Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, 99% các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga hoàn toàn có khả năng chiến đấu, trong đó 96% sẵn sàng được triển khai ngay lập tức.
Nga - Mỹ dồn dập đưa tin Việt Nam mua thêm Gepard
- Cập nhật : 23/02/2017
Cùng với báo Mỹ, truyền thông Nga cũng vừa đăng tải thông tin cho rằng Việt Nam đang đàm phán mua thêm cặp tàu Gepard thứ 3 của Nga.
Đàm phán mua thêm
Theo Sputnik, hiện nay, các tàu hộ vệ Gepard Nga đóng cho Việt Nam được trang bị tên lửa cận âm Uran đủ sức tiêu diệt các tàu có lượng giãn nước tới 5.000 tấn ở khoảng cách lên tới 300 km. Tuy nhiên, khi đặt Nga đóng cặp tàu Gepard thứ 3, phía khách hàng Việt Nam bày tỏ ý muốn để cặp tàu mới được trang bị không phải tên lửa Uran mà các hệ thống tên lửa Kalibr,
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik bên lề triển lãm quốc phòng ở Abu Dhabi, Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga cho biết rằng, vào giữa năm 2017 Việt Nam sẽ nhận cặp hộ tống hạm thứ 2 lớp Gepard.
Cặp tàu hộ vệ Gepard đầu tiên là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ đã được biên chế vào Hải quân Nhân dân Việt Nam. Cặp tàu Gepard thứ 2 sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào giữa năm nay, và hiện đang hai tàu này ở cảng Novorossiysk bên bờ Biển Đen.
Chiếc tàu đầu tiên sắp kết thúc thử nghiệm cấp nhà nước trên biển, chiếc tàu thứ hai đang trải qua thử nghiệm cấp nhà máy. Cuối tháng Ba, các thủy thủ Việt Nam sẽ đến Novorossiysk để học cách điều khiển, vận hành tàu Gepard.
Vị giám đốc này cho biết, các tàu Gepard đầu tiên của Việt Nam được trang bị tên lửa cận âm Uran đủ sức tiêu diệt các tàu có lượng giãn nước tới 5.000 tấn ở khoảng cách lên tới 300km. Song khi đặt Nga đóng cặp tàu Gepard thứ ba, phía Việt Nam bày tỏ ý muốn để cặp tàu mới được trang bị không phải tên lửa Uran mà các hệ thống tên lửa Kalibr.
Cùng với thông tin trên, tờ The National Interest của Mỹ cũng đưa tin rằng, Việt Nam đang đàm phán với Nga để mua về cặp tàu Gepard thứ 3 với vũ khí cực mạnh.
Thông tin được tạp chí Mỹ nói đến trong bài viết nói về sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Sau khi được trang bị 6 tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất với trang bị tên lửa Club-S, Việt Nam sẵn sàng áp dụng một chiến lược mạnh hơn "ngăn chặn sự can thiệp" từ bên ngoài, The National Interest cho biết.
Tạp chí Mỹ cho biết thêm, cùng với việc được tiếp nhận 6 tàu ngầm Kilo, Hải quân Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga để mua tiếp cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của Nga với hệ thống vũ khí có nhiều thay đổi so với 2 cặp trước đó.
Trước khi tạp chí Mỹ đăng tải thông tin này, hồi giữa năm 2016, Tập đoàn nhà nước Rostex của Nga đã tiết lộ, cặp tàu Gepard thứ 3 Việt Nam đang đàm phán mua sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK.
Dù chưa có bất cứ thông tin xác nhận nào từ phía Việt Nam về việc đàm phán mua thêm tàu Gepard nhưng trong tương lai gần, Hải quân Việt Nam sẽ lấy nền tảng là lớp tàu chiến Gepard 3.9 của Nga làm lực lượng nòng cốt. Sau đó sẽ tiếp tục nâng cấp sức mạnh với những thế hệ chiến hạm mới hiện đại hơn.
Vũ khí tầm xa
Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).
Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14. Là dòng tên lửa còn khá mới nên thông tin chi tiết về chúng vẫn được Nga bảo mật, tuy nhiên thông số về tầm bắn và phiên bản đã được hé lộ.
Cụ thể, từ trước đến nay người ta thường biết đến phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa tấn công mặt đất này là Klub 3M-14E với tầm phóng vẻn vẹn 300km. Tuy nhiên, phiên bản tấn công mặt đất được sử dụng trong hải quân Nga (Kalibr-NK) đều có tầm phóng siêu xa từ 1500-2500km.
Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất dẫn đường quán tính triển khai cho các tàu ngầm Nga, có tầm phóng và tính năng nhỉnh hơn đôi chút với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Đạn tên lửa có chiều dài cơ bản là 6,2m, với đầu đạn nặng 450kg, phạm vi tấn công là 1,500-2,500 km, tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8. Tên lửa 3M-14T cũng có định danh DOD là SS-N-30A, được triển khai cho các tàu mặt nước với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), với lực đẩy véc-tơ tăng áp. Chiều dài cơ bản của nó là 8,9 m (29 ft), các tham số khác cũng tương tự như 3M-14.
Phiên bản xuất khẩu 3M-14E được Bộ Quốc phòng Nga định danh là SS-N-30B, được phóng từ tàu ngầm. Chiều dài cơ bản của nó là 6,2 m (20 ft), với 450 kg (990 lb) đầu đạn. Phạm vi tấn công là 300km, với tốc độ tương tự như tên lửa nguyên bản.
Tuy nhiên, nếu những thông tin được cả truyền thông Nga và Mỹ đăng tải là chính xác thì cặp tàu Gepard thứ 3 của Việt Nam sẽ được lột xác với tên lửa Kalibr-NK - vũ khí có thể tung ra những cú đòn chính xác từ khoảng cách trên 2.000km.
Tuấn Vũ
Theo Báo Đất Việt