Hải quân Trung Quốc hôm qua lần đầu diễn tập chung với Myanmar khi đội tàu nước này cập cảng đất nước Đông Nam Á trong 4 ngày.
Trang tin của Viện nghiên cứu quan hệ chiến lược quốc tế Pháp mới đây đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu cao cấp Jean-Vincent Brisset bàn về tàu sân bay tự chế đầu tiên vừa hạ thủy Type 001A của Trung Quốc.
Công nghệ thập niên 1950
Bài viết đặt câu hỏi: Đối với Trung Quốc, tàu sân bay “Trung Quốc tự chế 100%” này phải chăng đại diện cho một cuộc cách mạng khoa học công nghệ?
Ở góc độ công nghệ, tàu sân bay Type 001A là tàu chiến lớn nhất do Trung Quốc tự chế trong lịch sử. Trên một phương diện khác, ở mức độ rất lớn, tàu sân bay này được “gợi ý” từ tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga.
Đối với Bắc Kinh, tàu sân bay mới này có nghĩa là một bước nhảy lớn. Nhưng nhìn vào việc chế tạo tàu sân bay, đây vẫn là trang bị thuộc thiết kế thập niên 1950.
Ngoài ra, tàu sân bay Type 001A chưa có máy phóng. Ở góc độ công nghệ và chiến đấu thực tế, Type 001A rõ ràng có tính hạn chế. Hơn nữa, Type 001A sử dụng động cơ dầu diesel, nên khả năng hoạt động liên tục trên biển bị hạn chế. Bởi vì, Type 001A phải tiến hành tiếp dầu thường xuyên.
Nhưng, ở góc độ “có lợi”, động cơ dầu diesel có thể giúp cho tàu sân bay có thể nghỉ ngơi và đợi lệnh bất cứ lúc nào. Chính như trường hợp tàu sân bay Charles de Gaulle, cứ 5 - 6 năm, tàu sân bay động cơ hạt nhân phải dừng hoạt động 18 tháng. Trái lại, tàu sân bay động cơ thông thường chỉ cần nghỉ vài tháng khi hoạt động được 2 - 3 năm.
“Trục xuất” kẻ địch ở các vùng biển khu vực
Về quân sự, nhất là trên phương diện hải quân, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề. Thứ nhất là Mỹ. Thứ hai là liên quan đến Trung Quốc muốn thực hiện chiến lược “chống tiếp cận” để bảo vệ “phạm vi ảnh hưởng” của họ.
Tức là, Bắc Kinh muốn ngăn chặn sự hiện diện của bất cứ thế lực thù địch nào tại các khu vực nhất định (Biển Đông, biển Hoa Đông, thậm chí một bộ phận khu vực của Thái Bình Dương). Đây chính là lý do Trung Quốc sở hữu tàu sân bay.
Trung Quốc sử dụng tàu sân bay đầu tiên cho “học tập”, muốn sử dụng tàu sân bay mới cho chiến đấu thực tế thực sự. Tuy nhiên, một số nguyên nhân kỹ thuật (chủ yếu là thiếu máy phóng) sẽ cản trở Trung Quốc sử dụng máy bay chiến đấu hạng nặng cho nhiệm vụ “tấn công”. Hiện nay, Bắc Kinh chỉ nỗ lực cho khả năng phòng thủ.
Về lâu dài, Trung Quốc không thể theo kịp Mỹ. So với Mỹ, về thiết kế, tàu sân bay mới của Trung Quốc kém vài chục năm (không nhất định là về thiết bị điện tử, mà phần nhiều về kết cấu và máy móc). Máy bay của Trung Quốc cũng kém Mỹ.
Tóm lại, tàu sân bay Trung Quốc tuyệt đối không thể so sánh với tàu sân bay Mỹ về mọi khả năng khi thường xuyên thực hiện các loại nhiệm vụ.
Thông số, tính năng vẫn chỉ là phỏng đoán
Theo báo Canada, tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc có thể đã lắp radar mảng pha tương đồng với tàu khu trục Aegis Trung Hoa Type 052D, khoảng cách dò tìm của radar này đạt 400 km, được cải thiện rõ rệt so với tàu sân bay Liêu Ninh.
Còn theo trang tin an ninh toàn cầu Mỹ, tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể được cải tiến lớn về các hệ thống điện tử như thiết bị thu thập tin tức, chỉ huy và kiểm soát tác chiến. Dù sao, những năm gần đây, công nghiệp quân sự Trung Quốc đã đạt được đột phá nhanh chóng trên lĩnh vực này.
Trang tin Sputnik Nga cho rằng, khi cải tạo tàu sân bay Liêu Ninh, vai trò của công nghiệp Trung Quốc chủ yếu là lắp ráp thiết bị điện tử, vũ khí và một số thiết bị chuyên dụng dùng cho máy bay.
Còn hiện nay, các nhà đóng tàu Trung Quốc lại thực hiện một công việc đồng bộ, bao gồm chế tạo thân tàu và trang bị động cơ chính. Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy là một sự kiện mang tính cột mốc của Trung Quốc.
Báo chí một số nước cũng ca ngợi Trung Quốc đã có “bước tiến lớn” trên phương diện chế tạo tàu sân bay, nhưng lại không chỉ ra “bước tiến lớn” này biểu hiện cụ thể ở những điểm nào. Có tờ báo liệt kê về hệ thống động cơ hay hệ thống phóng, nhưng rõ ràng chỉ là suy đoán và chưa được chứng thực.
Về mục đích phát triển tàu sân bay, báo chí một số nước cho rằng Trung Quốc muốn vươn lên thành cường quốc hải quân, muốn “bảo vệ chủ quyền biển, bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng”, “bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi. Bởi vì Trung Quốc có những tham vọng quá mức ở các vùng biển thuộc Tây Thái Bình Dương như phía Mỹ từng chỉ rõ, chẳng hạn như yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mục tiêu: Tàu sân bay lắp động cơ hạt nhân
Theo trang tin Sina Trung Quốc, trong 10 - 20 năm tới, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc phải đối mặt với nhiều “đỉnh núi”, bao gồm lắp động cơ hạt nhân cho tàu sân bay.
Động cơ hạt nhân sẽ giúp cho tàu sân bay có công suất lớn. Nếu Trung Quốc thực hiện được mục tiêu lắp động cơ hạt nhân cho tàu sân bay tương lai, thì Trung Quốc phải đạt đột phá về công nghệ lò phản ứng hạt nhân sử dụng cho tàu công suất lớn.
Đối với Mỹ, trải qua hơn 60 năm phát triển tàu sân bay, từ tàu sân bay USS Enterprise ban đầu lắp lò phản A2W thế hệ đầu tiên (8 lò), đến lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ hai A3W và thế hệ thứ ba A4W (tàu sân bay lớp Nimitz lắp 2 lò), rồi đến lò phản ứng thế hệ thứ tư A1B lắp cho tàu sân bay lớp Ford tiên tiến nhất hiện nay (2 lò). Một lò phản ứng có công suất đáng kinh ngạc, đã lên tới 160.000 mã lực trở lên, 30 năm mới phải thay nhiên liệu 1 lần.
Vì vậy, Sina cho rằng Trung Quốc phải nỗ lực trên phương diện này. Trước hết là phải chế tạo tàu thử nghiệm động cơ hạt nhân, giống như tàu phá băng 25.000 tấn của Nga. Sau đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu chế tạo.
Trung Quốc có thể nghiên cứu chế tạo ra lò phản ứng hạt nhân 60.000 mã lực, trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân cho tàu sân bay lớp 80.000 - 100.000 tấn, tốc độ tối đa có thể đạt 30 hải lý/giờ.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn