Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó.
Tinh nhuệ như đặc công hải quân
- Cập nhật : 12/10/2016
Có những trận đánh của đơn vị đi vào huyền thoại như trận đánh chìm tàu dầu trọng tải 15.000 tấn của Mỹ năm 1969. Khi đó, hơn 70 tờ báo của nhiều nước đồng loạt đưa tin về sự kiện chấn động này. Ngày nay, những chiến sĩ Đoàn 126 được rèn luyện với những khoa mục khắt khe nhất, vượt xa mức chịu đựng của những người bình thường để trở nên “mình đồng da sắt”, đặc biệt tinh nhuệ, đảm đương những nhiệm vụ quan trọng bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc. Gần 7 năm bám trụ ở chiến trường Quảng Trị (từ 1967 đến 1972), với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, Đoàn 126 Hải quân đánh chìm 339 tàu chiến, tàu vận tải của địch, ngoài ra còn đánh hỏng 33 chiếc khác, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, phá huỷ hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Những trận đánh liên tiếp của Đoàn đặc công 126 Hải quân khiến địch thất điên bát đảo, chúng phải thốt lên: “Hiện nay tàu bè đi lại trên thủy lộ sông Cửa Việt đang bị thuỷ lôi của cộng sản đe doạ trầm trọng” (trích tài liệu “Lực lượng hải quân Bắc Việt” của phòng Nhì hải quân ngụy).
Năm 1975, các chiến sĩ Đoàn 126 Hải quân là những người nổ súng giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đặc công hải quân luyện tập đổ bộ đánh chiếm mục tiêu.
Nỗi ám ảnh của tàu chiến địch
Theo lời giới thiệu của các cán bộ Quân chủng Hải quân, chúng tôi tìm gặp một trong những người người “khai sinh” ra Đoàn đặc công 126 Hải quân - Thiếu tướng Mai Năng. Ông Mai Năng nhớ lại: Đoàn 126 thành lập ngày 13/4/1966, được tung vào chiến trường bắc Quảng Trị trong thời kỳ chiến trường này đặc biệt nóng bỏng.
Để tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân ngụy đang bị giam chân ở mặt trận đường 9 – Khe Sanh, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm của chúng. Đoàn 126 được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ lực, tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của địch.
Đặc công hải quân luyện tập đổ bộ bằng trực thăng.
Chiến công oanh liệt nhất trong giai đoạn này của Đoàn 126 Hải quân là trận đánh tàu dầu trọng tải 15.000 tấn của Mỹ ngày 9/9/1969. Ông Trần Quang Khải - một trong những chiến sĩ tham gia đánh tàu trên - nhớ lại: “Mặc dù biết trước rằng đây là tàu cực lớn, nhưng tôi vẫn bị “choáng” bởi chiếc tàu lừng lững như toà nhà 5 tầng neo giữa biển. Gắn xong mìn vào tàu thì chúng tôi bị địch phát hiện, chúng bắn như vãi đạn xuống biển, nhưng tôi và đồng chí Hỗ đã kịp bơi thoát khỏi làn đạn địch”.
Sau khi 2 chiến sĩ đặc công đã về đến bờ an toàn thì ở ngoài biển, một tiếng nổ lớn kèm một quầng lửa phát ra, ánh sáng chói loà đến mức ở cách xa vài chục cây số vẫn nhìn rõ. Sự kiện tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ bị đánh đắm được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”.
Nhiều tờ báo đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi có thể nhìn thấy từng con cá dưới biển. 3 ngày sau, hải quân Sài Gòn phái một đơn vị người nhái đến hiện trường để vớt xác lính.
Trung uý Hồ Biền - chỉ huy đơn vị người nhái - sau đó kể với phóng viên Báo Sài Gòn (ngụy): “Hôm đó tôi dẫn bọn lính ra để thực thi nhiệm vụ. Nhưng đứa nào cũng sợ xanh mặt... Lúc chúng tôi trở về, Đô đốc Lâm Ngươm Tánh quát rằng: Gió bão như vậy, đặc công thuỷ Việt cộng không thể lặn ra biển được. Nhất định bọn người nhái chúng tôi đã làm phản. Thế là tôi phải ngồi tù 1 năm”.
Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Đoàn 126 tham gia nhiều chiến dịch. Đặc biệt, họ chính là đơn vị chủ lực giải phóng quần đảo Trường Sa - núm ruột thân yêu của tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đoàn đặc công Hải quân 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 4 đơn vị của đoàn được phong tặng danh hiệu anh hùng, 10 cá nhân được phong anh hùng qua các thời kỳ.
Kình ngư của biển
Ngày nay, Đoàn 126 đóng quân tại vùng cửa biển thuộc huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Đặc công hải quân được tuyển chọn chặt chẽ, huấn luyện với những khoa mục khắt khe nhất để đủ sức chiến đấu trong những môi trường đặc biệt. Đại tá Đoàn Văn Mạnh - Chính uỷ Đoàn 126 - cho biết: Hằng năm, Đoàn 126 cử cán bộ tới các đơn vị trong lực lượng hải quân để tuyển chiến sĩ đặc công. Ngoài những tiêu chí như sức khoẻ tốt, ứng viên phải trải qua các bước kiểm tra đặc biệt, trong đó có việc ngồi lên chiếc ghế “xoay tít mù” trong vòng 3 phút.
Khi ghế dừng lại, ứng viên phải đi qua một đoạn đường kẻ vạch rộng 80cm, dài 2m mà không được giẫm lên vạch, đến chiếc bảng rồi viết rõ ràng một chữ nào đó theo yêu cầu. Rất nhiều người không vượt qua được bài kiểm tra này, vừa rời ghế đã ngã lăn ra đất vì... chóng mặt. Yêu cầu khắt khe nên từ vài nghìn chiến sĩ ở các đơn vị hải quân, Đoàn 126 cũng chỉ chọn ra khoảng vài chục tân binh.
Từ số này, đơn vị lại tiếp tục tuyển chọn ra vài người xuất sắc nhất để vào đội người nhái sau khi họ vượt qua được bài kiểm tra “ép nhái” (bằng cách chui vào chiếc máy tăng, giảm áp có hình thù như một hộp diêm khổng lồ). Khi vận hành máy sẽ tạo nên khí nén với áp lực cực cao - công đoạn kiểm tra xem ứng viên có chịu đựng được áp lực khi lặn ở độ sâu vài chục mét sau này hay không.
Thăm một vòng doanh trại, những “kẻ ngoại đạo” không khỏi tròn mắt ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh giữa tiết trời lạnh 12 độ C, các chiến sĩ chỉ mặc trên mình chiếc quần đùi, trầm mình xuống nước bơi một mạch 10km ra phía cửa biển. Trung tá Bùi Việt Hùng - Phó đoàn trưởng - giải thích: Đó chỉ là một khoa mục huấn luyện bình thường của đơn vị.
Huấn luyện đặc công hải quân còn bao gồm rèn thể lực để có thể mang vác vũ khí, khí tài nặng di chuyển bí mật. Rèn luyện võ thuật là điều không thể thiếu đối với người lính đặc công. Kỹ thuật hoá trang yêu cầu người lính có thể ém quân, nằm giấu mình trên cát, dưới bờ sông, kênh rạch cả ngày, ngay trước mặt nhiều người mà không bị phát hiện. Đó còn là các chiến thuật đột nhập, vượt qua các chốt canh phòng của đối phương mà không bị phát hiện, hay vượt các chướng ngại vật như dây thép gai, bãi mìn, dây điện...
Chuyên mục khắc nghiệt nhất trong chương trình huấn luyện đặc công hải quân phải kể đến “thả trôi”. Huấn luyện thả trôi là bài tập bắt buộc nhằm luyện cho bộ đội đặc công khả năng chịu đựng, có thể sống sót trên biển trong những tình huống đặc biệt. Khi huấn luyện thả trôi, các chiến sĩ phải đem trên mình những vũ khí, trang bị cần thiết như đi chiến đấu, gồm dao đa dụng, súng, khối nổ, thức ăn, nước uống rồi ngâm mình dưới biển, để cho trôi dạt.
Yêu cầu bắt buộc là mỗi chiến sĩ phải thả trôi liên tục 1 ngày (24 giờ), nhưng có nhiều người vượt chỉ tiêu, thả trôi được tới... 38 giờ. Vì phải ngâm mình trong nước liên tục, nên thức ăn của lính đặc công hải quân khi đó cũng rất đặc biệt (gồm những tuýp nhỏ bằng 1 hộp kem đánh răng, có đủ các vị như thịt bò, thịt lợn, gà, bảo đảm mỗi tuýp cung cấp được 2.500 calo).
Chính nhờ được huấn luyện kỹ càng, khắt khe, đặc công hải quân có thể vượt qua được những hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt để tấn công mục tiêu đã định. Trong chương trình huấn luyện quân đội có khoa mục huấn luyện đối kháng. Giữa 2 đơn vị quy ước với nhau, một bên “đánh” còn một bên “giữ” vị trí.
Bên “đánh” là đặc công hải quân báo trước cho bên “giữ” nội dung: “Trong khoảng thời gian từ 16 - 22h, ngày X, Đoàn 126 sẽ “đánh” mục tiêu là cầu tàu A”. Lập tức bên “giữ” tổ chức lực lượng, bố phòng chặt chẽ bằng cách rải lưới khắp cầu tàu, cho canô chạy liên tục, cứ 3m lại có một người canh gác cầu tàu. Tuy nhiên, chưa hết giờ quy định, bên “đánh” điện báo: Đã gắn “mìn” (được quy định là một miếng bìa màu, dán vào cầu tàu A).
Rèn luyện bằng cách vùi mình trong cát bỏng giữa mùa hè nắng gắt hay “thả trôi” giữa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông đã tôi luyện cho các chiến sĩ đặc công hải quân trở thành những kình ngư của biển. Cùng với đó, trang bị, khí tài của lực lượng đặc công hải quân ngày càng hiện đại, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là những mũi chiến đấu tinh nhuệ thọc sâu, đánh hiểm đặc trưng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Theo Lao Động