Như vậy, đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khai mạc. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh bộ máy lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Có thể chia hầu hết các lãnh đạo thuộc “thế hệ thứ 5” của Trung Quốc thành từ 2 hệ tư tưởng khác nhau. Một nửa trong số họ được xếp vào hàng ngũ “thái tử” – những người con của các quan chức có quyền lực cao trong thời kỳ cách mạng. Ngoài ra, nhóm này gồm những lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo các tỉnh duyên hải mạnh về kinh tế.
Theo dự đoán, ông Tập Cận Bình sẽ là vị Chủ tịch nước tiếp theo của Trung Quốc và ông là một trong các “thái tử”. Những người thuộc nhóm này có xu hướng nghiêng về các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tốc độ tối đa, chấp nhận khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Họ ủng hộ lợi ích của các doanh nghiệp mới nổi. Đây cũng là các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng duyên hải.
Nhóm thứ 2 bao gồm các lãnh đạo nổi lên từ tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc. Không giống như nhóm trên, các vị lãnh đạo này làm việc tại các tỉnh nghèo hơn nằm sâu trong nội địa. Do đó, họ sẽ ủng hộ các chính sách phát triển các vùng này đồng thời kêu gọi giảm bớt tình trạng mất cân bằng giữa các vùng để đảm bảo ổn định cho xã hội.
Thêm vào đó, các chương trình truyền thông cũng như quản lý các mảng lao động, xã hội và tôn giáo cũng là mối quan tâm lớn của nhóm này. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường – người được dự báo sẽ lên thay ông Ôn Gia Bảo – là người tiêu biểu cho nhóm này.
Bộ mặt mới của Trung Quốc
Một trong những vấn đề thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận chính là số lượng các lãnh đạo mới. Hiện nay, Bộ Chính trị Trung Quốc đang có 25 thành viên. Với “cú ngã ngựa” của bí thư thành ủy Trùng Khánh – Bạc Hy Lai – số lượng đã giảm xuống còn 24 người. Theo dự báo, 14 người sẽ được thay thế sau đại hội năm nay.
Các thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị (PSC) – cơ quan quyền lực nhất của Trung Quốc – được chọn ra từ Bộ Chính trị. Trong đó, có tới 7 người sẽ nghỉ. Theo dự đoán, các vị trí này sẽ bao gồm những vị lãnh đạo phụ trách các vấn đề chính trị và tư tưởng; kinh tế tài chính; ngoại giao; an ninh và các hoạt động quân sự.
Kể từ năm 1987, Trung Quốc đã thực hiện cách thức chọn lựa nhiều vị trí lãnh đạo 1 lúc. Các lãnh đạo cấp cao sẽ quyết định họ muốn có bao nhiêu thành viên trong Ủy ban Trung ương Đảng. Hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng có các giới hạn về tuổi tác và nhiệm kỳ để có thể giới hạn quãng thời gian mà các quan chức có thể nắm quyền.
Thế hệ thứ 5
Trước thềm đại hội lần thứ 17 diễn ra hồi năm 2007, rất nhiều người vẫn dự đoán Lý Khắc Cường sẽ là người thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại lấy được khá nhiều sự ủng hộ và hiện nay đã trở thành người được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào.
Người cha Tập Trọng Huân của ông đã được cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang hết sức tin tưởng. Theo giới phân tích, điều này đã giúp ích rất nhiều cho ông Tập Cận Bình, giúp ông lấy được lòng tin trong con mắt của các quan chức của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù xuất thân là “thái tử”, ông Tập vẫn có được lòng tin của nhóm còn lại. Do đó, ông được cho là sẽ có lợi cho cả 2 nhóm.
Tập Cận Bình cũng đã rất thành công trong con đường thăng quan tiến chức. Hiếm khi thể hiện quan điểm cá nhân, ông được các nghiên cứu miêu tả là khá hòa nhã, có tham vọng chính trị khi được tiếp xúc với môi trường chính trị từ thủa nhỏ.
Minh Anh
Theo TTVN/BI/CAFEF