Một báo cáo được Bộ Quốc phòng New Zealand công bố hôm 6-7 cảnh báo ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể phá hoại sự ổn định trong khu vực.
Đội hình tác chiến đặc biệt của Hải quân Việt Nam
- Cập nhật : 05/07/2018
"Sát thủ tàu ngầm" một thời của Không quân Hải quân Việt Nam là trực thăng Ka-25 phối hợp tác chiến cùng tàu phóng lôi Shershen là đội hình khá lạ mắt.
Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam ghi rõ, ngày 16/4/1980, Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân quyết định điều động toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-19 (J-6) thuộc Trung đoàn 925 đang làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia về nước.
Các phi công của Trung đoàn 925 sau đó được phân công đi học chuyển loại tiêm kích MiG-21, trực thăng săn ngầm Kamov Ka-25 và thủy phi cơ săn ngầm Beriev Be-12.
Ka-25 Hormon được Kamov thiết kế vào năm 1958 là "đàn anh" của Ka-28 đang phục vụ trong biên chế Không quân Hải quân Việt Nam, nó sử dụng rotor đồng trục để khử mô men xoắn do đó không cần cánh quạt đuôi. Kết cấu nhỏ gọn này đặc biệt phù hợp cho việc triển khai trên tàu chiến.
Trực thăng Ka-25 có khả năng mang theo tải trọng vũ khí 1.900 kg gồm bom chìm hoặc ngư lôi chống ngầm. Khí tài phát hiện tàu ngầm chính của nó là thiết bị định vị thủy âm dạng "nhúng".
Theo các báo cáo từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI của Thụy Điển, Việt Nam đã được Liên Xô chuyển giao tổng cộng 16 tàu phóng lôi lớp Shershen trong gian đoạn 1973 - 1980.
Shershen là định danh của NATO dành cho loại tàu phóng lôi hạng nhẹ lớp T-3 do Liên Xô nghiên cứu và sản xuất vào thập niên 1960. Tên thiết kế của tàu là Dự án 206 Shtorm (Project 206 Shtorm).
Tàu có kích thước khá nhỏ với chiều dài 34 m và lượng giãn nước 172 tấn. Điểm nổi bật của Shershen đó là nó được trang bị 3 động cơ diesel M-503A 3 trục công suất 12.500 mã lực, cho tốc độ tối đa lên tới 45 hải lý/h.
Sức mạnh của Shershen nằm ở 4 ngư lôi chống tàu mặt nước hạng nặng Type 53-56 cỡ 533 mm, có thể đánh chìm chiến hạm cỡ lớn chỉ với duy nhất một phát bắn. Bên cạnh đó là 2 pháo phòng không cao tốc AK-230 cùng tên lửa phòng không vác vai SA-N-5.
Mặc dù được trang bị ngư lôi nhưng nhiệm vụ của tàu Shershen không phải là săn ngầm, nó chính là chiếc tàu tấn công nhanh chuyên sử dụng để đột kích đội hình tàu chiến địch và phóng ngư lôi tiêu diệt.
Trong khi đó trực thăng Ka-25 lại là một phương tiện săn ngầm chuyên nghiệp, nó không được trang bị vũ khí hay khí tài để tấn công vào biên đội tàu mặt nước của đối phương.
Do vậy sự phối hợp giữa trực thăng Ka-25 và tàu phóng lôi Shershen có thể hiểu là chúng hoạt động độc lập với nhau trong nhiệm vụ tác chiến của Hải quân Việt Nam chứ không phải hỗ trợ cho nhau cùng tiêu diệt tàu ngầm như đội hình thường gặp giữa Ka-28 và Petya sau này.
Tùng Dương
Theo Baodatviet.vn