Trong cuộc chiến Vị Xuyên, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Những tấm gương đó đã khích lệ tinh thần lớp lớp chiến sĩ quyết giữ chốt, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công kinh hoàng của địch.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Trung Quốc không thể che giấu sự phi nghĩa...
- Cập nhật : 03/03/2017
Trung Quốc đã cố sức xuyên tạc nhưng sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược 2/1979 được chính người Trung Quốc dần dần bóc mẽ...
Trung Quốc: Ngoài mặt hô chiến thắng, trong nội bộ thất vọng
Gần 40 năm qua, mỗi năm Trung Quốc đều có từ 600-800 bài báo viết về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Mặc dù đông đảo các chính khách và học giả các nước đều nhận định, cuộc chiến năm 1979 là “Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam” và “Trung Quốc đã thất bại thảm hại”, nhưng từ lịch sử cho đến văn học Trung Quốc đều viết theo một nội dung được định hướng sẵn là “Trung Quốc chỉ tự vệ trước Việt Nam và Trung Quốc là người chiến thắng”, khiến một bộ phận lớp trẻ Trung Quốc nhiểu sai lệch về bản chất của cuộc chiến.
Tuy nhiên, theo thời gian, sự thật đã được làm sáng tỏ. Lịch sử là một dòng chảy khách quan, không thể dễ dàng như xé bỏ một trang này hay viết lại một trang kia.
Những tài liệu nội bộ của Trung Quốc được giới học giả và chính các cựu quan chức Trung Quốc công bố trong thời gian gần đây đã phơi bày sự thật về cái gọi là “sự chính nghĩa” và “chiến thắng vẻ vang của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Theo bản dịch bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị quân chính nội bộ ngày 16-3-1979 (sau khi rút quân về nước 1 tháng), do ông Dương Danh Dy (nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ 1993 đến 1996) dịch vào năm 2011, khi đó, Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ thái độ rất không hài lòng về kết quả yếu kém của cuộc chiến tranh xâm lược.
Đặng Tiểu Bình chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…" nhưng "…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt” (ý nói về uy thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).
Giáo sư Đại học Harvard Ezra Feivel Vogel viết trong cuốn “Thời đại Đặng Tiểu Bình” do Nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông rằng, Đặng bị nhiều Ủy viên quân ủy trung ương phản đối, bao gồm cả nhà lãnh đạo Hoa Quốc Phong, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đại tướng Túc Dụ, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Nội bộ Trung Quốc thừa nhận thất bại thảm hại năm 1979
Trong bài “Có phải hành động ‘trừng phạt’ của Trung Quốc thất bại hay không?”, được xuất bản tháng 4/2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng xác nhận thái độ bất đồng của Hoa Quốc Phong, lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, với mưu đồ của Đặng Tiểu Bình.
Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (lúc đó là Chủ tịch nước-Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức nhân vật số 2 của Trung Quốc) vốn đã bất bình nói rằng: “Diễu võ dương oai đánh Việt Nam thì được gì? Không khác gì Gia Cát Lượng Bắc phạt Tư Mã Ý, đánh vào nơi nào và làm sao đánh thắng được?”.
Ông Diệp còn cho rằng, Trung Quốc không thể đánh thắng một đội quân cơ động ngay trong nhà của họ và chỉ trích “Mỹ muốn báo thù Việt Nam bằng máu Trung Quốc. Không được dùng máu của người Trung Quốc để phục hận cho người Mỹ…”
Ông Trương Thắng, Cục trưởng Cục Tác chiến (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) đã thừa nhận trong hai cuốn sách “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục” rằng, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao Trung Quốc phải tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Còn Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã chỉ trích kịch liệt cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979.
Viên tướng là một trong số lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc cũng phải thừa nhận chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 đã thất bại thảm hại, khi viết cuốn sách “Trong nội bộ Đảng cần để mọi người phát biểu, nói lên sự thực” xuất bản tháng 1/1988.
Ông này tuyên bố, nên tránh thái quá, thực sự trung thực trong tuyên truyền, phải thực sự cầu thị khi tổng kết các chiến lệ trong chiến tranh, tránh tâng bốc, không được sợ lãnh đạo mà không dám nói và cũng không nên nể người đã mất (Hứa Thế Hữu chết năm 1985) mà bỏ qua không nói.
“Nếu nói tuyến phía Đông trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, thì Hứa Thế Hữu là tên điên, là kẻ làm càn, mê muội, nói vậy có đồng chí nào phản đối không? Ba quân đoàn, mười mấy sư đoàn, 60% là bộ binh cơ giới, khi đột phá trung tâm thì một tuyến phòng ngự cũng không có, để cuối cùng bị phản kích đánh cho thảm hại”.
Vị thượng tướng này bức xúc nói: “Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan”. Đó mới chính là sự thật về “thắng lợi” mà nội bộ Trung Quốc đã từng nói đến.
Một số học giả đã đúc kết rằng, qua việc tuyên truyền rùm beng về “cuộc chiến phản kích tự vệ” và “chiến thắng vĩ đại” của quân đội nước này, Trung Quốc đã tự mình vạch ra 3 cái sự “hèn”.
Thứ nhất là “hèn hạ”. Để che mắt thiên hạ, Trung Quốc đã chủ động rêu rao về cái gọi là “Tiểu bá Việt Nam”, để che dấu mục đích ép buộc Việt Nam phải bỏ Liên Xô để đi theo mình, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong khối Xã hội Chủ nghĩa; đồng thời giải vây cho bè lũ Khmer đỏ ở Campuchia.
Để “hợp pháp hóa” hành động xâm lược bá quyền nước lớn của mình, Trung Quốc đã dựng lên cái gọi là “Việt Nam xâm lược Campuchia và Trung Quốc, gây nguy hại cho hòa bình và an ninh trong khu vực”. Hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” có đáng để gọi là “hèn hạ”?
Thứ 2 là hèn mạt. Đây là một tính từ được người Việt Nam dùng để chỉ sự thấp kém về nhân cách đến mức đáng khinh bỉ, dùng mọi thủ đoạn dù là bỉ ổi nhất để đạt được mục đích của mình.
Trung Quốc vạch kế hoạch đem quân đi xâm lược, âm thầm chuẩn bị, chủ trương tàn sát, phá hủy nước khác mà không dám thừa nhận; đem số quân đông gấp 10 chủ động đánh lén mà lại rêu rao là một cuộc chiến tranh “phản kích tự vệ”. Việc dám làm mà không dám nhận thì nên được gọi là gì?
Thứ ba là hèn kém. Một đội quân khổng lồ với vô vàn vũ khí, trang bị hiện đại được Liên Xô viện trợ hoặc giúp đỡ chế tạo lại cảm thấy ấm ức, ghen tị với những chiến công lẫy lừng của quân đội nhỏ bé của nước láng giềng, để đến nỗi phải giương vây đe dọa là “dạy cho Việt Nam một bài học”, cuối cùng lại phải nhận kết cục thảm bại.Điều này có xứng với từ “hèn kém”?
Trung Quốc không che giấu được sự phi nghĩa
Dư luận Trung Quốc mặc dù bị “nhồi sọ” bằng 600-800 bài viết mỗi năm về cái gọi là “cuộc chiến phản kích tự vệ”, với nội dung na ná giống nhau về cuộc chiến tranh chống tiểu bá Việt Nam, vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về mục đích thật sự của cuộc chiến, về những thất bại kinh hoàng mà họ phải gánh chịu mà không biết nguyên nhân.
Tuy nhiên, những cựu binh Trung Quốc và đông đảo nhân dân Trung Quốc sống trong thời kỳ đó thì không dễ lừa như thế. Đã có rất nhiều những ý kiến trình bày trung thực về bản chất của cuộc chiến, thậm chí là nói công khai những suy nghĩ rất đau đớn của họ về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà giới lãnh đạo nước mình đã tiến hành với Việt Nam.
Ví dụ như dưới tiêu đề “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam - một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”, trang mạng “Tianya.cn” của Trung Quốc ngày 6/4/2012 đã đăng bài viết của “Tây Hồ kiếm khách” - một tác giả tự xưng là một cựu binh đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979.
Tác giả này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại… Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều”. Đồng thời, “Tây Hồ kiếm khách” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”.
Vấn đề đầu tiên mà tác giả nói đến chính là yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất trong mỗi cuộc chiến tranh, đó là “Vì sao phải tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam?”. Tác giả cho rằng, về nguyên nhân gây chiến, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, rõ ràng, khiến người ta tin phục.
Mặc dù đã được đả thông tư tưởng bằng những cuộc diễn thuyết về Việt Nam đàn áp người Hoa, xâm lược Campuchia, xâm lấn biên giới Trung Quốc... nhưng phần lớn binh lính và sĩ quan cấp thấp đều không hiểu rõ mục đích của cuộc chiến tranh (nhưng thời đó họ không dám nói). Từ đó, nảy sinh tình trạng sợ chết, dễ bỏ chạy, xin ở lại tuyến sau…
“Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để lẩn tránh chiến tranh, một số binh lính sau khi vượt biên đi xâm lược nước người khác (chỉ hành động sang xâm lược Việt Nam) đã tự bắn vào chân mình” để được về hậu phương - tác giả kể lại.
Sự hoài nghi về mục đích của cuộc chiến không chỉ tồn tại ở thời điểm đó mà nó đã đeo đẳng các cựu binh Trung Quốc gần một phần tư thế kỷ sau, về “Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc” - tiêu đề bài viết của một cựu binh Trung Quốc khác đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18/7/2013.
Tác giả viết: “Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kìm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38; Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cục Trung Quốc đạt được cái gì? Chả được gì cả!”.
Còn tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30/5/2013 rằng, chiến tranh Việt-Trung năm 1979 có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với nước ngoài kể từ năm 1949…
Trong bài có tiêu đề “Nhìn lại Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả viết rằng, ngay khi thấy hàng ngũ trùng điệp những chàng trai Trung Quốc tuổi 18-20 kéo ra tiền tuyến, đã có rất nhiều người nghĩ khác với chính quyền về giá trị của cuộc chiến tranh này.
Hơn nữa, một điều bất thường là khi chiến tranh kết thúc chả ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi… và sau đó là hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ được xây dựng san sát trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam. Đa phần những người ngã xuống đã không biết mình đổ máu vì cái gì.Theo tác giả, sở dĩ chiến tranh kết thúc mà không ai ăn mừng bởi chính quyền không thể nói rõ ràng cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ đang bị Việt Nam đánh…
Những lời cảm tạ của người Campuchia về việc Việt Nam đã giúp họ “chấm dứt chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước” đã nói lên một cách đầy đủ tính chất của cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, khiến chúng ta nghi ngờ về tính chính nghĩa của nó - tác giả viết.
Ngoài ra, trong dân chúng Trung Quốc khi đó nhiều người cũng hoài nghi về cuộc chiến tranh này. Nhiều khẩu hiệu chữ lớn viết trên tường ở Bắc Kinh, ví dụ như trên tường ở khu Tây Đơn (trung tâm thủ đô Bắc Kinh) đã thẳng thắn phê phán Đặng Tiểu Bình và cho rằng Quân đội Trung Quốc đã thất bại thảm hại.
Như vậy, làm sao giới lãnh đạo đất nước dám công bố nguyên nhân chính mà họ đánh Việt Nam là để cứu chế độ diệt chúng Polpot bị cả nhân loại lên án là những kẻ đã gây ra tội ác chiến tranh lớn nhất thế giới, diệt chủng hàng triệu nhân dân Campuchia?
Như vậy, làm sao giới lãnh đạo Trung Quốc dám tuyên bố về những kế hoạch chủ động xâm lược Việt Nam, nhằm ép Việt Nam phải chống lại Liên Xô và đi theo định hướng của họ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Khối Xã hội chủ nghĩa khi đó?
Những sự thật không thể công khai này đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh buộc phải một mực tuyên truyền rùm beng về cái gọi là “cuộc chiến tranh phản kích tự vệ” và chiến thắng lẫy lừng của Quân đội Trung Quốc, mà không hề biết rằng, họ càng làm vậy, càng khiến những người có lương tri thêm cảnh giác.
Ngược lại, Việt Nam không im lặng mà chỉ nói vừa và đủ trước trước những luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc, để sự thật đập tan những luận điệu lừa bịp, để sự giả dối tự nó nói lên bản chất tráo trở của giới lãnh đạo Trung Quốc, chứ không “vơ đũa cả nắm”, đánh đồng giới lãnh đạo với nhân dân nước này.
Về vấn đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ càng trong kỳ sau.
Thiên Nam
Theo Báo Đất Việt