Các bãi phóng thử tên lửa của Trung Quốc ở sa mạc Gobi được mô phỏng y hệt với cách bố trí của căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu cảng, Hawaii và Nhật Bản.
Báo chí Đài Loan cho biết ngày 20/3 tại Ủy ban đối ngoại, quốc phòng - Viện lập pháp (Quốc hội) Đài Loan, Bộ Quốc phòng đảo quốc Đài Loan xác nhận, Lực lượng tên lửa Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 có khả năng tấn công chính xác, tăng cường hiện đại hóa vũ khí trang bị, nâng cấp thực lực quân sự nhằm vào Đài Loan.
Đông Phong-16 là mối đe dọa to lớn
Theo nguồn tin từ Quân đội Đài Loan, tên lửa Đông Phong-16 có thể lắp nhiều đầu đạn và được dẫn đường, sẽ gia tăng độ khó cho đánh chặn của tên lửa Đài Loan. Đông Phong-16 còn có thể cơ động phóng, tạo ra "mối đe dọa to lớn" cho Đài Loan.
Báo cáo cùng ngày của Bộ Quốc phòng Đài Loan chỉ ra, từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc liên tục thúc đẩy cải cách quân đội, tinh giản biên chế, nâng cao khả năng tác chiến liên hợp.
Những năm gần đây, các lực lượng hải, không quân Trung Quốc liên tục tiếp nhận các tàu chiến mới, các máy bay chiến đấu J-10, J-11 và J-15 tự chế, đồng thời nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-35 Nga, đưa vào hoạt động máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Lực lượng tên lửa Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 có thể tiến hành tấn công chính xác đối với Đài Loan, tăng cường hiện đại hóa vũ khí trang bị, nâng cao thực lực cứng quân sự.
Về đối sách ứng phó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ muốn vận dụng thống nhất các biện pháp tình báo, trinh sát, nắm chắc sự phát triển của tình hình khu vực và giám sát mọi động thái trên biển, trên không ở xung quanh Đài Loan. Từ đó tiến hành cảnh báo sớm, xử lý và triển khai ổn thỏa, tăng cường hiệu quả ứng phó.
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 20 tháng 3 cho rằng tên lửa Đông Phong-16 là tên lửa đạn đạo tầm cận trung mới nhất trong biên chế của Trung Quốc, dùng để tấn công các mục tiêu quan trọng trong phạm vi từ 1.000 - 1.500 km.
Tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện trong Lễ duyệt binh của Trung Quốc vào ngày 3/9/2015. Đặc điểm chủ yếu của Đông Phong-16 là độ chính xác cao, độ dung sai chỉ khoảng 50 m, có thể lắp đầu đạn cơ động cao nặng 500 kg, khả năng tránh né đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương tốt.
Đông Phong-16 là loại tên lửa đạn đạo tầm cận trung đầu tiên có khả năng lắp nhiều đầu đạn trên thế giới, có thể lắp đầu đạn xuyên đất, bom bi và bom chùm, chọc thủng mạng lưới đánh chặn của tên lửa phòng không Patriot-3.
Tờ Forbes Mỹ dẫn lời chuyên gia quốc phòng Mark Stokes của Viện nghiên cứu chương trình 2049 Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc ít nhất có thể đã sở hữu 12 quả tên lửa Đông Phong-16. Từ địa điểm triển khai ở phía bắc tỉnh Quảng Đông cho thấy, mục tiêu trọng điểm của họ là Đài Loan.
Mặc dù Đài Loan đã trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng so với các tên lửa Đông Phong-11 và Đông Phong-15 được bố trí nhằm vào Đài Loan trước đó của quân đội Trung Quốc, tầm bắn của tên lửa Đông Phong-16 xa hơn đã tạo ra thách thức nghiêm trọng hơn đối với khả năng phòng thủ tên lửa của Đài Loan.
Khu vực cần bảo vệ của tên lửa Patriot-3 Đài Loan đã trở nên lớn hơn. Đông Phong-16 có thể triển khai cơ động ở các khu vực khác nhau, tạo ra mối đe dọa cho các nước và khu vực xung quanh.
Nếu Trung Quốc triển khai Đông Phong-16 ở tỉnh Liêu Ninh hoặc Cát Lâm thì Đông Phong-16 có thể đưa toàn bộ bán đảo Triều Tiên vào tầm ngắm. Nếu triển khai tên lửa này ở tỉnh Phúc Kiến hoặc Chiết Giang thì nó có thể tấn công căn cứ quân sự Okinawa của Mỹ - Nhật.
Patriot có thể bắn rơi Đông Phong?
Theo hãng tin CNA Đài Loan, ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan cho hay, tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 Trung Quốc “ đáng gờm” đối với Đài Loan.
Nhưng, ông Phùng Thế Khoan cho biết Đài Loan có thể sử dụng hệ thống tình báo, trinh sát và giám sát, có thể phát hiện mọi hành vi “không hữu nghị” đối với Đài Loan.
Hệ thống này có khả năng nắm chắc trước được tình hình lực lượng tên lửa Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong-16, đồng thời "có đủ vũ khí để bắn rơi ở ngoài lãnh thổ".
Ông Phùng Thế Khoan khẳng định, Đông Phong-16 một khi đi vào bầu khí quyển, Đài Loan có khả năng đánh trả, có đủ vũ khí để bắn rơi, sẽ sử dụng tên lửa Patriot-3 để đối phó.
Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khương Chấn Trung cũng cho hay Đài Loan sẽ sử dụng tên lửa Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 Trung Quốc. Đông Phong-16 sẽ nổ trên không, sẽ không rơi xuống đảo Đài Loan.
Ngoài ra, theo ông Phùng Thế Khoan, lực lượng đường không của hải, không quân Trung Quốc đã tiến hành 6 lần huấn luyện bay biển xa và tập luyện đối kháng ở Tây Thái Bình Dương. Lực lượng này đã bay qua vùng biển, vùng trời ở xung quanh Đài Loan.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên chạy vòng qua phía đông Đài Loan để triển khai hoạt động huấn luyện đường dài xuyên chuỗi đảo. Tướng lĩnh nghỉ hưu quân đội Trung Quốc liên tiếp tuyên truyền về rủi ro quân sự ở eo biển Đài Loan, từ đó đoán rằng Trung Quốc sẽ gia tăng mức độ "đe dọa quân sự".
Đề cập đến tình hình Đông Á gần đây, ông Phùng Thế Khoan cho rằng Mỹ có thể điều chỉnh chính sách an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện ý đồ làm chủ đạo các vấn đề Đông Á, tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên khó có thể dịu đi trong ngắn hạn, tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku vẫn gay gắt, vấn đề Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Phong Vân
Theo Viettimes