Sau trận thắng lớn của ta ngày 31/5/1985 tại cao điểm A6B, tình hình mặt trận Thanh Thủy chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng có lợi cho ta.
Chiến tranh biên giới - một cách nhìn khác từ phía Trung Quốc
- Cập nhật : 28/07/2017
Đến nay, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận, công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy.…
Đã 38 năm kể từ khi Trung Quốc huy động một lực lượng lớn nhiều quân đoàn chủ lực với sự yểm trợ của xe tăng, trọng pháo ồ ạt mở cuộc tiến công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta ngày 17/2/1979. Luận điệu mà chính quyền Trung Quốc đưa ra khi đó là họ tiến hành cái gọi là “Đối Việt tự vệ phản kích chiến” (Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam) là để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”....Rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó; rằng cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra”….
Tuy nhiên, đến nay, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận, công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy.…
Mục đích chiến tranh nhằm “vây Ngụy cứu Triệu”?
Dưới đầu đề “Nhìn lại cuộc Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30/5/2013: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với bên ngoài kể từ năm 1949…
Ngay khi đó đã có rất nhiều người nghĩ khác (với chính quyền) về giá trị của cuộc chiến tranh ấy. Lúc đầu, khi người ta nhìn thấy trên màn hình tivi hàng ngũ trùng điệp những binh lính Trung Quốc tuổi 18-20 kéo ra tiền tuyến, không khỏi cảm thán. Ít lâu sau lại thấy cảnh hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, sự đau xót khó nói thành lời. Một bạn học của tôi nói: “Trung Quốc chết toàn những trang nam nhi đang tuổi thanh niên, còn phía Việt Nam toàn dân làm lính, cả trẻ già, gái trai. Sự đánh đổi thật không tương xứng”. Nhưng sự kinh dị còn ở phía sau: khi chiến tranh kết thúc chả ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi…
Tôi nghĩ, sở dĩ nó kết thúc mà khó mở miệng nói được là vì khó nói rõ ngọn ngành cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ, Khmer Đỏ là học trò của Đại cách mạng Văn hóa vô sản Trung Quốc, nhưng “Xanh hơn cả Xanh”, sự tàn bạo của họ đối với chính dân tộc mình đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử loài người. Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, sau được gọi là Khmer Đỏ. Họ chiếm PhNom Penh ngày 17/4/1975, dựng nên nhà nước “Campuchia Dân chủ”, người lãnh đạo là Pol Pot đã áp dụng một chính sách khủng bố, diệt chủng tàn bạo….
Theo tính toán bảo thủ nhất, có khoảng 1,2 đến 3 triệu người Campuchia (CPC) bị chết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, chiếm 1/4 dân số cả nước; trong đó có 215 ngàn người CPC gốc Hoa và gần như toàn bộ 20 ngàn người CPC gốc Việt. Tháng 5/1978, nội bộ Khmer Đỏ xảy ra phản loạn, những người nổi dậy do sư đoàn trưởng, Bí thư tỉnh ủy Heng Somrin cầm đầu - nay là Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch Quốc hội CPC - đã chạy sang Việt Nam thành lập Mặt trận Dân tộc đoàn kết cứu nước CPC. Ngày 25/12/1978, dưới sự dẫn dắt của Heng Somrin, 100 ngàn quân tình nguyện Việt Nam đã phát động tiến công CPC. Một trong những lý do để Việt Nam tiến công khi đó là để cứu kiều dân nước họ. Nhân dân CPC khi đó không những không chống trả mà còn dẫn đường cho quân đội Việt Nam. Như vậy là, chỉ mất có 2 tuần, vào ngày 7/1/1979, quân đội Việt Nam đã chiếm PhNom Penh, lật đổ ách thống trị tàn bạo Khmer Đỏ; điều đó cho thấy rõ ràng chế độ Khmer Đỏ không được lòng nhân dân nước họ.
Hơn một tháng sau, Trung Quốc phát động “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cái cớ xuất quân của Trung Quốc khi đó không phải là đi CPC để cứu viện chế độ Khmer Đỏ đã tàn sát và bức hại mấy chục vạn đồng bào người Hoa, mà là lấy cớ “Quân đội Việt Nam khiêu khích biên giới Trung Quốc và xâm lược CPC’. Dĩ nhiên, người Trung Quốc, trong đó có cả tôi (tác giả) khi đó đều không biết rốt cục Khmer Đỏ đã làm những gì. Báo thù cho Khmer Đỏ thì mọi người Trung Quốc khi đó không rõ sự thật đều chấp nhận, vì Khmer Đỏ là người anh em và chiến hữu của Trung Quốc kia mà!
Nhưng điều khiến người Trung Quốc không hiểu được là thái độ đối xử của người CPC đối với quân đội Việt Nam. Ngày 7/1/2009, hơn 40 ngàn người CPC tụ họp ở Sân vận động Olimpic quốc gia nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thoát khỏi chế độ thống trị Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen và nhiều nhà lãnh đạo, các đảng viên cũng tham dự. Chủ tịch Quốc hội Chea Seam phát biểu: “Ngày kỷ niệm này đánh dấu sự kết thúc trang đen tối nhất trong lịch sử CPC”. Ông Chea Seam đặc biệt cám ơn nước láng giềng Việt Nam đã cứu vớt CPC, đánh giá cao sự hy sinh của quân đội Việt Nam để tiêu diệt chế độ tàn bạo Khmer Đỏ, kịp thời ngăn chặn cuộc diệt chủng lớn hơn. Thì ra hiệu quả khách quan của cuộc “xâm lược CPC” của quân đội Việt Nam lại là như thế.
Những lời cảm tạ Việt Nam của ông Chea Seam đã nói lên một cách đầy đủ tính chất của cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, khiến chúng ta nghi ngờ về tính chính nghĩa của nó. Trung Quốc hiện đang ra sức lẩn tránh và không đề cập đến cuộc chiến tranh đó. Nhưng đối với lịch sử, chúng ta cần phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật.
Ngày 25/1/2006, báo “Tin tức tham khảo” đã cho đăng trên trang 3 bài “Trình tự xét xử Khmer Đỏ sắp được khởi động”, viết: căn cứ hiệp nghị ký giữa Liên Hợp quốc và chính phủ CPC, “cuối cùng đã có hy vọng áp dụng biện pháp tư pháp nhất định đối với những kẻ đã gây nên cái chết cho mấy triệu người CPC trong thời gian từ 1975 đến 1979”. Những kẻ lãnh đạo Khmer Đỏ bị đưa ra xét xử sẽ phải đối mặt với những cáo buộc về tội ác chiến tranh, diệt chủng và chống nhân loại để an ủi mấy triệu người CPC vô tội, trong đó có mấy chục vạn Hoa kiều đã bị chúng tàn sát, bức hại đến chết.
Một người bạn từng tham gia cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” đã tranh luận với tôi (tác giả Thường Thanh), phê phán tôi đừng nên vô lễ với “những anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc”. Anh ta nói “những chiến sĩ từ mặt trận của cuộc chiến tranh này trở về đều là những anh hùng”, tôi không có ý kiến gì, nhưng cần hiểu như thế nào về tính chất cuộc chiến tranh này? Cuộc chiến tranh khiến người Mỹ mất mặt nhất là Chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1970. Năm 2004, khi G.Bush con và John Kerry tranh cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ J.Kerry đã nói: “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhưng chúng ta không thể nói những binh sĩ tham gia cuộc chiến ấy không có cống hiến cho quốc gia”. Đó là một lời an ủi, có lẽ cũng thích hợp với những tướng sĩ Trung Quốc đã tham gia “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” chăng?.
Lý do “chi viện nhân dân Campuchia” cũng bị chính các học giả Trung Quốc phản bác. Tạp chí “Văn sử tham khảo” của Trung Quốc số ra ngày 21/10/2011 đăng bài “Khmer Đỏ tắm máu Campuchia: hơn triệu người bị chết bất bình thường” trong đó viết rõ: “Khi đó lãnh tụ Khmer Đỏ Pol Pot sau khi thành lập chính quyền Campuchia Dân chủ, tự xưng tin sung Tư tưởng Mao Trạch Đông, bắt đầu thực thi chính sách thanh lọc và giết hại. Trong thời gian nắm quyền, Khmer Đỏ đã định từng bước cải tạo Campuchia thành xã hội không có giai cấp, đuổi tất cả cư dân thành thị về vùng nông thôn, thực hiện nền thống trị khủng bố và cuộc đại thanh lọc toàn quốc, giết hại hai triệu dân thường. Hành động đó của Khmer Đỏ bị các nước trên thế giới lên án; Việt Nam thì chỉ trích chính quyền Khner Đỏ tàn sát người Việt Nam sống ở Campuchia nên mới đưa quân vào…”.
Mục đích ban đầu đặt ra cho cuộc chiến không đạt được. “Tiểu đệ” của Trung Quốc – chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ Pol Pot – Ieng Sari vẫn bị quân đội Việt Nam đánh bại. Vấn đề ở đây là, những người lính của Trung Quốc có đáng phải đổ máu vì một chính quyền như thế hay không?
“Một cuộc chiến thảm bại”
Để tiến hành cuộc chiến tranh 17/2/1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng không lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo tiết lộ chính thức trên báo chí gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7/12/1978 và “Mệnh lệnh triển khai chiến lược” được ban hành vào ngày 8/12 nêu mục đích tiến hành chiến tranh là “để chi viện cuộc đấu tranh chính nghĩa chống Việt Nam xâm lược của nhân dân Campuchia, trừng trị khí thế phản động, kiềm chế hành động xâm lược của Việt Nam, giành hòa bình ổn định ở biên giới nước ta”. Lúc đầu chỉ định sử dụng 6 quân đoàn chủ lực đánh sang một số huyện lỵ biên giới Việt Nam; mục đích ban đầu được đặt ra “dùng 3-5 ngày tiêu diệt 1-2 sư đoàn Việt Nam, đánh nhanh giải quyết nhanh, dập tắt sự hung hăng của Việt Nam”.
Đến ngày 31/12/1978, Quân ủy Trung Quốc lại họp hội nghị tác chiến, quyết định “mở rộng quy mô tác chiến, tăng thêm 3 quân đoàn, mục tiêu tấn công cũng đổi từ huyện lỵ thành các tỉnh lỵ biên giới Việt Nam, thời gian tiến hành từ 15-20 ngày, tiêu diệt 3 đến 5 sư đoàn Việt Nam, tăng thêm mức độ trừng phạt”.
Theo Nhân dân Nhật báo, thực tế Trung Quốc đã huy động 29 sư đoàn bộ binh thuộc 9 quân đoàn chủ lực: cánh quân phía Quảng Tây do Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí Tư lệnh Quân khu Côn Minh chỉ huy (từ 26/2 thay bằng Phó Tư lệnh Trương Chất Tú), gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50; cộng thêm 2 sư đoàn độc lập của 2 quân khu, 2 sư đoàn pháo mặt đất, 3 sư đoàn pháo cao xạ, 2 sư đoàn bộ đội đường sắt, 2 trung đoàn thông tin, 2 trung đoàn hóa học; 13 sư đoàn cùng 3 trung đoàn độc lập không quân…sẵn sàng đợi lệnh; chưa kể lực lượng biên phòng, dân binh; tổng số quân tham chiến hơn 500 ngàn, số tràn qua biên giới là 202 ngàn. Ngày 12/2/1979, Quân ủy Trung Quốc ra “Mệnh lệnh tác chiến phản kích tự vệ biên giới Trung-Việt, quyết định tấn công vào sáng 17/2. Sáng 17/2, Nhân dân Nhật báo đăng bài “Không thể nhẫn chịu, thật không thể nhẫn chịu – báo cáo từ biên giới Trung-Việt” công bố trước thế giới Trung Quốc đã tấn công Việt Nam.
Đài phát thanh Trung Quốc phát bài với luận điệu lừa bịp về mục đích cuộc chiến tranh: “Chính quyền Việt Nam nhiều lần gây sự ở biên giới, quấy nhiễu nghiêm trọng cuộc sống bình thường và hoạt động sản xuất của dân biên Trung Quốc; Trung Quốc nhiều lần cảnh cáo, nhưng Việt Nam vẫn bỏ ngoài tai, cứ làm theo ý mình. Trong tình thế không thể nhẫn chịu, Trung Quốc buộc phải phát động cuộc chiến tranh phản kích tự vệ để trừng phạt Việt Nam” (!).
Theo một tư liệu được đăng tải trên mạng xã hội Weibo: cuộc chiến tranh này chỉ kéo dài 1 tháng (Trung Quốc tính từ 17/2 đến 16/3/1979), nhưng tổng cộng đã tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự (48 xe tăng) bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 238, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến. (Sách “Tổng kết công tác tác chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” do Cục Hậu cần Quân khu Côn Minh biên soạn, dù đã cố giảm thiểu thất bại cũng phải thừa nhận: từ 17/2 đến 16/3/1979, phía Trung Quốc chết 6.954 người, bị thương hơn 14.800).
Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương chết cho mất máu vì không được cấp cứu. Theo tài liệu nội bộ của Trung Quốc mới được công bố: bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người.
“Trận chiến nhục nhã nhất” – là nhan đề bài báo đăng trên mạng “Chiến lược” Trung Quốc (Chinaiiss.com) ngày 12/11/2013. Bài báo kể lại sự kiện toàn bộ đại đội 8, trung đoàn 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50 đầu hàng tập thể khi bị quân đội Việt Nam (thực ra là Tiểu đoàn tự vệ Khu Gang thép Thái Nguyên) bao vây, cô lập. Bài báo cho rằng đây là vết nhơ, sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Sau khi được Việt Nam trao trả, những cán bộ, binh sĩ này đã bị trừng phạt nghiêm khắc: tất cả đều bị kỷ luật, riêng đại đội trưởng Lý Hòa Bình và chính trị viên Phùng Tăng Mẫn bị phạt tù “mức 10 năm trở lên”. Quân đoàn 50 cũng bị thẳng tay trừng trị: 1 phó tư lệnh bị cách chức, 1 phó tư lệnh khác bị giáng chức, 1 phó chính ủy bị cảnh cáo. Sau đó, vào năm 1985, quân đoàn 50 và sư đoàn 150 bị xóa phiên hiệu khỏi biên chế quân đội Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cũng vạch trần những thủ đoạn tuyên truyền dối trá của chỉ huy quân đội trong thời kỳ chiến tranh. Ví dụ quân đoàn 42 đề nghị Quân ủy phong danh hiệu “Xe tăng anh hùng” cho chiếc tăng cùng 4 lính của trung đoàn xe tăng được cho là “chiến đấu ngoan cường, anh dũng hi sinh” khi đánh vào thị xã Cao Bằng, thậm chí Xưởng phim Bát Nhất cũng vội làm một bộ phim thời sự tài liệu ca ngợi họ. Nào ngờ, ít ngày sau thì một lính của chiếc tăng này bị bắt đã lên đài Việt Nam phát tiếng Trung Quốc nhắn tin báo vẫn bình an. Vụ này khiến Tổng bộ Chính trị cảm thấy mất mặt, phải ra công văn nghiêm khắc phê phán quân đoàn 42 và nhắc nhở các đơn vị “phải chú ý cẩn trọng trong tuyên truyền sự tích anh hùng” (!).
“Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc” - là tiêu đề bài báo của một cựu binh đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18/7/2013. Tác giả viết: “Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kìm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38; Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc Đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cục Trung Quốc đạt được cái gì? Chả được gì cả!”.
“Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”
Dưới tiêu đề “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam – một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”, mạng “Tianya.cn” ngày 6/4/2012 đã cho đăng bài của tác giả “Tây Hồ kiếm khách”. Tác giả tự xưng là một cựu binh đã tham gia cuộc chiến tranh 17/2/1979 này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại…Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều.
Quân đội ta (tức Trung Quốc) không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh – xe tăng và mặt đất - trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến; vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn; chiến tranh không đạt được mục đích “trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và chiến lược quân sự”, cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị “làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền”.
Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi”. Sau trận chiến, Đặng Tiểu Bình đã thành công trong việc giành lại quyền hành từ hệ thống đảng – chính – quân, Hoa Quốc Phong bị ép phải xuống đài. Nhưng từ đây, cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm lại sẽ mở màn, biên giới Việt– Trung lại trở thành thao trường luyện binh, các quân đoàn chủ lực lần lượt ra luân chiến. Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia lại sử dụng chiến tranh làm thao trường? Đó không phải là một trò đùa hay sao?
Tác giả nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”. Trong đó có một số vấn đề qua trọng sau:
“1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí Trương Thắng, Cục trưởng Cục Tác chiến (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao ta phải tiến hành”.
2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta (Trung Quốc) chiếm ưu thế về cả binh lực lẫn hỏa lực, nhưng chúng ta không đạt được mục đích chiến lược là tiêu diệt 2 sư đoàn chủ lực 316A và 316B của Việt Nam.
3. Trang bị tiên tiến xếp xó. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó thành đồ bỏ. Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả binh đoàn, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
4. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo vào. Khi tôi (tác giả Thường Thanh) ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta. Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: “Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế”. Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta. Ở mặt trận Cao Bằng, lính bộ binh khi ngồi trên xe tăng để khỏi ngã đã dùng dây buộc mình vào tháp pháo và xe; kết quả khi xe bị bắn cháy, những lính này đều bị chết thiêu vì không thoát kịp. Có chiếc xe tăng bị phá hủy bên trên còn buộc chặt 4-5 người lính bộ binh.
5. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để lẩn tránh chiến tranh, một số binh lính sau khi vượt biên sang nước khác đã tự bắn vào chân mình. Có một đại đội vừa đụng phải khoảng chừng hơn 20 bộ đội Việt Nam thì viên chỉ huy đã lập tức rời bỏ hàng ngũ chạy trốn về, đã vậy lại còn tự khiến mình bị thương để được đưa vào bệnh viên, binh lính dưới quyền anh ta thì bị diệt sạch.
6. Trận chiến này của không hề gây dựng được một chút “uy danh” nào, ngược lại còn bộc lộ ra rất nhiều vấn đề. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã từng nói: “Nhìn vào biểu hiện của quân đội Trung Cộng tại chiến trường Việt Nam, việc bảo vệ Đài Loan của chúng ta là không thành vấn đề!”.
6. Tiêu chuẩn chế độ cho lính bị thương quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi được cấp 15 tệ, tương đương với thời kháng Nhật. Năm 2010, sau 31 năm, tôi nhận được 300 tệ tiền trợ cấp thương tật, bình quân 30 tệ/năm. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn:
300 tệ….”.
Tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa nên bị xã hội lãng quên chính là nguyên nhân khiến mấy năm gần đây, cứ vào dịp 17/2 là hàng chuc ngàn cựu binh từng tham gia cuộc chiến tranh năm xưa lại kéo về Bắc Kinh,
đến trụ sở Quân ủy biểu tình đòi quyền lợi, đòi được đảm bảo mức sống
tối thiểu…
Thu Thủy(Tổng hợp)
Theo Vietnamnet