Nhật Bản là nước có vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) lớn thứ bảy trên thế giới, và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) có trách nhiệm bảo vệ khu vực rộng lớn này. Hãy thử tìm hiểu về lực lượng hải quân của nước này.
Sức mạnh hải quân đáng gờm của Hàn Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong khi mọi sự chú ý của thế giới tập trung vào cuộc đối đầu tiềm ẩn giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại biển Hoa Đông, một người chơi thứ ba đã xây dựng nên một hạm đội có thể coi là hùng mạnh nhất tại Đông Bắc Á.
Tàu đổ bộ Dokdo của Hàn Quốc có quy mô tương đương một tàu sân bay cỡ nhỏ |
Nếu như Seoul vẫn duy trì cam kết phát triển Hải quân nước này, ROKN có thể trở thành một trong những hải quân đứng hàng đầu trong nhóm các hải quân tầm trung.
Các thiết kế tàu chiến mới mà Seoul vừa nhận được cho thấy loại hình chiến tranh chống tàu ngầm đang rất được chú trọng. Các tàu khu trục lớp Great (KD-II) có trang bị tên lửa Aegis có thể mang theo nhiều tên lửa hơn là các thiết kế cùng hạng của Mỹ, Nhật và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiềm lực của các tàu chiến Hàn Quốc có vẻ như đang hướng tới những biến cố toàn cầu, chứ không chỉ nhằm đáp trả các đe dọa từ phía Triều Tiên.
Các tàu chiến đổ bộ lớp Dokdo cho thấy trọng tâm hàng hải của Hàn Quốc vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Cũng như rất nhiều tàu chiến đổ bộ khác, tàu Dokdo tải trọng 18.000 tấn trông rất giống một tàu sân bay cỡ nhỏ. Mặc dù hiện tại Hàn Quốc không tham gia vào dự án sản xuất và chế tạo máy bay F-35 với Mỹ, viễn cảnh có một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm cất cánh từ Dokdo (hoặc hậu duệ của Dokdo) chắc chắn là có trong toan tính của các nhà hoạch định kế hoạch quốc phòng Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả khi mức chi phí khổng lồ để sở hữu và vận hành các máy bay trên khiến Seoul nản chí, các tàu sân bay hạng nhẹ một lúc nào đó vẫn có thể triển khai các thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ cho chiến đấu và các vai trò giám sát. Trong mọi trường hợp, các tàu như Dokdo đã mang lại cho Hàn Quốc tiềm lực viễn chinh đáng nể.
Ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh đã giúp hỗ trợ và bảo đảm cho việc mở rộng cũng như hiện đại hóa ROKN. Bốn tàu Dokdo và sáu tàu KD-III đã nằm trong kế hoạch, cho dù việc xây dựng trên thực tế có thể chưa đáp ứng được các con số trên.
Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc thực hiện được kế hoạch này, đây có thể sẽ là một trong những hạm đội tàu chiến hải quân uy lực nhất trên thế giới, có khả năng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau trong khu vực. Tàu KD-III và Dokdo đang được hộ tống bởi một đội gồm chín tàu khu trục (có tải trọng 3500-6000 tấn) được thiết kế chuyên biệt cho chiến tranh trên và dưới mặt nước. Khoảng 15 tàu khu trục tải trọng 3000 tấn cũng đang được lên kế hoạch bổ sung.
Cũng giống như Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), ROKN đã tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh nghiệm triển khai quân ở những nơi xa xôi và trong thời gian dài. Hàn Quốc thường xuyên tham gia tập trận RIMPAC (do Mỹ đứng đầu, tiến hành ở Hawaii), cũng như các cuộc tập trận đa phương quan trọng khác.
Cũng như PLAN và Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản (JMSDF), ROKN đã duy trì được sự hiện diện trong việc hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển CTF 151 ở Somali.
Tất cả những thông tin trên nói lên rằng những gì mà ROKN đang xây dựng để đối phó với các tình huống khẩn cấp có thực lực lớn hơn rất nhiều so với chỉ một cuộc chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên.
Các loại tàu chiến mà Hàn Quốc đang vận hành đều có tiếng tăm và giá trị lớn. Điều này thể hiện cho công chúng trong và ngoài nước thấy rằng các bên sẽ phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về Seoul trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hạm đội trên cũng cho thấy khó có khả năng quan hệ giữa Hàn Quốc và các láng giềng lớn sẽ bị tổn hại. Những tiềm lực mà ROKN hiện đang theo đuổi chỉ có thể vận hành ở nước ngoài và trong các hoạt động viện trợ và cứu trợ nhân đạo, hoặc giúp bảo vệ các tuyến hàng hải huyết mạch của Hàn Quốc.
Trong mọi trường hợp, xu hướng quá chú trọng tới hải quân Trung Quốc và Nhật Bản đang ‘bỏ sót’ một trong những ‘người chơi’ quan trọng nhất trong không gian biển tại Đông Bắc Á.
- Lê Thu (theo Diplomat, VietnamNet)