Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc. Tại đây địch tổ chức tiến công quy mô lớn theo hai trục: từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng)
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Thị xã Cao Bằng chỉ còn lại một ngôi nhà
- Cập nhật : 17/02/2017
“Tính từ ngày Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta cho đến ngày rút quân, vỏn vẹn chỉ hơn nửa tháng. Trong nửa tháng đó, quân địch không chỉ sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những sự tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 nhớ lại.
Chuẩn bị cho trận đánh lớn
Mặc dù đã bước sang tuổi 88 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông bảo, cả cuộc đời chiến đấu đã kinh qua kháng chiến Pháp, chống Mỹ, chiến đấu ở Campuchia… Thế nhưng, ký ức về những năm tháng, những trận đánh ở biên giới phía Bắc của gần 40 năm trước vẫn luôn in sâu trong tâm trí ông.
Tướng Huy kể: Sáng 17.2.1979, khi đang học ở Học viện Quốc phòng thì bất ngờ nghe tin báo quân Trung Quốc tấn công vào 6 tỉnh biên giới nước ta. Ông Lê Trọng Tấn – lúc đó là Trung tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN có nhấn mạnh: Bây giờ các đơn vị đang đứng chân ở các tỉnh biên giới có nhiệm vụ bằng mọi giá phải chặn được đối phương, không để chúng tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, để các quân đoàn chủ lực của ta từ Campuchia về kịp.
“Lúc đó, ở Campuchia cơ bản chúng ta đã ổn định được tình hình nên Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 đã thần tốc rút quân về nước bằng đủ các phương tiện, từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe cơ giới... Nhiệm vụ còn lại ở nước bạn được giao cho Quân đoàn 4 và một số đơn vị thuộc Quân khu 9” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Vẫn theo ông Huy, sau khi các Quân đoàn chủ lực về nước, chúng ta có xây dựng kế hoạch nếu quân Trung Quốc tiến vào sâu lãnh thổ, quân ta sẽ tổ chức một trận đánh lớn ở khu vực Sài Hồ (Lạng Sơn).
“Nếu trận đánh này diễn ra, chúng ta sẽ phải sử dụng Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 làm gọng kìm để tiêu diệt đối phương. Trường hợp quân Trung Quốc đi theo đường 1B xuống khu vực Bắc Sơn (Thái Nguyên), chúng ta cũng có phương án mở trận đánh lớn tại khu vực này”- Tướng Huy cho biết.
Tuy nhiên, khi thấy các Quân đoàn chủ lực của ta bắt đầu tham chiến, quân Trung Quốc cũng bắt đầu rút dần. Đến ngày 5.3.1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ và rút quân.
“Phía Trung Quốc cũng hiểu rằng nếu như không rút sớm thì phải đối mặt với các đơn vị chủ lực của ta. Và như vậy, thương vong lớn sẽ khó tránh khỏi bởi các Quân đoàn chủ lực của ta đều thiện chiến, từng chiến đấu qua nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt” – Thiếu tướng Huy nhận định.
Cả thị xã sót lại một ngôi nhà
Sau khi về nước, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 do ông Huy làm Sư đoàn trưởng đã hành quân lên tỉnh Cao Bằng để đánh địch vào những ngày cuối tháng 2.1979.
“Nói là Sư đoàn nhưng thực ra quân số lúc đó chỉ có khoảng một trung đoàn (khoảng 2.000 người). Trong hơn chục ngày chúng tôi chiến đấu hết sức căng thẳng, quyết liệt, tiêu diệt quân đối phương khá nhiều, bắt sống hàng chục quân Trung Quốc ở khu ngã ba Dân Chủ - huyện Hòa An và huyện Thông Nông (Cao Bằng)” – thiếu tướng Huy nói.
Là người từng tham gia chiến đấu với quân đội khác nhau, Tướng Huy đưa ra nhận định, trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 chúng ta hoàn toàn rơi vào thế bất ngờ. Lực lượng quân của chúng ta lúc đầu chặn địch chủ yếu là bộ đội địa phương, trong khi Trung Quốc sử dụng lực lượng lớn (60 vạn quân), huy động nhiều hỏa lực, xe tăng để tấn công nên mới có thể tiến nhanh vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ như ở ngay Cao Bằng, chỉ trong một ngày, quân Trung Quốc đã tiến sâu đến 30-40 km. Tuy nhiên sau đó, quân địch gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ và anh dũng của quân và dân ta, do đó bước tiến của đối phương đã bị chặn đứng.
Theo Tướng Huy, tính từ ngày Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta cho đến ngày rút quân, vỏn vẹn chỉ hơn nửa tháng. Trong nửa tháng đó, quân địch không chỉ sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những sự tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng.
“Như ở Cao Bằng, sau khi đánh đuổi địch xong, chúng tôi trực tiếp đi kiểm tra thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) thì thấy gần như toàn bộ thị xã đã bị phá hủy, chỉ có duy nhất một ngôi nhà cấp 4 còn nguyên vẹn. Chúng tôi đã tới để tìm hiểu tại sao lại như thế? Khi bước vào ngôi nhà, chúng tôi mới hiểu lý do khi thấy trên tường có một bức ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông được chủ nhà cắt từ họa báo dán lên. Có lẽ chính vì điều này mà ngôi nhà không bị phá hủy (?)” – Thiếu tướng Huy kể.
Sau khi rời Cao Bằng, Tướng Huy qua thị xã Lào Cai cũng thấy một cảnh tan hoang. Toàn bộ nơi đây cũng bị quân thù tàn phá tan tành, tất cả các công trình từ trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân, cầu cống, cột điện đều bị phá hủy…
“Địch không chỉ dùng pháo nã vào khu vực mà sau khi rời khỏi đấy, chúng dùng bộc phá, thuốc nổ để hủy hoại tất cả các công trình hạ tầng của ta” – vị tướng già chốt lại câu chuyện.
Theo Dân Việt