Trung Quốc có thể đang nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm và bán ngầm mang theo hàng trăm tên lửa sát cánh cùng cụm tàu sân bay.
Vì sao Nga cấp tập phát triển tên lửa liên lục địa mới?
- Cập nhật : 04/06/2017
Năm 2018, Nga sẽ ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat mới, thay thế cho loại RS-20V Voyevoda đã hoạt động được 25 năm.
Tờ Russian Gazette dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu nói, nhà sản xuất Sarmat làm việc gần như 24 giờ tất cả các ngày trong tuần để chế tạo loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới này.
Điều này cho thấy, việc phát triển vũ khí ngăn chặn mới mang tầm quan trọng chiến lược đối với Nga.
Tên lửa Sarmat
Sarmat, bí danh là RS-28, là một tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng, với tổng trọng lượng 100 tấn và lượng chất nổ mang theo tới 10 tấn.
Tên lửa mới này sẽ được giao cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ sau 2020. Sarmat sẽ thay thế R-20V Voyevoda, tên mật là Satan - tên lửa chiến lược đáng sợ và nặng nhất thế giới. R-20V Voyevoda nặng 211 tấn và có thể mang theo lượng thuốc nổ 8,8 tấn.
"Tên lửa Sarmat mới nhẹ hơn loại tiền nhiệm song sẽ bay xa hơn", Viktor Litovkin, nhà phân tích quân sự của hãng tin Itar TASS cho hay. "Tên lửa Satan bay xa 11.000km trong khi Sarmat sẽ bay xa tới 17.000km".
Ông Litovkin cho biết thêm, Sarmat không chỉ có thể chở 10 mà ít nhất là 15 phương tiện tái nhập nhiều lần (MIRV).
Cựu trung tướng Viktor Yesin, cựu chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho hay, tên lửa Sarmat sẽ bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, lên tới mức Mach 5 hoặc 6 và có thể liên tục thay đổi độ cao khi bay để tránh bị hệ thống tên lửa phòng thủ đánh chặn.
"Không một hệ thống tên lửa phòng thủ đơn lẻ nào của đối phương, dù là hiện có hay sắp có, có thể đánh chặn Sarmat. Tên lửa này sẽ chấp mọi hệ thống hiện có hay sắp có", ông Yesin giải thích.
Các đơn vị thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược đóng ở ngoại ô Krasnoyarsk (cách thủ đô Moscow 4.150km về phía đông) và Orenburg (cách thủ đô Moscow 1.450km về phía đông) sẽ là những nơi đầu tiên ở nước Nga nhận tên lửa mới.
Ý nghĩa của việc chế tạo ICBM mới
Các nhà phân tích cho hay, Sarmat sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ tham chiến khi Hiệp ước START III hết hiệu lực vào năm 2021. Vào thời điểm đó, tên lửa Voyevoda cũng "chấm dứt đời quân ngũ".
"Song song với nó, Mỹ sẽ khởi động một chương trình hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của nước này - máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa, và tàu ngầm có thể mang vũ khí hạt nhân, vào năm 2020", ông Yesin nhấn mạnh.
"Washington sẽ dành hơn 1 nghìn tỷ USD cho kế hoạch này. Vì thế, tên lửa mới của Nga sẽ là vũ khí ngăn chặn trong hoàn cảnh giả sử hai nước đối đầu".
Tên lửa Sarmat đã được thử nghiệm vào năm 2016. Tên lửa này đã trải qua các cuộc phóng thử nghiệm. Theo đó, nó tương thích với các bệ phóng là hầm dưới mặt đất và phóng angorit.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp Nga hiện đã chuẩn bị sản xuất hàng loạt bộ phận của Sarmat. Điều này có nghĩa là các vụ phóng thử đầy đủ có thể diễn ra.
Hoài Linh
Theo Vietnamnet