Hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012 - 2016 đã đạt đến mức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh, do nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á và Trung Đông.
Buôn bán vũ khí toàn cầu sôi động nhất kể từ Chiến tranh lạnh
- Cập nhật : 22/02/2017
Buôn bán vũ khí trên toàn thế giới trong 5 năm qua đã tăng ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Đây là kết quả dựa trên báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 20/2. Các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong thời gian từ năm 2012 đến 2016 là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức, chiếm 74% lượng vũ khí xuất khẩu, trong đó hai nước Mỹ và Nga chiếm tới 56%.
Binh sĩ Pháp chuẩn bị vũ khí trước khi tham gia chiến dịch chống IS tại Bamako, Mali ngày 12/1/2013. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ năm 2004, lượng vũ khí bán ra trên thế giới gia tăng liên tục và giai đoạn 2012-2016 tăng 8,4% so với giai đoạn 2007-2011 với các chỉ số cao nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Báo cáo cho thấy lượng vũ khí mà các nước châu Á, châu Đại dương và Trung Đông mua tăng mạnh, trong khi nhập khẩu vũ khí vào châu Âu, châu Mỹ và châu Phi giảm đôi chút. Lượng vũ khí nhập khẩu vào các nước châu Á và châu Đại dương giai đoạn 2012-2016 tăng 7,7% so với 5 năm trước đó và chiếm 43% lượng vũ khí giao dịch toàn thế giới.
Giai đoạn 2012-2016, Mỹ vẫn đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí với lượng vũ khí xuất khẩu tăng 21% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó một nửa là xuất sang Trung Đông.
Mỹ xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia, chủ yếu là máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình và các vũ khí có độ chính xác cao cũng như các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất.
Trong thời gian này, vũ khí của Nga chiếm 23% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chủ yếu bán sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria... Xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 4,7% so với 5 năm trước.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 3, chiếm 6,2% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2012-2016. Hiện nay Trung Quốc nằm trong số các nước xuất khẩu vũ khí chính cùng với Pháp (6%), Đức (5,6%).
Các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2012-2016 là Ấn Độ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Trung Quốc và Algeria, chiếm tới 34% vũ khí nhập khẩu.
Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ giai đoạn 2007-2011 và 2012-2016 đều tăng 43%, vượt Trung Quốc và Pakistan. Nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á trong thời gian 2012-2016 tăng 6,2% so với 5 năm trước.
Nhập khẩu vũ khí của các nước Trung Đông từ giai đoạn 2007-2011 đến 2012-2016 tăng 86%, chiếm 29% lượng nhập khẩu vũ khí của thế giới. Trong giai đoạn này Saudi Arabia đứng thứ 2 trong số các nước nhập khẩu vũ khí với mức tăng 212%.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây, phần lớn các nước Trung Đông tăng cường mua vũ khí hiện đại, chủ yếu từ Mỹ và châu Âu. Mặc dù giá dầu thấp, các nước khu vực này trong năm 2016 tiếp tục tăng cường nhập khẩu vũ khí trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Nhập khẩu vũ khí các nước châu Âu giai đoạn 2012-2015 so với 2007-2011 giảm 36% và chiếm 11% lượng vũ khí nhập khẩu toàn thế giới. Các nước này nhập khẩu chủ yếu các loại máy bay tấn công mới theo các hợp đồng lớn đã ký trước đó.
Theo TTXVN/Tin Tức