Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979 bằng sự lãnh đạo tài tình, ý chí kiên cường và chiến thuật hợp lý.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Thảm bại của “Người khổng lồ chân đất sét”
- Cập nhật : 18/02/2017
Trung Quốc đã mắc những sai lầm gì về mặt quân sự trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979?
Trong bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị quân chính nội bộ ngày 16-3-1979 (sau khi rút quân về nước 1 tháng), Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội về thất bại thảm hại của quân đội Trung Quốc.
Đặng Tiểu Bình phát biểu: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…" nhưng "…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt” (ý nói về uy thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).
Trong kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu một phần nguyên nhân thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đó là do Trung Quốc đã tiến hành một cuộc “Chiến tranh phi nghĩa”, do sự mâu thuẫn trong tầng lớp lãnh đạo chính trị và quân sự và sự hoài nghi về mục đích của cuộc chiến trong binh lính Trung Quốc.
Những nguyên nhân đó được coi là những yếu tố có tác động gián tiếp đến sự thất bại của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Còn nguyên nhân trực tiếp là những sai lầm trong tư tưởng tác chiến chủ đạo và những yếu kém về quân sự của quân đội Trung Quốc.
Vậy những yếu kém của quân đội Trung Quốc thể hiện trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 thể hiện ở những điểm nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những khía cạnh mang tính cơ bản nhất về những vấn đề đó.
Sai lầm trong vạch kế hoạch và tư tưởng tác chiến chủ đạo
Sai lầm trong lựa chọn chiến thuật tấn công kiểu “biển người”
Đường lối tiến hành cuộc chiến tranh được Quân đội Trung Quốc được lựa chọn là “triển khai 2 mũi tấn công lớn từ 2 hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây quân địch từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.Chính vì nôn nóng áp dụng chính sách biển người nên Quân ủy trung ương Trung Quốc đã sai lầm trong xây dựng cơ cấu tổ chức, huy động lực lượng, và huy động tới lực lượng của 5 Đại quân khu tham gia Chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Trung Quốc hung hăng tràn sang Việt Nam nhưng đã thảm bại trở về (Ảnh: Quân ta bắt sống xe tăng địch)
Việc huy động quá nhiều lực lượng ở các vùng miền khác nhau dẫn tới tình trạng quân đồng bằng hoặc vùng núi phương bắc không thành thạo chiến thuật tác chiến ở vùng rừng núi không quen điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng dẫn đến sức khỏe giảm sút, hiệu quả tác chiến không cao.
Chính định hướng chiến thuật biển người này cũng đã khiến tướng tá chỉ huy chiến trường của Trung Quốc mắc sai lầm trong triển khai các chiến dịch. Điển hình là Hứa Thế Hữu.
Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của quân độiTrung Quốc, Hứa Thế Hữu đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho cuộc chiến tranh là “ngưu đao sát kê” tức là “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, với nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm:
Một là: Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của đối phương.
Hai là: Sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của địch tại những những cứ điểm then chốt.
Ba là: Các đơn vị xung kích phải dốc sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công theo tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt kẻ thù.
Theo cách này họ Hứa tin rằng, dưới sự chỉ huy của của ông ta, quân Trung Quốc có thể xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, tiêu diệt mọi sự kháng cự, thọc sâu, bao vây, chia cắt và sau đó tiêu diệt chủ lực Việt Nam.
Hứa đưa ra 3 nguyên tắc tác chiến này nghe có vẻ là đúng nhưng thực sự là một sai lầm chết người, khiến Trung Quốc nướng quân nhiều vô số.
Địa hình của khu vực biên giới Việt Nam rất phức tạp, nhiều đồi núi, rừng rậm, biển quân Trung Quốc chỉ có thể tiến nhanh lúc đầu do yếu tố bất ngờ, còn khi quân ta đã ổn định được đội hình thì chiến thuật phòng thủ chủ động và lối đánh kiểu du kích của Việt Nam đã đập tan những cuộc tấn công ồ ạt của chúng.
Việc xác định tư tưởng tấn công chủ đạo theo phương châm “biển người, biển hỏa lực” cũng khiến Hứa Thế Hữu mắc sai lầm trong trận đánh Lạng Sơn khi huy động tới 10 sư đoàn, lúc cao điểm có tới 6 sư đồng loạt đánh vào trận địa phòng ngự của sư 3 và sư 337 của ta.
Sự tin tưởng vào quân số và hỏa lực đã khiến họ Hứa quên mất nguyên tắc thứ nhất của mình là “Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của quân địch”. Hứa chọn sai điểm quyết chiến, khiến quân Trung Quốc sa lầy trên mặt trận Lạng Sơn, bế tắc trên toàn bộ mặt trận phía đông.
Sai lầm khi tách rời các hướng tấn công
Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai 2 mặt trận tấn công chính vào Việt Nam theo 2 hướng Quảng Tây và Vân Nam. Tuy nhiên họ lại sai ở điểm là không thành lập một Bộ chỉ huy chung thống nhất 2 mặt trận, quyền chỉ huy lại giao cho một tướng chỉ huy 1 mặt trận.Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào lễ Giáng sinh năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã quyết định không thành lập Bộ chỉ huy chung, mà hai cánh quân sẽ tiến hành chiến đấu độc lập, quyền chỉ huy toàn mặt trận sẽ giao cho một tướng trong một cánh quân.
Hứa Thế Hữu - Tư lệnh Đại Quân khu (ĐQK) Quảng Châu làm chỉ huy mặt trận phía đông (Quảng Tây), kiêm tổng chỉ huy cuộc chiến tranh. Chức vụ Tư lệnh mặt trận phía Tây (Vân Nam) được giao cho Thượng tướng Dương Đắc Chí - Tư lệnh ĐQK Thành Đô.
Tướng Hứa Thế Hữu được điều từ Đại quân khu (ĐQK) Nam Kinh đến nắm ĐQK Quảng Châu ngay từ năm 1973. Mặc dù đã ở Quảng Châu tới 6 năm nhưng ông ta không thu được nhân tâm của các sĩ quan ở đây, cũng như không thông thạo địa hình, khí hậu biên giới Việt-Trung. Do đó đã đưa ra nhiều quyết sách sai lầm.
Ngoài ra, việc Đặng Tiểu Bình loại bỏ Tư lệnh mặt trận Vân Nam là tướng Vương Tất Thành, ngay trước thềm cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 1 năm 1979, để đưa Dương Đắc Chí lên, do ông này có quan hệ tốt với chỉ huy cánh Quảng Tây, cũng khiến cuộc tấn công gặp khó khăn do một người lập kế hoạch tác chiến nhưng người khác tổ chức thực hiện.
Việc này đã khiến uy lực tấn công của 2 cánh quân không có tác động tương hỗ với nhau, bước tiến trên biên giới không đồng nhất, không đạt mục đích căng kéo lực lượng quân sự Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, không tạo được thế bao vây bất kỳ cụm quân lớn nào của Việt Nam.
Hơn nữa, khi trên mặt trận phía đông, Hứa Thế Hữu bị sa lầy ở trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn, cánh phía tây cũng không hỗ trợ được gì, còn Hứa cũng không có tâm trí đâu mà để ý đến đại cục của cuộc chiến tranh, dẫn đến cuộc tấn công ồ ạt của Trung Quốc như một trận đánh tự phát như không hề có chỉ huy.
Sai lầm ở Lạng Sơn là yếu tố quyết định khiến quân Trung Quốc thiệt mạng nhiều nhất và sau khi dốc toàn lực đánh chiếm được Lạng Sơn thì quân xâm lược cũng kiệt lực, nếu đụng độ với chủ lực ta bắt đầu lên biên giới thì Trung Quốc còn thất bại thê thảm hơn.
Những yếu kém về tác chiến của quân đội Trung Quốc
Xét trên nhiều phương diện, trong cuộc chiến tranh này, Quân đội Trung Quốc phải trả cái giá thê thảm nặng nề. Kế hoạch ngông cuồng "chiếm 5 tỉnh thành lớn của Việt Nam sau 1 tuần, thậm chí đánh đến Hà Nội" của Đặng Tiểu Bình cùng các tướng lĩnh thân tín bị nhanh chóng thất bại.
Cuối cùng, kế hoạch đánh bại đội quân đã từng đánh thắng 2 đế quốc lớn nhất là Pháp, Mỹ (chỉ quân đội Việt Nam) của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tan thành mấy khói và tự mình ghi danh ở vị trí thứ 3, sau khi tổn thất hơn 62.000 quân.
Những yếu kém về tác chiến của quân Trung Quốc được đánh giá ở những điểm như sau:
Một là: Không nắm được khả năng tác chiến của đối thủ
Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 cho thấy, trước khi tấn công Việt Nam, Quân đội Trung Quốc quan tâm rất ít đến binh pháp và chiến thuật tác chiến chính quy cũng như nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Kết quả là, Quân đội Trung Quốc đánh giá thấp khả năng chiến đấu của đối thủ, sa vào lối mòn của cả Pháp và Mỹ là đem đại quân đánh với Quân đội Nhân dân Việt Nam - một đội quân “khi tập hợp thì sức mạnh như núi, lúc tản ra thì uyển chuyển như sông”.
Chiến thuật phòng thủ chủ động (trong phòng thủ có tấn công) và lối đánh linh hoạt của du kích và dân quân tự vệ Việt Nam đã thành công đáng kinh ngạc bẻ gãy những mũi tấn công chủ lực của Trung Quốc.Một sĩ quan Mỹ khi tổng kết kinh nghiệm của người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, đã ghi nhận rằng không thể “để xâm nhập, tạt sườn, hoặc bao vây” vị trí cố thủ của quân đội Việt Nam “mà không bị thương vong rất nặng” trước nghệ thuật phòng thủ của ta.
Thiếu thốn thông tin từ lâu về một đồng minh truyền thống đã là một thách thức lớn cho việc lập kế hoạch chiến tranh và kế hoạch tác chiến của Bắc Kinh. Mặc dù trước chiến tranh một thời gian, Trung Quốc đã cử nhiều thám báo, gián điệp sang nằm vùng, nắm tình hình nhưng điều đó là không đủ.
Một sai lầm lớn của Trung Quốc là đánh giá sai số lượng và chất lượng tác chiến của dân quân Việt Nam, trong dự đoán ban đầu về sức mạnh quân sự của chúng ta.
Lúc đầu các hoạch định quân sự của Trung Quốc cho rằng họ đã tập hợp được một lực lượng vũ trang vượt trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công quân Việt Nam. Nhưng chỉ tính riêng tại khu vực Cao Bằng đã có 40.000 cho đến 50.000 dân quân đã làm quân Trung Quốc thiệt hại nặng nề.
Dân quân Việt thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thể hiện năng lực tác chiến rất linh hoạt, họ còn thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm hơn so với bộ đội chính quy, làm nên nét độc đáo và đầy bất ngờ của chiến thuật phòng ngự chủ động của Việt Nam
Cuộc chiến tranh này đã cho thấy Trung Quốc đã không lường trước được sự khó khăn khi triển khai cuộc chiến tranh xâm lược đối với một nước có thế trận chiến tranh nhân dân sáng tạo.
Hai là: Trung Quốc không mạnh về tấn công, yếu về phòng thủ
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng tác chiến Hiệp đồng quân binh chủng trên quy mô lớn, với nhiều binh chủng gồm xe tăng, đại bác, bộ binh cùng với một lực lượng không quân và hải quân yểm trợ.
Lạc hậu trong binh pháp và chiến thuật khiến Quân đội Trung Quốc không thể phối hợp một cách bài bản trong tác chiến. Bộ binh, xe tăng và các đơn vị pháo binh không có khả năng hiệp đồng tác chiến hiệu quả.
Một ví dụ rõ ràng là bộ binh đã không bao giờ được huấn luyện kiến thức đầy đủ về phương án tấn công phối hợp với các đơn vị xe tăng, khi không có cả kỹ năng ngồi trên xe tăng hành tiến.
Trong thực tế chiến đấu, khi xem xét một số xe tăng địch bị bắn cháy đã cho chúng ta đã thấy một thực tế là lính bộ binh Trung Quốc thậm chí còn bị bị buộc bằng dây thừng vào tháp pháo xe tăng để khỏi ngã khi hành quân. Điều đó thể hiện một vấn đề là họ chưa thành thạo hành tiến trên xe tăng.
Các đơn vị xe tăng Trung Quốc thường phải chiến đấu không có bộ binh tháp tùng, việc thiếu liên lạc trực tiếp giữa bộ binh và cơ giới đã khiến quân Trung Quốc phải chịu nhiều thiệt hại về con người và tổn thất lớn về xe tăng, xe cơ giới.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc (PLA) đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong cuộc xâm lược phi nghĩa này, nhất là năng lực và trình độ chỉ huy tác chiến của các tướng lĩnh cũng như trình độ hiệp đồng tác chiến của họ.Học giả Feivel Vogel trong cuốn “Thời đại Đặng Tiểu Bình”, do Nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông ấn hành cho biết, sĩ quan chỉ huy Trung Quốc giao nhiệm vụ cho binh lính, nhưng không biết được cấp dưới sẽ làm gì, còn binh sĩ cũng không hiểu được ý đồ của cấp trên.
Vị Giáo sư Đại học Harvard này đưa ra số liệu đáng chú ý là do hiệp đồng tác chiến yếu kém và vũ khí lạc hậu, nên có trận hơn 500 sĩ quan và binh lính Trung Quốc đã chết do chính pháo binh và các loại hỏa lực khác của chính quân đội Trung Quốc bắn nhầm.
Trong cuốn “Trong nội bộ Đảng cần để mọi người phát biểu, nói lên sự thực” xuất bản tháng 1-1988, Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã chỉ trích kịch liệt Thượng tướng Hứa Thế Hữu.
“…nói đến mặt trận phía Đông trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, thì Hứa Thế Hữu (Tư lệnh mặt trận phía Đông - Tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến 1979) là tên điên, là kẻ làm càn, mê muội, nói vậy có đồng chí nào phản đối không?” - ông Trần nói.
Vị tướng này cho rằng, quân Trung Quốc, không những tấn công không mạnh mà phòng thủ cũng quá kém. 3 Tập đoàn quân, mười mấy sư đoàn, 60% là bộ binh cơ giới, khi đột phá trung tâm thì một tuyến phòng ngự cũng không dựng nổi, để cuối cùng bị (quân Việt Nam) phản kích đánh cho thảm hại.
Thượng tướng Trần Tích Liên thẳng thắn chỉ trích khả năng tác chiến quá tồi của quân đội nước này: “Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan”.
Ba là: Hệ thống cung cấp hậu cần, kỹ thuật lạc hậu, phi khoa học
Tướng Trương Chấn - chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần (tương đương Tổng cục Hậu cần) nhớ lại rằng, vấn đề tồi tệ nhất ông gặp phải trong giai đoạn kiểm tra chuẩn bị chiến đấu là sự thiếu thốn đạn dược và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng không ít đạn pháo xịt, và 1/3 số lựu đạn lép.
Các số liệu thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại. Tính tổng cộng cả cuộc chiến, Trung Quốc đã sử dụng tới 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn cá nhân và nhiều loại trang bị cá nhân.
Theo một số nguồn tin của Trung Quốc, lực lượng tác chiến hỏa lực của nước này gồm có 6 trung đoàn xe tăng; 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không độc lập, với tổng số gần 800 xe tăng-thiết giáp (550 xe tăng), 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn.
Với một số lượng đáng kể các thiết bị kỹ thuật quân sự, PLA đã phải tìm thêm các kỹ thuật viên dân sự để trợ giúp trong việc bảo trì ô tô, xe tăng, và máy móc khác. Tuy nhiên, những vấn đề giải quyết kiểu tình huống đó không thể đảm bảo được yêu cầu cho một cuộc chiến quy mô lớn.
Hoạt động hậu cần là một lĩnh vực lớn để Quân đội Trung Quốc rút ra bài học kinh nghiệm. Ngay từ đầu PLA đã thiếu một hệ thống và cơ cấu cung cấp hậu cần hiện đại, để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự đòi hỏi di chuyển nhanh và ở những chiến trường xa xôi.
Quân đội Trung Quốc đã không thành lập một Bộ chỉ huy giao thông vận tải để đối phó với các vấn đề mà bộ đội của họ đã phải đối mặt trong chiến dịch.Vì không có đầy đủ dự trữ và phương tiện giao thông vận tải, khiến cả Quân khu Quảng Châu và Côn Minh đã phải đặt dưới cùng một hệ thống cung cấp, nên nó luôn trong tình trạng quá tải, khiến hệ thống đó không bao giờ hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Mỗi Tập đoàn quân nhận được sự trợ giúp từ một trung đoàn xe ô tô để đảm bảo công tác hậu cần tiếp tế, nhưng con số đó là quá ít so với yêu cầu của một cuộc chiến dài ngày. Mặc dù sau đó, Tổng bộ Hậu cần đã điều thêm 3 trung đoàn ô tô từ quân khu Nam Kinh và Phúc Châu đến chi viện nhưng đó vẫn là không đủ.
Tuy được hỗ trợ bằng một số lượng dân công khổng lồ nhưng sức người cũng không thể thay thế được phương tiện vận tải.
Khi lực lượng của họ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Việt Nam, các sĩ quan hậu cần đã phải rất khó khăn trong việc giữ liên lạc để không bị chệch hướng với đại quân, ngõ hầu tự bảo vệ mình trong vòng vây của lực lượng dân quân, du kích Việt Nam.
Một số lượng đáng kể các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm; vũ khí, trang bị và quân trang, quân dụng của Trung Quốc đã bị mất hoặc là do quản lý kém hay bị Việt Nam phá hoại, trong khi Việt Nam thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống” đã khiến Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn.
Những yếu kém về công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong một cuộc chiến tranh quy mô đã khiến quân đội Trung Quốc giống như hình tượng một “người khổng lồ chân đất sét”, làm giảm đáng kể hiệu quả chiến đấu của binh lính và trang bị, vũ khí trên chiến trường.
Bốn là: Sai lầm trong phương châm “lấy ý chí chính trị bù đắp kỹ năng quân sự”
Tướng Chu Đức Lễ đã từng sử dụng thành ngữ “lâm trận ma đao” (ra trận mới mài gươm), để chỉ ra vấn đề vào thời điểm sát giờ nổ súng mà Quân đội Trung Quốc mới bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược một cách đầy vội vã, cập rập.
Vào năm 1978, chỉ có 42% các đơn vị cơ sở trong quân đội Trung Quốc đã được trải qua quá trình huấn luyện quân sự. Lực lượng không quân có khoảng 800 phi công là đã từng tham gia thực hành bắn ném đạn thật, nhưng chỉ 1% đánh trúng mục tiêu.
Tướng Trương Chấn, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiểm tra việc chuẩn bị chiến tranh trên mặt trận Quảng Tây vào giữa tháng 1 năm 1979, thấy lực lượng PLA có rất nhiều vấn đề, cho thấy một sự thiếu thốn nghiêm trọng trong chuẩn bị chiến thuật và kỹ thuật chiến đấu.
Theo hồi ký của ông, đại đội 2 thuộc trung đoàn 367, đại đoàn 41 có 117 lính, trong đó 57 là tân binh. Trong hơn hai tuần huấn luyện, 44 lính đã có 3 buổi thực hành bắn, 41 có 2 buổi, và số còn lại chỉ có 1 buổi.
Trong số 117 lính, 33 lính được huấn luyện về chiến thuật tấn công theo đội hình, nhưng không được huấn luyện chiến thuật phòng thủ vì… không có sĩ quan nào biết về loại hình chiến thuật này.
Từ cuối tháng 12-1978 đến hết tháng 1-1979 binh lính Trung Quốc gấp rút tiến hành các hoạt động huấn luyện chiến đấu và diễn tập. Huấn luyện quân sự được tập trung nhiều vào những kỹ năng cơ bản của người lính như bắn, ném lựu đạn.
Việc các đơn vị cơ sở của quân đội Trung Quốc chỉ được huấn luyện một cách sơ sài và không đầy đủ cho một cuộc chiến tranh hiện đại nhằm vào đối thủ rất mạnh dường như không được giới lãnh đạo nước này quan tâm, đối với họ, chỉ cần dùng quân số đông là có thể áp đảo được đối thủ.
Mặc dầu nhu cầu huấn luyện là cấp bách, nhưng giới chức lãnh đạo quân sự của nước này vẫn không quên “truyền thống quân sự” của quân đội Trung Quốc là sử dụng học thuyết chính trị để nâng cao tinh thần và bù đắp cho hiệu năng chiến đấu.
Các bài giảng, các cuộc họp quy tội Việt Nam được mở liên miên với việc được trưng bày các bằng chứng, hiện vật, cũng như tranh ảnh, hoặc là ngụy tạo hoặc là bị xuyên tạc về ý nghĩa, nhằm gia tăng chủ nghĩa yêu nước “Đại bá” và lòng căm thù kẻ địch Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền những điều phi lí và sáo rỗng này đã thất bại thảm hại khi gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam. Binh lính Trung Quốc nhiều người đã tự thương để trốn ra mặt trận hoặc là lùi lại sau lưng đồng đội hay là cứ thua là bỏ chạy về tuyến sau chờ tiếp viện.
Kết luận:
Với quân số và vũ khí áp đảo, nhưng sai lầm ngay từ khâu vạch kế hoạch chiến tranh cùng với những yếu kém trong công tác tổ chức và trình độ tác chiến, quân Trung Quốc đã không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam, mà còn bị đánh tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn.
Một trong số các mục đích ban đầu của quân đội Trung Quốc (PLA) là hạ bệ được uy thế lẫy lừng, đánh bại 2 cường quốc (Pháp, Mỹ) của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng trên thực tế, quân đội Trung Quốc đã tự điền thêm tên mình vào vị trí thứ 3.
Về mặt ngoại giao, cuộc chiến của Trung Quốc đã tạo ra được hiệu quả gì? - không gì cả! Nó không thể cắt đứt được mối quan hệ hữu nghị Việt-Xô; không buộc được Việt Nam rút quân khỏi mặt trận biên giới Tây Nam; ngược lại, bộ mặt xâm lược giả dối của Bắc Kinh lại bị lật tẩy qua cuộc chiến này.
Thiên Nam
Theo Báo Đất Việt