Kể từ sau đại chiến thế giới lần 2, Nhật Bản giống như một “chiến binh Samurai ngủ say trong vòng tay người Mỹ”. Nhưng khi “con voi” Trung Quốc trỗi dậy và bắt đầu thể hiện tham vọng lớn ở Thái Bình Dương, gã chiến binh Samurai Nhật Bản bắt đầu thức giấc.
Hải quân Nhật Bản chiếm ưu thế trước Hải quân Trung Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Những căng thẳng gần đây liên quan đến tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến nhiều người liên tưởng đến một cuộc xung đột quân sự Trung-Nhật trên biển.
Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới hiện nay là sử dụng đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Bản thân Nhật Bản và Trung Quốc cũng nhận thức hơn ai hết "chiến tranh vào lúc này" không hề hợp lý.
Dù vậy, tiềm lực hải quân vẫn được tính tới trong các nấc thang xung đột. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn khả năng của mỗi bên trong cuộc đối đầu này, Đất Việt xin giới thiệu vài nét sơ lược về cán cân hải quân Trung Quốc - Nhật Bản.
Hải quân Nhật Bản: Chất lượng hơn số lượng
Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì quyền kiểm soát các tuyến đường biển quốc gia và tuần tra vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, Hải quân Nhật Bản, được gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF) chú trọng vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng như các quốc gia khác.
Lực lượng này chịu nhiều ảnh hưởng từ Hải quân Mỹ, từ đường lối phát triển, phương châm tác chiến, tranh bị kỹ thuật. Một ví dụ nhỏ, giống Hải quân Mỹ, Hải quân Nhật Bản không có và không sử dụng khái niệm tàu khu trục nhỏ, chỉ có tàu khu trục là khái niệm cơ bản.
Những chiến hạm trong biên chế Hải quân Nhật Bản đều là những con tàu tiêu biểu là đỉnh cao của công nghiệp đóng tàu thế giới.
Hiện nay, Hải quân Nhật Bản có khoảng 110 tàu chiến mặt nước, 21 tàu ngầm. Tuy số lượng khiêm tốn nhưngnhững chiến hạm của họ đều được vũ trang hạng nặng cùng các thiết bị hỗ trợ tác chiến công nghệ cao, tổng lượng choán nước xấp xỉ 450.000 tấn.
Chất lượng tàu khu trục mang tên lửa điều khiển của Trung-Nhật có sự khác biệt rất lớn, trong ảnh tàu khu trục Aegis lớp Kongo của Nhật Bản (trên) và tàu Aegis của Trung Quốc" (dưới). |
Hiện nay, trong biên chế, Hải quân Nhật Bản có 8 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển trong đó có 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo.
Đây là một thiết kế sửa đổi của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Những tàu này được trang bị radar AN/SPY-1, là bộ phận quan trọng trong hệ thống chiến đấu Aegis tối tân là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo chung giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, Hải quân Nhật Bản còn có 2 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Atago. Đây là một thiết kế cải tiến từ tàu khu trục lớp Kongo, 2 tàu khu trục này cũng được trang bị radar AN/SPY-1D và hệ thống chiến đấu Aegis. Tàu có tải trọng đầy tải lên đến 10.000 tấn, có nó vai trò như một tuần dương hạm, tuy vậy, các tàu này không tham gia vào chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo giữa hai nước.
Trong biên chế, Hải quân Nhật Bản còn có 2 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Hatakaze. Các tàu này không được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis nhưng không vì thế mà chất lượng của nó bị đánh giá thấp.
Đặc biệt, Hải quân Nhật Bản sở hữu 2 tàu sân bay trực thăng "hàng khủng" lớp Huyga. Tàu có khả năng mang theo 11 trực thăng, lượng giãn nước của tàu lên đến 19.000 tấn. Huyga có vai trò như một tàu đổ bộ trực thăng, nhưng do chiến lược quốc phòng của Nhật Bản chỉ để phòng vệ nên chức năng đổ bộ không được tích hợp trong thiết kế này.
Ngoài ra, Hải quân Nhật Bản còn có khoảng 30 tàu khu trục các loại. Gần đây, Nhật Bản đã hạ thủy 3 tàu khu trục lớp Akizuki và đưa vào sử dụng 1 chiếc trong số đó. Đây là những tàu khu trục được đánh giá đẳng cấp nhất châu Á hiện nay (ngoại trừ những tàu khu trục Aegis của Mỹ có mặt trong khu vực).
Hải quân Nhật Bản có lực lượng và năng lực chống ngầm rất hùng hậu đến từ 161 máy bay cánh cố định, 129 trực thăng hạm đội máy bay đồ sộ này đều phục vụ cho mục đích tuần tra hàng hải và chiến tranh chống tàu ngầm, mìn. Nổi bật là phi đội 80 chiếc máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion, 103 chiếc trực thăng SH-60, UH-60 khoảng 19 chiếc.
Về tàu ngầm, Hải quân Nhật Bản có 21 tàu ngầm điện diesel gồm 3 lớp Soryu, Oyashio và Harushio. Đây đều là những tàu ngầm điện-diesel hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Trong đó, tàu ngầm lớp Harushio được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP cộng với những cải tiến về công nghệ sonar, cải thiện độ ồn khi hoạt động, có thể nói không cường điệu rằng, lớp tàu ngầm này gần như không có đối thủ tại châu Á.
Hải quân Nhật Bản có kinh nghiệm tác chiến rất phong phú thông qua các cuộc tập trận lớn hàng năm cùng hải quân Mỹ cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Hải quân Trung Quốc: Lấy số lượng bù chất lượng
Với tham vọng to lớn nhanh chóng vươn ra biển lớn trong khi năng lực còn hạn chế do lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây, Hải quân Trung Quốc lấy số lượng bù chất lượng.
Hải quân Trung Quốc có khoảng 350 tàu chiến mặt nước lớn nhỏ các loại, 9 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 2 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo liên lục địa hơn 60 tàu ngầm điện-diesel đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có lực lượng hải quân đông đảo nhất châu Á.
Đáng chú ý trong hạm đội tàu chiến khổng lồ của Hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục phòng không lớp Type-052C, người Trung Quốc gọi đây là những tàu “Aegis của Trung Quốc”.
Đây là những con tàu được thiết kế khá hiện đại, hỏa lực mạnh là những chiếc tàu chiến đầu tiên cung cấp khả năng phòng không cấp hạm đội cho Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục phòng không lớp Type-051C được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa S-300F của Nga. Tàu khu trục đa chức năng lớp Type-052B, Type-051B, 4 tàu khu trục hạng nặng lớp Sovremenny mua từ Nga
Sự áp đảo về số lượng của Hải quân Trung Quốc có mang lại lợi thế cho họ trước một cuộc chạm trán với Hải quân Nhật Bản hay không ? |
Ngoài ra, Trung Quốc đầu tư phát triển mạnh đội tàu khu trục nhỏ Type-054/A, khoảng 13 chiếc đã đi vào hoạt động. Những chiếc tàu này được đóng với tốc độ chóng mặt 3 chiếc/năm. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đầu tư rất mạnh cho đội tàu tên lửa tốc độ cao lớp Type-022.
Tuy nhiên, điều đáng nói, goài những tàu chiến mặt nước trên có chất lượng tương đối kể trên, những tàu chiến còn lại của Hải quân Trung Quốc đa phần lạc hậu không còn đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc khá mạnh, họ sở hữu 3 tàu đổ bộ cỡ lỡn Type-071 Ngọc Châu tải trọng 20.000 tấn, đây là tàu đổ bộ được thiết kế khá hiện đại.
Hải quân Trung Quốc chú trọng rất mạnh vào hạm đội tàu ngầm. Họ có hạm đội tàu ngầm đông đảo nhất thế giới hiện nay. Ngoại trừ những tàu ngầm chất lượng (lớp Kilo) nhập khẩu từ Nga, những tàu ngầm do họ tự đóng là một ẩn số mặc dù họ luôn quảng cáo chất lượng hàng đầu thậm chí vượt mặt Nga.
Không quân hải quân Trung Quốc được đầu tư khá mạnh, họ có trong biên chế tiêm kích đánh biển hàng đầu thế giới hiện nay là Su-30MK2 khoảng 24 chiếc, gần đây được bổ sung thêm tiêm kích J-11BS có vai trò tương tự như Su-30MK2, ngoài ra còn rất nhiều máy bay thế hệ cũ hơn.
Trang thiết bị, năng lực, kinh nghiệm tác chiến chống ngầm của Hải quân Trung Quốc khá nghèo nàn, họ không có máy bay tuần tra hàng hải chuyên dụng như P-3 Orion của Hải quân Nhật Bản, trực thăng chống ngầm vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng.
Ai hơn ai?
Ai sẽ thắng ai trong một cuộc chạm trán giữa số lượng và chất lượng là một câu hỏi rất khó trả lời, nó còn phụ thuộc vào bối cảnh, đường lối tác chiến, chiến lược sử dụng và nhiều yếu tố khách quan khác. Lịch sử chiến tranh thế giới đã ghi nhận sự chiến thắng của số lượng trước chất lượng trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Lực lượng xe tăng Đức được đánh giá vượt trội về chất lượng so với xe tăng của Liên Xô, xe tăng T-34 dù bị đánh giá thấp hơn Tiger của Đức nhưng sự áp đảo về số lượng cùng với chiến lược "một đổi một" đã giúp cho T-34 giành chiến thắng trước Tiger của Đức.
Các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc được trang bị rất phong phú các loại tên lửa chống hạm, tầm bắn của các loại tên lửa này đều xa hơn so với tên lửa chống hạm có trong biên chế Hải quân Nhật Bản. Kho tên lửa chống hạm của Trung Quốc cũng rất đồ sộ, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng chiến lược áp đảo về số lượng để chiếm ưu thế trước những chiến hạm chất lượng của Hải quân Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, hải quân xứ sở mặt trời mọc có năng lực đánh chặn tên lửa rất cao nhờ vào hệ thống chiến đấu Aegis tối tân trong khi Hải quân Trung Quốc không có được khả năng này.
Chiến lược lấy số lượng bù chất lượng chỉ phát huy tác dụng trong một cuộc chiến quy ước, trong bối cảnh thế giới hiện tại. Một cuộc chiến quy ước giữa hải quân Trung-Nhật rất khó xảy ra.
Nếu có một cuộc chạm trán hải quân Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp chủ quyền quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư đó chỉ là cuộc chạm trán cục bộ, chiến lược lấy số lượng bù chất lượng của Trung Quốc hoàn toàn không khả dụng trong trường hợp này.
Quốc Viết
Theo báo Đất Việt