Năm 2017 là năm đánh dấu bước chuyển biến lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc khi Seoul hy vọng đưa vũ khí vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của quốc gia này.
B-1B Lancer - sứ giả răn đe Triều Tiên của không quân Mỹ
- Cập nhật : 13/07/2017
Với trọng tải vũ khí gấp đôi mẫu B-2 và B-52, oanh tạc cơ B-1B Lancer luôn được Mỹ triển khai trong các nhiệm vụ răn đe Triều Tiên.
Oanh tạc cơ B-1B ném bom gần biên giới Triều Tiên
Quân đội Hàn Quốc ngày 8/7 cho biết hai oanh tạc cơ hạt nhân B-1B Lancer của Mỹ đã tham gia diễn tập bắn đạn thật, ném bom ở khu vực đông bắc tỉnh Gangwon, sát biên giới với Triều Tiên. Đây được coi là hành động dằn mặt Triều Tiên sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 4/7.
Washington thường xuyên triển khai các phi đội B-1B tới bán đảo Triều Tiên làm nhiệm vụ răn đe Bình Nhưỡng. Với khả năng mang 57 tấn vũ khí, gấp đôi những chiếc B-52 hay B-2 Spirit, B-1B là máy bay có trọng tải lớn nhất trong bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ hiện nay, theo National Interest.
Phiên bản đầu tiên mang tên B-1A được Rockwell International thiết kế vào giữa thập niên 1970, nhằm đáp ứng nhu cầu của không quân Mỹ về loại oanh tạc cơ hạt nhân chuyên hoạt động ở độ cao lớn và đạt tốc độ trên 2.500 km/h. Tuy nhiên, chỉ có 4 chiếc B-1A được chế tạo trước khi tổng thống Mỹ Jimmy Carter hủy dự án vào ngày 30/6/1977.
Công nghệ tên lửa phòng không phát triển nhanh chóng khiến những máy bay ném bom như B-1A khó có cơ hội xâm nhập không phận Liên Xô. Thay vào đó, tổng thống Carter chuyển hướng đầu tư vào tên lửa hành trình trang bị cho oanh tạc cơ B-52, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và dự án máy bay tàng hình B-2 Spirit của Northrop Grumman.
Dự án Lancer hồi sinh vào ngày 2/10/1981 theo lệnh của tổng thống Ronald Reagan, nhưng với hàng loạt thay đổi lớn. Thiết kế B-1B được tối ưu cho nhiệm vụ xâm nhập không phận ở độ cao nhỏ, đồng thời ứng dụng nhiều cải tiến để giảm diện tích phản xạ radar. Phi cơ này không còn đạt được tốc độ 2.500 km/h như ban đầu, nó chỉ có thể bay với tốc độ tối đa 1.100 km/h ở độ cao dưới 150 m, nhưng có khả năng sống sót cao hơn B-1A nhiều lần.
Máy bay B-1B rời căn cứ Guam tới bán đảo Triều Tiên
Tổng cộng có 100 chiếc B-1B được sản xuất trong giai đoạn 1983-1988, với chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế ngày 1/10/1986. Kể từ đó, B-1B trở thành oanh tạc cơ chiến lược có tải trọng vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Mỗi chiếc B-1B dài 44,5 m, cao 10,4 m và có khối lượng rỗng 87,1 tấn. Máy bay ứng dụng cơ cấu cánh cụp cánh xòe, giúp cải thiện khả năng cất hạ cánh và giảm sức cản khi bay ở độ cao thấp. Sải cánh của B-1B rộng 42 m ở trạng thái xòe và 24 m khi cụp lại.
4 động cơ phản lực GE F101-GE-102 cung cấp sức đẩy cho phép B-1B đạt tốc độ tối đa 1.340 km/h ở độ cao 12.000 m hoặc 1.100 km/h khi cách mặt đất 150 m. Tầm bay tối đa của Lancer đạt tới 9.400 km, con số này bị rút xuống còn 5.545 km nếu mang tải vũ khí tối đa.
B-1B được trang bị 6 giá treo gắn ngoài cùng ba khoang vũ khí trong thân, cho phép nó mang theo 57 tấn vũ khí các loại, bao gồm bom thông thường, bom dẫn đường, bom chìm chống tàu ngầm và tên lửa hành trình tầm xa. Ngoài ra, mỗi chiếc B-1B có thể mang tối đa 24 bom hạt nhân B61 hoặc B83, mỗi quả có sức công phá tương đương 21-75 quả bom ném xuống Hiroshima.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không quân Mỹ loại bỏ khả năng mang bom hạt nhân trên phi đội B-1B, biến chúng thành nền tảng chuyên triển khai vũ khí thông thường. Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục bổ sung các hệ thống khí tài thông minh, đường truyền dữ liệu và cảm biến thế hệ mới để bảo đảm uy lực cho những chiếc B-1B. Một trong những gói nâng cấp lớn nhất là trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động SABR-GS, áp dụng nhiều công nghệ của radar trên tiêm kích F-22 và F-35.
Kho vũ khí mà B-1B có thể mang theo.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực nâng cấp này, B-1B không thể sống sót trong các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc. Nó chỉ hoạt động tối ưu trong môi trường đe dọa mức trung bình, với sự yểm trợ của tiêm kích và cường kích đồng minh. Hiện Mỹ chỉ có oanh tạc cơ B-2 đủ sức đột nhập qua lưới phòng không của Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên, nhưng khả năng này cũng chưa được chứng minh thực sự.
B-1B có thể là oanh tạc cơ đóng vai trò "sứ giả răn đe" của Mỹ. Nhưng nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nó khó có thể tham chiến một cách hiệu quả như máy bay tàng hình B-2 hay F-35, chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận định.
Việt Hòa
Theo Vnexpress