Các loại phương tiện và vũ khí của lực lượng quân đội Nga tại Bắc Cực được thiết kế để có thể hoạt động trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt của khu vực này.
Tham vọng vươn ra thế giới của vũ khí Ấn Độ
- Cập nhật : 18/08/2017
Từng là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Ấn Độ đang cho thấy tham vọng góp mặt vào danh sách các đại gia xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
Tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos đang được kỳ vọng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Brahmos là kết quả hợp tác giữa Nga và Ấn Độ dựa trên nguyên mẫu là tên lửa P-800 Oniks trứ danh của Nga - Ảnh chụp màn hình
Ấn Độ đã từng bỏ tiền nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác để nhập khẩu vũ khí trong nhiều năm. Giai đoạn 2011 - 2015, số tiền Ấn Độ mua vũ khí nước ngoài nhiều gấp đôi giai đoạn 2006-2010 trước đó, theo tạp chí Forbes.
New Delhi luôn là thị trường được Mỹ và Nga săn đón cho các hợp đồng vũ khí béo bở. Nhưng giờ đây, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi lại muốn Ấn Độ đóng một vai trò mới, mang tính dẫn đầu trong thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.
Giám đốc cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ từng tiết lộ New Delhi đang thương thảo hợp đồng bán tên lửa đất đối không tầm ngắn Akash cho một quốc gia ở Đông Nam Á.
Trước đó, thông tin từ một số tờ báo nước ngoài cũng nói Ấn Độ đã bán một loại tên lửa chống hạm siêu thanh cho cùng đối tác nói trên.
Nếu các thông tin này được xác nhận và hợp đồng Akash được chốt, đây sẽ là lần đầu tiên tên lửa Ấn Độ được chuyển giao cho nước ngoài, tờ Forbes nhận xét.
Theo Forbes, giá trị xuất khẩu vũ khí thường niên của Ấn Độ hiện còn khá khiêm tốn, ở mức 150 triệu USD. New Delhi đang quyết tâm đẩy giá trị xuất khẩu lên mức 3 tỉ USD trong một thập niên tới.
Mục tiêu đầy tham vọng này nhằm trong chiến dịch "Make in India" của thủ tướng Modi, muốn biến Ấn Độ trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Để hiện thực hóa con số 3 tỉ USD, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu xem lại lại nguyên tắc chuyển giao vũ khí, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí và thời gian, một số thủ tục, bao gồm giấy chứng nhận không bị cấm xuất khẩu, được đưa lên mạng. Các nhà thầu quốc phòng Ấn Độ được cởi trói trong các khoản đầu tư ra nước ngoài.
Tàu khu trục Kolkata (D63) của Hải quân Ấn Độ được hạ thủy năm 2003 nhưng tới năm 2014 mới được đưa vào biên chế - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, theo Forbes, công nghiệp quốc phòng Ấn Độ vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn đạt mục tiêu 3 tỉ USD xuất khẩu.
Trước hết là về mặt kỹ thuật và nghiên cứu khách hàng. Điển hình như tiêm kích nội địa đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo có tên Tejas. Đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực, tuy nhiên Hải quân Ấn Độ đã từ chối sử dụng với lý do nó không phù hợp với tàu sân bay.
Trên thực tế, Ấn Độ đã tự chủ được công nghệ đóng tàu khu trục, tàu tên lửa, thậm chí cả tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay từ lâu.
Hải quân Ấn Độ có hàng chục năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay. Vấn đề nằm ở chỗ thời gian chế tạo là quá lâu khiến có trường hợp tàu khu trục đã bị lạc hậu ngay khi vừa hạ thủy.
Thêm vào đó, việc có quá nhiều bên nước ngoài góp mặt trong một loại vũ khí có thể kéo dài thời gian chuyển giao hoặc đủ làm nản lòng các khách hàng tiềm năng.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước, Ấn Độ thường kèm theo điều khoản là các tập đoàn nước ngoài phải đầu tư hoặc chuyển giao một phần công nghệ.
Tiêu biểu như hợp đồng mua tiêm kích trị giá 8,7 tỉ USD với tập đoàn Dassault của Pháp có điều khoản Dassault phải tái đầu tư 30% giá trị thương vụ vào ngành công nghiệp máy bay của Ấn Độ.
Việt Nam là thị trường tiềm năng
Theo tạp chí Forbes, Việt Nam nổi lên như một thị trường xuất khẩu vũ khí tiềm năng của Ấn Độ. Thông tin về việc New Delhi chuyển giao tên lửa BrahMos cho Việt Nam đã xuất hiện từ mấy năm trước và là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn quân sự thế giới.
Hồi năm rồi, trong chuyến thăm tới Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đồng ý cấp khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD kèm khoản vay 100 triệu USD để đóng mới 4 tàu tuần tra, giúp Việt Nam tăng cường năng lực quân sự.
BẢO DUY
Theo Tuoitre.vn