Cuộc chuyển quân thần tốc bằng cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không bắt đầu từ 6- 11/3 những đơn vị đầu tiên của quân đoàn gồm Sư đoàn bộ binh 304, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn phòng không 673, tiểu đoàn trinh sát… đã về tới Hà Nội.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979:Giành giật từng mét đất với địch
- Cập nhật : 17/02/2017
Dưới hỏa lực mạnh của quân Trung Quốc, ông Lý Trung Phẩm cùng đồng đội giành giật lại từng mét đất, đẩy lùi các đợt tấn công của địch. Đến cuối ngày 2.3.1979, cho đến trước khi hết đạn quân ta đã đẩy lùi 4 đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 200 quân đối phương.
Bố chặn địch, mẹ địu con đi chạy đạn
Rạng sáng 17.2.1979, tiếng đạn pháo đì đùng dội xuống bản Chắt - nơi được coi là địa điểm chốt chặn, bảo vệ dọc chiều dài 20 km biên giới. Sư đoàn 338 được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực này đã tổ chức tấn công tiêu diệt địch suốt gần một tháng không ngơi nghỉ.
Bà Hoàng Thị Cung cũng như nhiều người phụ nữ khác trong bản Chắt vội vàng địu con, quơ tạm ít thức ăn rồi băng rừng chạy đạn. Chồng bà - ông Nông Văn Lý - là một trong 49 thanh niên ở lại bản thành dân quân tự vệ cùng bộ đội chống giặc.
Ông Nông Văn Lý (bản Chắt, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) tại nơi quân và dân ta kiên cường chống lại quân xâm lược.
Đứa con được bà Cung địu sau lưng để chạy giặc là anh Nông Văn Sả, năm nay đã gần 40 tuổi. Anh Sả khi lúc lắc trên lưng mẹ chạy giặc mới chỉ hơn 1 tuổi, không nhớ được những ngày mưa đạn quân Trung Quốc dội xuống bản Chắt, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Nhưng bố mẹ anh vẫn nhớ như in những ngày chống chọi với quân Trung Quốc.
Khoảng 4h sáng ngày 17.2.1979, đạn pháo từ phía bên kia biên giới bắt đầu dội xuống đồi 54, nơi giữ cột mốc biên giới tại xã Bính Xá.
Ông Lý nhớ lại: “Khi ấy tôi được bộ đội giao cho một khẩu súng cùng khoảng 200 viên đạn để cùng bảo vệ người dân, chống quân Trung Quốc”.
Thanh niên bản Chắt lúc bấy giờ còn phối hợp vận chuyển nhu yếu phẩm, đạn dược cho bộ đội chủ lực và hỗ trợ đưa những người bị thương về hậu phương.
Chiến đấu tới viên đạn cuối
Một ngày sau, rạng sáng 18.2.1979, quân Trung Quốc tấn công từ hướng Bắc Xa chiếm điểm cao 899. Hướng bản Chắt, giặc dùng pháo cối rót từ bên kia biên giới bắn vào khu cột mốc 54. Hướng Nà Căng, bản Thín, địch dồn quân đánh chiếm các điểm cao 476, 549 và bản Thí, Nà Van, Khả Lài (vị trí phòng ngự của Tiểu đoàn 9 Lộc Bình). Hướng Chi Ma, địch đánh chiếm điểm cao 424, Nà Phát và cho pháo binh nã pháo vào khu vực Long Đầu, điểm cao 427.
Sư đoàn 338 đã lệnh cho Trung đoàn 460 – đơn vị chủ lực của đợt tiến công nâng lên báo động cấp 1 ở hướng bản Chắt.
Ông Lý Trung Phẩm - người đã cùng các đồng đội chiến đấu kiên cường chống quân Trung Quốc, hiện sống cùng gia đình tại tỉnh Bắc Giang.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lý Trung Phẩm (SN 1955) khi đó đang là binh nhất thuộc Trung đoàn 460 nhớ lại: “Chúng tôi đã đánh thọc sâu về phía địch, chiếm giữ toàn bộ các chốt của đối phương. Nhưng khi ta rút ra thì địch lại tổ chức tấn công trở lại, giành các điểm cao khu vực bản Chắt vào ngày 1.3.1979”.
Dưới hỏa lực mạnh của quân Trung Quốc, ông Phẩm cùng đồng đội giành giật lại từng mét đất, đẩy lùi các đợt tấn công của địch. Đến cuối ngày 2.3.1979, cho đến trước khi hết đạn quân ta đã đẩy lùi 4 đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 200 quân đối phương.
Trung đội của ông Phẩm có 9 người thì 6 người đã hy sinh, 3 người còn lại thì 2 người bị thương nặng, còn mỗi ông Phẩm là bị thương nhẹ. Chiến đấu cho đến khi hết đạn, ông Phẩm lấy một chiếc áo của địch ngụy trang, rồi cùng 2 đồng đội bị thương nặng cố sức lăn xuống chân đồi, thoát khỏi hỏa lực địch.
Ngày hôm sau, dù bị thương ông Phẩm vẫn tiếp tục xin ở lại chiến đấu, giành lại điểm cao.
Ngày 20.12.1979, ông Lý Trung Phẩm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Dân Việt