Philippines và Trung Quốc có thể sẽ phải ký kết một hiệp định quân sự. Hội nghị nội các sắp tới sẽ thảo luận về vấn đề này. Động thái này cho thấy Philippines tiếp tục tăng cường cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Quyết định tặng máy bay P-3C cũ cho Malaysia
Tờ Nikkei Shimbun ngày 5/5 cho hay Chính phủ Nhật Bản quyết định lựa chọn một số máy bay cũ đã nghỉ hưu trong số các máy bay tuần tra săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển để cung cấp không hoàn lại cho Malaysia.
Việc này sẽ được thực hiện sau khi sửa đổi luật pháp, mục đích là giúp Malaysia nâng cao khả năng giám sát ở Biển Đông, kiềm chế hoạt động "bành trướng" của Trung Quốc.
Theo Hiến pháp hiện hành, khi cung cấp các tài sản quốc gia như trang bị của Lực lượng Phòng vệ cho các nước khác, Nhật Bản cần nhận được số tiền ngang giá. Hiện nay, Quốc hội Nhật Bản đang xem xét dự luật có liên quan để có thể cung cấp trang bị phòng vệ không hoàn lại cho các nước đang phát triển.
Nếu Luật xây dựng Bộ Quốc phòng sửa đổi được thông qua tại Quốc hội khóa này, Nhật Bản sẽ có thể bàn giao không hoàn lại máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũ cho Malaysia.
Cung cấp máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cho Malaysia sẽ là một trường hợp viện trợ không hoàn lại đầu tiên được thực hiện sau khi luật sửa đổi được thông qua.
P-3C là máy bay tuần tra săn ngầm sử dụng radar để theo dõi, giám sát những tàu khả nghi hoặc tàu ngầm, do Công ty Lockheed Martin (Mỹ) phát triển. Sau khi nhận được giấy phép, Công ty công nghiệp nặng Kawasaki Nhật Bản đã sản xuất với số lượng hạn chế, hiện đã kết thúc giai đoạn sản xuất.
Nhật Bản sở hữu 101 máy bay P-3C, nhưng trong biên chế của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện còn khoảng 60 máy bay P-3C. Máy bay nào có thời gian bay lên tới 15.000 giờ sẽ được cho nghỉ hưu.
Lãnh đạo Cục Trang bị phòng vệ Nhật Bản cho biết việc Chính phủ Nhật Bản quyết định tặng máy bay tuần tra P-3C cho Malaysia là do Chính phủ Malaysia đề xuất mong muốn nhập khẩu loại máy bay này.
Radar tính năng cao của máy bay này có thể thuộc bí mật quốc phòng, vì vậy dự định chúng sẽ bị dỡ bỏ.
Nhật Bản muốn kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông
Theo tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 6/5, Nhật Bản đang tìm cách thông qua chuyển nhượng các trang bị quân sự cũ cho các nước ASEAN để tăng cường phòng thủ trên biển, làm sâu sắc quan hệ quốc phòng với các nước này, đạt mục tiêu kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.
Tháng 3/2017, Nhật Bản đã bàn giao một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn đã nghỉ hưu cho Malaysia. Hơn nữa, trước khi bàn giao, Nhật Bản còn chủ động lắp mới thiết bị radar trên tàu.
Theo tiết lộ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Malaysia, đây là lần đầu tiên Nhật Bản cung cấp tàu nghỉ hưu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho nước ngoài. Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, tiếp theo sẽ còn có một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn nữa sẽ bàn giao cho Malaysia.
Ngoài Malaysia, Philippines cũng là đối tác hợp tác quốc phòng được Nhật Bản rất quan tâm. Tháng 2/2016, Nhật Bản và Philippines ký kết Hiệp định hợp tác kỹ thuật và chuyển giao trang bị phòng vệ. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ký kết hiệp định loại này với quốc gia Đông Nam Á.
Căn cứ vào hiệp định này, Nhật Bản có thể chuyển giao trang bị và công nghệ quốc phòng cho Philippines, quy định hai nước Nhật Bản và Philippines có thể tiến hành nghiên cứu và phát triển chung, thậm chí hợp tác sản xuất trang bị phòng vệ.
Ngày 27/3/2017, Nhật Bản đã bàn giao 2 máy bay huấn luyện TC-90 cho Philippines. Theo học giả Trung Quốc Lưu Lâm, Nhật Bản coi trọng xuất khẩu hoặc chuyển nhượng tàu tuần tra, máy bay tuần tra, radar cho các nước ASEAN, mặc dù tính nhạy cảm ít nhưng ý đồ rất rõ.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn