Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đã chế tạo thành công súng phòng lựu cỡ 40mm.
Mô hình nào cho dân quân biển?
- Cập nhật : 12/10/2016
Trên thế giới, các tàu cá dân sự được vũ trang không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, khẳng định rằng đó là một trong những phương pháp để đối đầu với những thách thức trên biển có thể được coi là một bước đi mạo hiểm.
Lực lượng dân quân biển được thành lập thí điểm tại Khánh Hòa vào tháng 3.2012. Ảnh: Lê Anh |
Trong bối cảnh các cuộc tranh chấp và va chạm trên Biển Đông ngày càng gia tăng về cường độ cũng như về tính phức tạp, thời gian gần đây, các quốc gia có liên quan đang tăng cường khả năng thực thi pháp luật cũng như kiểm soát các vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Philippines sẽ nhận thêm tàu chiến từ Mỹ, cũng như đang có ý định mua các tàu tuần tra từ Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch thành lập Lực lượng cảnh sát biển quốc gia trong năm 2012. Vừa qua, Việt Nam cũng đã tiến hành thí điểm việc đưa vào hoạt động các trung đội dân quân biển ở Khánh Hoà và Đà Nẵng.
Dân quân biển là một lực lượng mới, thành lập dựa trên cơ sở luật Dân quân tự vệ, đặt nền tảng là các ngư dân được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Theo luật này, “Dân quân tự vệ biển” là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan; có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam và chịu sự chỉ huy thống nhất của bộ trưởng bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương.
Có thể thấy, dân quân biển chính là một lực lượng bán quân sự, ngoài chức năng trực tiếp khai thác các nguồn lợi thuỷ sản, dân quân biển còn phối hợp với các lực lượng như hải quân, biên phòng, cảnh sát biển đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, góp phần trực tiếp bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc thành lập lực lượng này là nhằm đối phó với các tình huống bất ngờ trên biển, khi ngư dân Việt Nam thường xuyên bị phía Trung Quốc bắt giữ hay bị tấn công, trong khi lực lượng hải quân hay cảnh sát biển vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, khả năng kiểm soát và trợ giúp ngư dân trên toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đều không có những lực lượng giống dân quân biển. Các cơ quan chấp pháp trên biển của họ thường gồm hai dạng chính là hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển (cảnh sát biển tuỳ vào từng quốc gia), như ở Philippines hiện có cả hai cơ quan đó. Tuyệt nhiên không có cơ chế nào tương tự như dân quân biển của Việt Nam. Nói cách khác, lực lượng dân quân tự vệ (trong đó có dân quân biển) – một trong ba bộ phận của các lực lượng vũ trang nhân dân – là một cơ quan đặc thù chỉ có riêng ở Việt Nam cả về tính chất hay biên chế, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm chủ nhật ngày 22.7 rằng Quân uỷ Trung ương Trung Quốc đã chấp thuận việc chính thức thành lập lực lượng đồn trú trên vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền. Theo đó, Quân uỷ Trung ương đã giao cho Quân khu Quảng Châu thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc “thành lập một bộ chỉ huy lực lượng đồn trú ở Tam Sa”. Tờ Thời báo hoàn cầu cũng dẫn lời Hà Kiến Tân, người đứng đầu tập đoàn đánh bắt Baosha ở Hải Nam, cho rằng nên giúp 100.000 ngư dân ở đây thành lập những đơn vị dân quân biển nhằm “giúp họ trở thành một lực lượng dự bị trên biển và sử dụng lực lượng ấy để giải quyết các vấn đề Biển Đông”, theo như vị này tuyên bố. |
Về phía Trung Quốc, lực lượng chấp pháp trên biển của Bắc Kinh cực kỳ đa dạng và có một sức mạnh đáng kể. Hiện tại, có tám cơ quan hàng hải không trực thuộc các đơn vị của Hải quân Trung Quốc. Trong đó, lực lượng tàu hải giám thuộc cơ quan Giám sát hàng hải nhà nước (CMS) và đội tàu ngư chính thuộc cơ quan Thi hành luật Thuỷ sản (FLEC) là hai cơ quan có thực lực tương đối lớn. Các biên đội tàu hải giám và ngư chính xuất hiện rất thường xuyên tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay các khu vực tranh chấp, sẵn sàng bảo vệ các tàu cá dân sự khi có va chạm xảy ra.
Tám cơ quan hàng hải này trên thực tế nằm dưới sự chỉ đạo gián tiếp của hải quân Trung Quốc. Họ sở hữu các biên đội tàu bán quân sự và dân sự lớn, được hoán đổi trực tiếp từ các tàu quân sự, có mang vũ khí. Việc sử dùng tàu ngư chính và hải giám được trang bị như tàu quân sự có thể giúp thực hiện những hành động ở các vùng biển tranh chấp, nhưng chỉ chịu trách nhiệm như một tàu dân sự. Và như thế, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể “đứng ngoài cuộc” trong những vụ va chạm trên biển xảy ra thời gian qua. Nước này hiện đang tập trung phát triển để đưa hải giám và ngư chính trở thành những lực lượng chủ chốt triển khai các hoạt động trên biển, nhất là tại vùng biển tranh chấp. Trong tương lai, theo nhiều ý kiến, Bắc Kinh sẽ thành lập một hạm đội thứ tư trên cơ sở hợp nhất tám cơ quan hàng hải lại với nhau.
Như thế, Trung Quốc chắc chắn có một lực lượng tương tự như dân quân biển của Việt Nam, nhưng được tổ chức dưới một hình thức khác và dĩ nhiên, với số lượng đông đảo hơn. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sau khi thành lập FLEC không lâu đã nhanh chóng sát nhập đội tàu cá của cơ quan này vào lực lương dân quân hải quân của Trung Quốc. Khác với Việt Nam khi sử dụng lực lượng dân quân biển là nhằm bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình, Trung Quốc sử dụng dân quân hải quân như một lực lượng dân sự với mục đích gây hấn và xác lập chủ quyền tại các vùng nước tranh chấp.
Dường như có một liên hệ mật thiết giữa các tàu cá của Trung Quốc và lực lượng bán vũ trang này. Theo nhận định của Lai I-chung, một nhà tư vấn ở Đài Loan, thì: “Tất cả các tàu đánh cá của Trung Quốc đều phải báo cáo cho cơ quan hữu trách về địa điểm đánh bắt, trước khi ra biển”. Theo ông, điều này giải thích vì sao các tàu của hải quân Trung Quốc hoặc của các cơ quan công quyền khác thường có mặt kịp thời tại hiện trường xảy ra sự cố. Ông Lai I-chung cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc sử dụng các tàu thuyền đánh cá và các tàu dân sự để tiến hành chiến tranh cường độ thấp.
Việc trang bị cho ngư dân là cần thiết trong bối cảnh những rủi ro và tranh chấp trên biển đang gia tăng một cách nguy hiểm. Việc các tàu cá của Việt Nam thời gian qua liên tiếp bị tàu Trung Quốc bắt giữ hay bị “tàu lạ” đâm chìm cho thấy rõ những rủi ro đó. Trên thế giới, các tàu cá dân sự được vũ trang không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, khẳng định rằng đó là một trong những phương pháp để đối đầu với những thách thức trên biển có thể được coi là một bước đi mạo hiểm.
Cần phải hiểu rằng ngư dân chỉ là một chiến sĩ tinh thần, không thể yêu cầu họ chiến đấu như các quân nhân chuyên nghiệp. Đối đầu với một lực lượng đông đảo và hiếu chiến hơn có thể khiến ngư dân không những không bảo vệ được tài sản mà có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Mục đích ra khơi của ngư dân là tìm kiếm mưu sinh, chứ không phải cầm súng. Bởi vậy, các phương pháp bảo vệ chủ quyền chính yếu vẫn nằm trên mặt trận ngoại giao và quốc phòng răn đe. Ngoại giao quyết liệt, hiệu quả; chính phủ có những biện pháp hỗ trợ hợp lý; quân đội tiến hành tuần tra (trên biển) đều đặn và thường xuyên, có như thế mới khiến người dân an tâm hơn khi ra khơi.
Nguyễn Thế Phương(Sài Gòn Tiếp Thị)