Hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất của Israel sẽ khiến những kẻ đang tìm cách hủy diệt nhà nước Do Thái gây nguy hiểm cho chính sự tồn vong của mình.
Tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc ngày 1/4 cho rằng cuộc chạy đua về tàu sân bay hạng nhẹ giữa Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra ngày càng gay gắt. Hai nước này làm như vậy nhằm tăng cường vai trò ảnh hưởng ở biển Hoa Đông, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản đang tồn tại tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Trung Quốc gây sức ép an ninh ngày càng lớn đối với Nhật Bản khi triển khai nhiều hoạt động quân sự tại khu vực này.
Hai nước đang nỗ lực để sở hữu “tàu sân bay hạng nhẹ”, vì giá cả của nó tương đối rẻ so với tàu sân bay thông thường, đồng thời có thể phát huy hiệu quả trong chiến đấu ở một khu vực cục bộ. Lượng giãn nước của “tàu sân bay hạng nhẹ” khoảng 40.000 tấn trở xuống, cơ bản chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 tàu sân bay phổ thông.
Ngày 22/3/2017, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã đưa tàu sân bay trực thăng Kaga vào hoạt động. Tàu này là tàu lớp Izumo thứ hai, cảng chính là cảng Yokohama, chở 14 máy bay trực thăng tấn công.
Tàu chị em của nó có tên là Izumo, đi vào hoạt động từ năm 2015. Tàu Izumo và Kaga đều dài 248 m, rộng 38 m, lượng giãn nước lớn nhất là 27.000 tấn.
Trong khi đó, các thông tin mới nhất cho biết Trung Quốc đang chế tạo tàu tấn công đổ bộ Type 075 lớp 40.000 tấn. Tàu này nhiều nhất có thể chở được 30 máy bay trực thăng vũ trang, có thể đồng thời cất cánh 6 máy bay trực thăng.
Theo tờ Nam Hoa buổi sáng (Hồng Kông) ngày 29/3, tàu tấn công đổ bộ Type 075 có thể điều động nhiều loại trực thăng khác nhau để “tấn công tàu chiến hải quân, lực lượng mặt đất đối phương hoặc tàu ngầm đối phương ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Có nguồn tin cho biết, thời gian chế tạo tàu Type 075 sẽ là 2 năm. Chiếc Type 075 đầu tiên có thể hạ thủy vào năm 2019, đi vào hoạt động toàn diện vào năm 2020.
Trong khi đó, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy vào ngày 23/4/2017, ngày kỷ niệm tròn 68 năm thành lập Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc có kế hoạch tăng quy mô lực lượng hải quân đánh bộ từ khoảng 20.000 quân lên 100.000 quân, nhằm hỗ trợ cho bảo vệ lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Việc hạ thủy tàu sân bay Type 001A và chế tạo tàu tấn công đổ bộ Type 075 tiếp tục cho thấy hải quân đánh bộ và hải quân sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quân đội Trung Quốc.
Hoàng Đông, nhà quan sát quân sự từ Ma Cao cho rằng tàu tấn công đổ bộ Type 075 có quy mô tương đương với tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp lớn nhất của Mỹ.
Hoàng Đông nói: “Trung Quốc đang sở hữu nhiều tàu chiến cỡ lớn, bao gồm 4 tàu đổ bộ Type 071 và 2 tàu sân bay, nhưng khả năng cất hạ cánh thẳng đứng của họ vẫn còn hạn chế, bởi vì họ thiếu tàu sân bay trực thăng cỡ lớn nhất. Việc chế tạo tàu Type 075 sẽ giúp Hải quân Trung Quốc trở thành hải quân lớn thứ hai thế giới, sau Hải quân Mỹ”.
Từ ngày 21 - 27/3/2017, một chi đội tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc gồm hai tàu đổ bộ Type 071 (tàu Tỉnh Cương Sơn và tàu Côn Luân Sơn) chở theo vài máy bay trực thăng cùng nhiều tàu đệm khí mới do Trung Quốc tự chế tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo, đá ở Biển Đông. Ảnh: Sina
Phong Vân
Theo Viettimes.vn