Trong khi quân đội Mỹ - Hàn bắt đầu cuộc tập trận hàng năm, cảnh sát đặc nhiệm và lực lượng cứu hộ Hàn Quốc đang thực hiện chuỗi diễn tập để đối phó với những tình huống nguy hiểm.
Mỹ-Nhật bắt đầu can dự vào đối đầu Trung-Ấn
- Cập nhật : 19/08/2017
Căng thẳng biên giới Trung-Ấn cứ không dừng leo thang có thể khiến các nước lớn bất an như vấn đề Triều Tiên hiện nay.
Nhật Bản lần đầu tiên đã lên tiếng ủng hộ Ấn Độ trong căng thẳng biên giới kéo dài hai tháng qua giữa New Delhi và Bắc Kinh ở cao nguyên Dokalam, theo NDTV ngày 18-8.
Công khai ủng hộ Ấn Độ
“Chúng tôi hiểu rằng khu vực Dokalam là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc (TQ) và Bhutan, đồng thời cả hai đã công nhận sự tồn tại của tình trạng tranh chấp. Tuy nhiên, điều quan trọng ở những khu vực tranh chấp là các bên liên quan không được có các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình” - Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu nói trước báo giới trong một buổi phỏng vấn hôm 17-8.
Phản ứng kịch liệt, TQ ngày 18-8 đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản không đưa ra các bình luận “tùy tiện” về căng thẳng biên giới Trung-Ấn, thậm chí nếu Tokyo muốn ủng hộ New Delhi, theo Economic Times. “Tôi thấy được đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ thật sự muốn ủng hộ Ấn Độ. Tôi muốn cảnh báo ông ấy không tùy tiện đưa ra các bình luận trước khi làm rõ các sự kiện liên quan” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh nói.
Tuyên bố “không được thay đổi hiện trạng” của ông Hiramatsu ám chỉ phần lỗi của phía Bắc Kinh, khi các binh sĩ TQ hồi tháng 6 đã đơn phương đi vào cao nguyên Dokalam và xây một con đường địa phương. Ngay khi phát hiện vụ việc, cả Ấn Độ và Bhutan đã yêu cầu TQ trả lại hiện trạng ở khu vực này. Vị đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo đang theo dõi tình hình “rất chặt chẽ” vì căng thẳng Dokalam “có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn khu vực”.
Đại sứ Hiramatsu nói: “Chúng tôi hiểu được Ấn Độ can thiệp vào vấn đề này do có các thỏa thuận song phương với Bhutan. Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã nói rõ là Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi đối thoại thông qua các kênh ngoại giao để tìm ra một giải pháp có thể cùng chấp nhận. Chúng tôi đánh giá thái độ tìm kiếm giải pháp hòa bình này là quan trọng”.
Với tuyên bố trên, Nhật Bản là cường quốc đầu tiên công khai ủng hộ New Delhi về vấn đề căng thẳng biên giới Trung-Ấn, theo NCTV.
Các binh sĩ TQ trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội TQ ở khu tự trị Nội Mông cuối tháng 7. Ảnh: AFP
Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu. Ảnh: THE HINDU
Sẽ nóng hơn cả vấn đề Triều Tiên?
Thời gian qua, chính phủ New Delhi luôn nhấn mạnh hai nước TQ và Ấn Độ phải cùng rút quân để tiến tới giải quyết căng thẳng. Trong khi đó, Bắc Kinh khăng khăng đòi binh sĩ Ấn Độ phải rút khỏi Dokalam trước vô điều kiện thì mới có đối thoại. Quan chức TQ cũng từng tuyên bố nếu Ấn Độ không muốn chiến tranh thì hãy rút hết quân khỏi khu vực này.
Tờ CNBC trong một bài viết ngày 17-8 đã đưa ra một so sánh lo ngại vấn đề Triều Tiên “không đe dọa” tới châu Á bằng căng thẳng Trung-Ấn hiện nay. Cả hai nước đều nằm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Hôm 15-8, binh sĩ hai nước thậm chí đã xảy ra xô xát sau khi các binh sĩ TQ có mang theo đá và gậy sắt tìm cách đi vào lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực Ladakh của bang Jammu-Kashmir.
Ngay trước khi Nhật Bản công khai ủng hộ New Delhi trong căng thẳng Dokalam, Mỹ đã có hai động thái cho thấy cân nhắc can dự vào căng thẳng Trung-Ấn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 16-8 đã kêu gọi Ấn Độ và TQ cùng ngồi xuống bàn đàm phán và đối thoại, đồng thời không có các hành động đơn phương tạo ra các thay đổi trên thực địa.
Mỹ cũng ngầm cho thấy sự ủng hộ dành cho Ấn Độ khi liệt nhóm Hizbul Mujahideen (lực lượng lớn nhất trong các nhóm phiến quân chống Ấn Độ hoạt động tại khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ) vào danh sách các tổ chức khủng bố. Động thái này như một gáo nước lạnh nhằm vào Pakistan và đồng minh TQ, theo Times of India.
Bảo Anh
Theo Plo.vn