhất với Mỹ là chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Theo Wall Street Journal, những sự kiện gần đây như Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản và cái chết của một công dân Triều Tiên được cho là anh của lãnh đạo Kim Jong-un có thể khiến nhiều quan chức Mỹ và đồng minh lo lắng. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Nhà Trắng định thay đổi chính sách như trên với Triều Tiên.
Hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã đăng lên Twitter: “Triều Tiên vừa tuyên bố rằng đang ở giai đoạn cuối phát triển vũ khí hạt nhân có thể vươn tới các khu vực ở Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra”. Vài tuần sau đó, Triều Tiên đã thử tên lửa.
Kể từ đó, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia K.T. McFarland đã tham vấn với các quan chức Mỹ để đối phó với một loạt động thái của Triều Tiên. Trong cuộc tham vấn cách đây hai tuần, các quan chức đã thảo luận khả năng về một kế hoạch “phi chính thống”.
Theo tờ Wall Street Journal, ông McFarland đã yêu cầu đưa ra mọi lựa chọn để “đại tu” chính sách của Mỹ với Triều Tiên, trong đó có cả việc Mỹ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và khả năng xung đột quân sự trực tiếp.
Các đề xuất này đang được xem xét để trình ông Trump và chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc vốn được Triều Tiên coi là “láng giềng thân thiện” dù mới đây nước này đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia lo ngại xung đột quân sự trực tiếp sẽ làm bùng phát chiến tranh toàn diện, khiến dàn pháo của Triều Tiên sẽ chĩa cả vào Seould, Hàn Quốc.
Thậm chí, khả năng đáng lo ngại hơn là Triều Tiên sẽ ngày càng có thêm nhiều động thái mạnh mẽ khác. Trong khi đó, việc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung thường niên với 17.000 lính Mỹ và vấn đề Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ khiến Triều Tiên thêm tức giận.
Gần đây, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết tăng cường thông tin tình báo sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo ngày 12/2. Triều Tiên bị Liên hợp quốc cấm thử công nghệ hạt nhân và tên lửa.
Về phần mình, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định vụ thử tên lửa ngày 12/2 là một "biện pháp phòng vệ" và "không ai có quyền chỉ trích quyền hợp pháp này của một nước có chủ quyền".
Với Tổng thống Trump, một quan chức Mỹ cho biết ông Trump đã kêu gọi Trung Quốc hành động để kiềm chế Triều Tiên. Theo CNN, lời kêu gọi này được ông Trump đưa ra với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa có chuyến thăm Mỹ.
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất lo ngại về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Cựu Tổng thống Barack Obama trong ngày tại nhiệm cuối cùng đã nói với ông Trump là ông cho rằng Triều Tiên là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất với Mỹ.
Thùy Dương (Tin Tức/TTXVN)