Tàu chiến Ấn Độ phóng thử thành công phiên bản tấn công mặt đất của tên lửa siêu thanh BrahMos có tầm bắn tới 400 km.
Những lực lượng đặc nhiệm 'sát thủ' tinh nhuệ nhất thế giới
- Cập nhật : 23/04/2017
Lực lượng đặc nhiệm luôn là những đơn vị được đào tạo bài bản, khó đối phó nhất, quy tụ những binh sĩ được tuyển chọn nghiêm ngặt với khả năng phản ứng nhanh nhạy trong mọi tình huống.
Tờ Business Insider mới đây đã tổng hợp 8 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới hiện nay.
8. Đội đặc nhiệm Pakistan (SSG)
Được xây dựng dựa trên mô hình của lực lượng đặc nhiệm SEAL Mỹ và lưc lượng biệt kích SAS của Anh vào năm 1956, lực lượng đặc nhiệm quân đội Pakistan được biết đến với biệt danh “Cò đen” bởi chiếc mũ độc đáo của đội biệt kích này.
Đội đặc nhiệm Pakistan (SSG).
Để có thể ghi tên vào lực lượng này, những người lính đặc nhiệm sẽ phải trải qua một khóa huấn luyện kéo dài 9 tháng với các bài tập khắc nghiệt về chiến thuật, kỹ năng chiến đấu, thể lực trong nhiều loại địa hình từ rừng sâu, sa mạc tới đầm lầy.
7. Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Tây Ban Nha (UOE)
Được thành lập vào năm 1952, lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân Tây Ban Nha là một trong những lực lượng được đánh giá cao nhất ở châu Âu.
Đội đặc nhiệm Hải quân Tây Ban Nha (UOE).
Tuy nhiên, để có thể trở thành một thành viên của lực lượng này, các ứng viên sẽ phải trải qua một quá trình tuyển chọn gắt gao với tỷ lệ thất bại lên tới 70-80%.
6. Lực lượng Alpha Nga
Lực lượng Alpha của Nga được thành lập vào năm 1974 với tiền thân là Cơ quan an ninh quốc gia (KGB) của Liên Xô và sau này giờ đây thuộc Cơ quan an ninh quốc gia mới của Nga (FSB).
Chiến công nổi tiếng nhất của biệt đội này là vào năm 1979, thời điểm xảy ra cuộc xung đột ở Afghanistan. Các lính đặc nhiệm của Alpha khi đó đã đột nhập vào Dinh Tổng thống ở Kabul và triệt hạ hầu hết các phiến quân phản động.
Hiện tại, nhiệm vụ trọng yếu của lực lượng này là thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, xử lý bạo loạn.
5. Đội can thiệp hiến binh quốc gia Pháp (GIGN)
Là đơn vị đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vũ trang Pháp cùng với Lực lượng Hiến binh Quốc gia, GIGN được huấn luyện để tiến hành hàng loạt các nhiệm vụ chống khủng bố và giải cứu con tin ở Pháp cũng như là mọi nơi trên thế giới.
Nhóm hiến binh can thiệp quốc gia Pháp (GIGN).
GIGN được biết đến với tư cách là một trong những đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nhất thế giới, đặc biệt là trong những tình huống bắt con tin bên trong máy bay. Đơn vị này cũng được biết đến vì các kỹ thuật đàm phán cũng như sự huấn luyện gây go nhưng rất sát thực tế.
Một trong những chiến công lừng lẫy của GIGN cho đến nay là giải cứu thành công 224 hành khách trên chuyến bay 89609 của Air France sau khi chiếc phi cơ này bị khủng bố tấn công năm 1994.
4. Lực lượng Sayeret Matkal của Israel
Sayeret Matkal là lực lượng đặc nhiệm của Israel, tập trung vào các hoạt động trinh sát, chống khủng bố, giải cứu con tin và luồn sâu vào lãnh thổ của kẻ thù để thu thập tin tức tình báo.
Lực lượng Sayeret Matkal của Israel.
Để trở thành một phần của Sayeret Matkal, các ứng viên sẽ phải trải qua 18 tháng tập luyện bao gồm các bài tập về kỹ năng, chiến thuật dưới sự giám sát của các bác sĩ và chuyên gia tâm lý học. Và sau cùng chỉ có những người xuất sắc nhất mới được giữ lại hoạt động trong đơn vị này.
3. Đội đặc nhiệm Không quân Anh (SAS)
SAS (Special Air Service) là lực lượng đặc nhiệm không quân Anh được thành lập năm 1941 và luôn được xem là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất trên thế giới.
Nhiệm vụ chính của SAS là tiến hành các chiến dịch quân sự đặc biệt, chống khủng bố ở. Bên cạnh đó, đơn vị của Anh còn giúp đào tạo binh sĩ đặc nhiệm của các nước khác, huấn luyện kỹ năng chiến tranh du kích và tác chiến trong nhiều tình huống.
Để trở thành thành viên của SAS, các ứng viên phải trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe kéo dài trong 6 tháng với các bài huấn luyện như hành quân đi bộ dài 64 km trong vòng 20 giờ, chạy 6,4 km trong 30 phút, bơi 3,2 km trong 90 phút.
Do yêu cầu hết sức khắt khe, chỉ có khoảng 30 ứng viên vượt qua được kỳ tuyển chọn trong mỗi đợt huấn luyện.
2. Đội đặc nhiệm Hải quân Anh (SBS)
Cùng với SAS, đội đặc nhiệm Hải quân Anh là niềm tự hào của xứ sơ sương mù và được đánh giá tương đương với đội biệt kích SEAL của Mỹ.
Đội đặc nhiệm Hải quân Anh (SBS).
SBS là đơn vị trực thuộc quân chủng Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia Anh, tuy nhiên về mặt tác chiến, SBS nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp từ Bộ tư lệnh đặc nhiệm Anh, cùng với các đơn vị khác như SAS.
Quy mô của SBS tương đối nhỏ, chỉ khoảng hơn 200 người, được chia thành 4 hải đội. Mỗi hải đội gồm 3 tiểu đội 16 người. 16 người này có thể chia thành 4 tổ chiến đấu 4 người, hoặc 8 tổ chèo thuyền kayak 2 người.
Nhiệm vụ của SBS rất đa dạng, bao gồm chống khủng bố, trinh sát, tình báo, phá hoại ngầm, bắt giữ và tiêu diệt các mục tiêu cá nhân.
1. Đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ
Được thành lập năm 1962, SEAL là đội biệt kích xuất sắc bậc nhất lịch sử thế giới hiện nay, nổi tiếng nhất với vụ tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden ngày 02/05/2011.
Biệt đội SEAL của Mỹ.
Các sứ mệnh của SEAL có thể đa dạng từ chiến đấu, thu thập dữ liệu, chống khủng bố đến giải cứu con tin.
Lực lượng đặc nhiệm này cũng nổi tiếng vì tiêu chuẩn lựa chọn và huấn luyện khắt khe bậc nhất trên thế giới, với tỷ lệ ứng viên bị loại trong quá trình đào tạo là 80 đến 85%.
Trong 6 tháng đầu huấn luyện, các thành viên phải trải qua nhiều kỹ năng khó, đặc biệt là kỹ thuật tấn công cơ bản dưới mặt nước (Buds). Kỹ năng này gồm một giai đoạn hành động kéo dài liên tục trong 120 tiếng, bao gồm cả bơi, chạy, vượt chướng ngại vật, lặn và định vị mục tiêu. Khoá huấn luyện Buds mới đây của SEAL đã loại tới 190 trong tổng số 245 người được tuyển mộ ban đầu.
Sau khi trải qua giai đoạn đào tạo này, những người còn trụ lại được sẽ chính thức trở thành thành viên của biệt đội hải quân Mỹ. Nhưng họ vẫn cần thêm 12 tháng huấn luyện chung với các đồng đội bằng súng đạn thật, và cái chết sẽ xảy đến bất cứ lúc nào, trước khi có thể được giao nhiệm vụ.
Song Hy (Nguồn: Business Insider, VTC News)