Nhiều người đã chiến đấu những năm tháng ác liệt trên tuyến lửa Vị Xuyên (Hà Giang) năm 1984 đều có chung một suy nghĩ: Họ sống tới ngày hôm nay là đang sống một phần cho những người đã ngã xuống mà ít được biết tới.
Vị Xuyên những ngày lửa rát: Ngày giỗ trận
- Cập nhật : 26/07/2017
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1984-1989) có thể còn nhiều người chưa biết tới, nhưng với người lính Vị Xuyên, những vết thương đã theo họ suốt cuộc đời. Chiến tranh đã đi qua gần 30 năm, những người lính Vị Xuyên vẫn lặng lẽ tưởng nhớ nhau. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2017), Dân Việt trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi loạt bài "Vị Xuyên những ngày rát lửa".
Ngày 12.7.1984, sau một trận đánh mà có tới 593 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 hy sinh, bị thương hơn 800 người. Ngày đó được coi là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Ngày đó hàng năm, những người lính Sư 356 cùng tụ về Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đồng đội đã mất.
Bám trụ từ vách đá, gốc cây
Chúng tôi đã tìm tới mảnh đất Hà Giang để gặp những chứng nhân đã từng chiến đấu và đổ máu để bảo vệ Tổ quốc. Người đầu tiên chúng tôi gặp là cựu chiến binh Lê Tú Liêu - sĩ quan thông tin của Sư đoàn 356, người trực tiếp tham gia trận chiến ngày 12.7. Năm nay ông Liêu 59 tuổi, đang phải điều trị bệnh phổi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên. Khi nhắc đến Sư đoàn 356 và trận đánh ngày 12.7, ông lặng người đi, tất cả kỷ niệm xưa ùa về trong ký ức của người lính già.
Ông Liêu kể, vì là lính thông tin nên bao giờ ông cũng phải đi trước, về sau trong mỗi trận đánh. Sư đoàn khi ấy được lệnh ém quân ở những điểm cao đợi giờ nổ súng. Vì vậy, các mũi tiến công đều được lệnh hành quân đêm. "Đó là một đêm trời mưa tầm tã. Lính chúng tôi khi đó đa phần đều trẻ, chưa có kinh nghiệm nên nhiều người chọn đường dễ để đi. Đến sáng ra những đường mòn bị lộ vì cây cỏ đã bị dẫm nát. Trên đài quan sát tại điểm cao 1509, quân Trung Quốc phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường trên đường mòn đã lệnh cho pháo bắn dữ dội vào đội hình của ta. Do địa hình núi đá dốc, chỗ trú quân hẹp nên phần lớn các cánh quân của chúng ta bị trùm gọn trong tọa độ pháo kích của kẻ địch" - ông Liêu đau xót nhớ lại.
Trầm ngâm một lúc, ông Liêu kể tiếp: Khoảng 8 giờ sáng, trước lệnh nổ súng 2 tiếng, chúng tôi bị pháo kích trùm kín nên một số đơn vị bị mất liên lạc hữu tuyến với Sở chỉ huy sư đoàn. Pháo binh của ta cũng đã nhanh chóng phản kích, áp chế hỏa lực địch để bộ binh cảm tử xông lên đánh chiếm các điểm cao. Những cuộc đọ súng giữa quân ta và quân Trung Quốc vô cùng khốc liệt. Ở nhiều nơi hai bên chỉ cách nhau từ 6 đến 8m, nghe rõ cả tiếng gọi nhau và cả những tiếng kêu cứu, rên la của người bị thương.
"Tuy bị thương vong và tổn thất vô cùng lớn, nhưng chúng ta vẫn cương quyết bám trụ từng vách đá, từng gốc cây. Để đối chọi với quân Trung Quốc trú trong hầm có công sự bao bọc, những mũi xung phong cảm tử của quân ta phải liên tục thọc sâu và dùng hỏa lực bộ binh loại mạnh như B40, B41 để tấn công áp chế địch một cách dữ dội. Lính Trung Quốc lúc đó thấy quân ta tinh thần quyết tử như vậy đã tỏ ra hết sức hoảng loạn, nhiều tên đã tháo chạy khỏi công sự" - người cựu binh già kể.
Sau 4 giờ giao tranh, cả 2 bên đều bị tổn thất nặng nề. Chỉ huy mặt trận 2 bên đã phải ra lệnh tạm ngừng bắn để thu dọn chiến trường. Ông Liêu nhớ, bộ phận chính sách của Sư đoàn 356 vừa làm việc vừa đầm đìa nước mắt khi thống kê có tất thảy 593 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trong số đó, nhiều người không thể đưa được thi thể về. Hơn 800 người khác bị thương. Sau trận đánh ngày 12.7, Sư đoàn 356 đã phải rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến mới.
Tâm nguyện những người đang sống
Mảnh đất này đã đón nhận và che chở em tôi bao lâu nay, chính vì vậy, năm nào gia đình chúng tôi cũng lên Hà Giang ít nhất là 2 lần, coi như là một chuyến hành hương lên thăm em mình và đồng đội của chú ấy. Đây cũng là cách để các chiến sĩ đang nằm dưới đất thấy ấm áp hơn".
Bà Đinh Thị Linh (ở Phú Diễn, Hà Nội, chị gái của liệt sĩ Đinh Văn Trung)
Chiến tranh biên giới kết thúc, Sư đoàn 356 giải thể vào ngày 31.12.1989. Tuy nhiên, cứ đến ngày 12.7, những người lính và thân nhân liệt sĩ của sư đoàn vẫn liên lạc với nhau, tụ họp về nghĩa trang Vị Xuyên để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.
Có mặt trong đoàn thân nhân lên Hà Giang mùa mưa lũ năm nay, bà Đinh Thị Linh (60 tuổi, ở số 2 đường Phú Diễn, Hà Nội, chị gái của liệt sĩ Đinh Văn Trung) mang tâm trạng bồn chồn khi nhìn cơn mưa đang trút xuống điểm cao 900. Bà Linh cho biết, gia đình bà có 3 chị em, 2 người em trai đều tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
"Trung là em út trong gia đình. Chú ấy hy sinh khi mới 23 tuổi, chưa kịp lập gia đình. Từ ngày em tôi hy sinh, năm nào gia đình tôi cũng lên Hà Giang vào dịp 12.7, bỏ công đi tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy được phần mộ của chú ấy. Năm nay, gia đình tôi được đồng đội của chú ấy cho biết, chú đang nằm lại ở điểm cao 900. Cả gia đình mừng không để đâu cho hết khi biết được tin" - bà Linh không giấu được xúc động. Gia đình bà Linh lên đây tất cả có 13 người, chỉ đợi trời tạnh mưa là lên chỗ liệt sĩ Trung đang nằm. Bà Linh gạt nước mắt, tâm sự: Cả gia đình tuy ở Hà Nội nhưng đều coi mảnh đất Hà Giang - nơi liệt sĩ Trung ngã xuống - là quê hương thứ 2 của mình.
"Mảnh đất này đã đón nhận và che chở em tôi bao lâu nay, chính vì vậy, năm nào gia đình chúng tôi cũng lên Hà Giang ít nhất là 2 lần, coi như là một chuyến hành hương lên thăm em mình và đồng đội của chú ấy. Đây cũng là cách để các chiến sĩ đang nằm dưới đất thấy ấm áp hơn" - bà Linh nghèn nghẹn nói.
Những ngày tháng 7 đối với ông Hoàng Thế Cương (60 tuổi, ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356 Hà Giang) luôn bận rộn. Ông Cương chia sẻ: "Tôi vui vì được đón những đồng đội cũ, có người hơn 30 năm rồi mới gặp lại. Nhưng lại buồn và thương tiếc những người đã ngã xuống. Lúc đó có người còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi, chỉ lần đầu vào trận đã hy sinh, thậm chí tới giờ còn không tìm thấy xác".
Ông Cương cho biết: Chúng tôi cũng đã bắt đầu đến tuổi xế bóng rồi, anh em bảo nhau lập ban liên lạc để giữ mãi ngọn lửa bất khuất của người lính 356 anh hùng năm nào.
"Ngày giỗ trận hôm nay, chúng tôi tổ chức làm lễ cầu siêu cho các vong hồn liệt sĩ tại cao điểm 468 (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nơi đây là vị trí trung tâm để tới những điểm cao ác liệt. Sau đó mọi người sẽ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên thắp nến tri ân 1.700 liệt sĩ đang an nghỉ" - ông Cương khẳng định.
Mặc dù công việc làm ăn rất bận rộn, nhưng ông Minh (57 tuổi, nhà ở Phú Diễn, Hà Nội, một cựu binh trong đội cảm tử của Sư đoàn 356) cho biết, năm nào ông và các đồng đội cũng lên Hà Giang, ngoài thắp hương cho các đồng đội, anh em vẫn bảo nhau góp tiền lại để làm công tác từ thiện giúp đỡ bà con bản làng đã che chở cho sư đoàn những năm chiến đấu.
"Năm nay chúng tôi quyên góp được hơn 20 triệu đồng để tặng đồng bào Hà Giang mua dê giống. Đối với người lính chúng tôi, tuy chưa làm được những điều to tát nhưng chúng tôi sẽ làm bằng tất cả tấm lòng mình. Kể cả trong cuộc sống và trong chiến đấu, nếu cần, chúng tôi sẽ sẵn sàng hy sinh đến hơi thở cuối cùng" - vị cựu binh khẳng định.
Sáng 12.7, trời Vị Xuyên mùa này vẫn còn những cơn mưa rừng, gió núi ào ạt, nhưng tất cả không ngăn được những làn khói mỏng bay lên từ những nén hương của đồng đội. Những nén hương thành kính tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Gia Tưởng
Theo Danviet.vn
Sự kiện: Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7)