"Năm 1979 khi quân ta tấn công sang lãnh thổ Việt Nam, thì trong con mắt người dân Việt Nam, chúng ta chính là kẻ xâm lược..." - học giả Trung Quốc Phùng Học Vinh.
Mỹ phải có cách tiếp cận riêng với Duterte
- Cập nhật : 10/02/2017
Dù cách thức biểu hiện bề ngoài đôi khi rất khó hiểu và bốc đồng nhưng trên thực tế ông Duterte hiểu rất rõ mình đang làm gì và muốn gì. Ông dám lựa chọn rủi ro có tính toán để bảo vệ các lợi ích quốc gia và Chính quyền Trump sẽ phải có cách tiếp cận riêng với vị tổng thống theo đường lối dân túy này.
Chuyến đi của Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2016 đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Tổng thống Philippines kể từ năm 2011. Trong chuyến công du này, Duterte đã gây sốc thế giới bằng tuyên bố tách ra khỏi đồng minh lâu năm Mỹ để “tái hợp” với Trung Quốc. Ngay từ trước khi đưa ra thông báo này, ông Duterte cũng đã làm đau đầu không ít nhà phân tích ở Washington về lối hành xử bốc đồng và đôi lúc điên khùng của mình, thể hiện rõ trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, việc ông mạt sát Tổng thống Barack Obama hay thể hiện rõ thái độ thù hằn với Mỹ.
Mặc dù phong cách dân túy thất thường của Duterte gây khó chịu cho nhiều nhà lãnh đạo ở cả hai bờ Thái Bình Dương, nhưng ông không hẳn là một người có lối suy nghĩ lập dị như biểu hiện bề ngoài. Trên thực tế, trong lĩnh vực đối ngoại, Duterte ý thức rất sâu sắc về lợi ích quốc gia. Việc ngả sang Trung Quốc là một lựa chọn rủi ro có tính toán khi Duterte muốn dành quan tâm nhiều hơn cho việc bảo vệ các lợi ích kinh tế đất nước thay vì tham gia mạng lưới an ninh châu Á của Mỹ và hủy hoại nó. Vì vậy, chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump cần đẩy mạnh quan hệ tốt đẹp với Duterte, chứ không phải tìm cách phá hoại nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Chiến lược cân bằng sức mạnh
Những quyết định của Duterte đã gây ra hậu quả tai hại khi đặt trong bối cảnh rộng hơn của khu vực Đông Nam Á, nơi chính sách đối ngoại được xem là trò chơi sống còn đối với những quốc gia nhỏ. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ năm 1967 và mở rộng thành một tổ chức liên kết khu vực kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các nước thành viên ASEAN luôn tìm cách tăng cường vị thế của mình trước những cường quốc hay những nước khác mạnh hơn họ. Trong quá khứ cũng như hiện tại, khu vực Đông Nam Á đã không ít lần trở thành bàn cờ trong tay các cường quốc thế giới và phần lớn các nước ASEAN muốn dựa vào uy thế quân sự tuyệt đối của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc và duy trì ổn định trong khu vực. Chiến lược cân bằng này cũng là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Philippines từ hàng thập kỷ nay.
Nhưng với một số nước thành viên khác trong ASEAN, họ không đơn thuần chỉ tham gia trò chơi cân bằng sức mạnh. Trung Quốc có thể là một mối đe dọa nhưng với quy mô kinh tế lớn thứ hai thế giới thì Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực. Vì vậy, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á luôn tìm cách gạt bỏ xung đột với Trung Quốc để mưu cầu tối đa lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Bắc Kinh. Kể từ khi Trung Quốc thực thi chính sách “ngoại giao láng giềng tốt” đầu những năm 2000, mối quan hệ giữa các nền kinh tế trong ASEAN với Trung Quốc đã tiến triển nhanh chóng. Trung Quốc vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009 và chỉ hai năm sau đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của ASEAN. Đặc biệt Bắc Kinh rất ưa thích sử dụng các khoản viện trợ và cho vay ưu đãi làm công cụ để lôi kéo các nước láng giềng Đông Nam Á. Tổng số tiền này đã tăng gấp đôi trong vài năm gần đây, thông qua vô số các khoản cho vay song phương và đa phương, bao gồm cả những khoản cho vay của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Tất nhiên cũng có những phản đối liên quan đến các khoản cho vay của Trung Quốc, song lợi ích kinh tế vẫn chiến thắng. Nhóm nước nghèo trong khu vực đang được hưởng lợi từ hỗ trợ của Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng. Gần đây, Trung Quốc cũng đã cho các ngân hàng nhà nước của Indonesia vay hàng tỷ USD, hay mua nợ của Chính phủ Malaysia.
Mặc dù có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc nhưng điều đó không làm ảnh hưởng tới quan hệ quân sự của ASEAN với Mỹ. Indonesia mới đây đã mở rộng hợp tác quân sự với Washington. Các quan hệ hợp tác quân sự giữa Việt Nam với Mỹ cũng được cải thiện với việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Hà Nội và tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau của quan chức quân sự cấp cao hai bên. Singapore, điểm đến chính cho các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thì công khai ủng hộ hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Tất cả những điều này cho thấy phần lớn các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á coi an ninh và kinh tế là hai vấn đề tách biệt. Họ lựa chọn phương thức đa dạng hóa chính sách đối ngoại để theo đuổi các lợi ích quốc gia của mình.
Nhưng Philippines không giống như các nước láng giềng trong khu vực. Những năm gần đây Manila đang dần từ bỏ cách tiếp cận thực dụng này. Philippines, không nghi ngờ gì nữa, đã cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc (có vẻ như chiến lược “ngoại giao láng giềng tốt” của Trung Quốc đã thực sự phát huy tác dụng). Đỉnh điểm nhất là việc hai bên ký tới 14 thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá 1,62 tỷ USD trong chuyến thăm Manila năm 2005 của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Mặc dù không phải tất cả các thỏa thuận này đều được thực hiện, song Trung Quốc đã kịp hoàn thành dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện, đập thủy điện, hệ thống tưới tiêu và các dự án nông nghiệp khác ở Philippines. Bắc Kinh cũng đã đàm phán với các cơ quan chính quyền Philippines về các khoản đầu tư bổ sung trong các dự án giao thông và cung cấp điện.
Thế nhưng mọi nỗ lực đầu tư của Trung Quốc ở Philippines đã trở thành vô nghĩa khi Biển Đông bắt đầu dậy sóng từ năm 2011. Quan hệ song phương Philippines-Trung Quốc trở nên tồi tệ khi người tiền nhiệm của ông Duterte là Tổng thống Benigno Aquino III duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và quyết định đệ đơn kiện các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa Trọng tài. Quan trọng hơn, ông Aquino còn cho khôi phục liên minh quân sự Mỹ-Philippines và cho phép Mỹ thiết lập tới 5 căn cứ hải quân trên lãnh thổ của nước này, một động thái bị Trung Quốc coi như là thách thức trực tiếp đối với nguyên trạng ở Biển Đông. Chính vì vậy, trong hơn 5 năm qua, Philippines bị tụt hậu so với các quốc gia ASEAN khác trong việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Áp lực vực dậy kinh tế
Tuy nhiên với Tổng thống Duterte – dù có thích Trung Quốc hay không – thì chắc hẳn ông cũng nhận ra rằng mối quan hệ Mỹ-Philippines đã hạn chế khả năng theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập. Đây là điều quan tâm đặc biệt đối với một nhà lãnh đạo được người dân bầu lên dựa trên lời hứa sẽ cải thiện cuộc sống của dân nghèo bằng cách giải quyết tình trạng thâm hụt nghiêm trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù gần đây kinh tế Philippines đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh, tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên đầu người năm 2015 lên tới 3.540 USD, nhưng Ngân hàng thế giới (WB) chỉ xếp Chỉ số năng lực hậu cần quốc gia (LPI) của Philippines ở mức 2,6 trên thang điểm 5. Trong khi đó, chỉ số này của Campuchia là 2,58 điểm, dù GNI trên đầu người chỉ đạt 1.070 USD. Rất nhiều tỉnh của Philippines đang phải đối mặt với các vấn đề giao thông nghiêm trọng, thiếu điện trên diện rộng, nhất là ở những khu vực nghèo như đảo Mindanao quê hương của Tổng thống Duterte. Đây là lý do khiến ông Duterte quyết định tăng 13,8% ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2017, kèm theo cam kết sẽ dành từ 5-7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tư cho lĩnh vực này. Đối với ông, đây là một lĩnh vực mà Mỹ không thể chìa tay giúp đỡ được nhiều.
Trong khi đó, Trung Quốc lại hoàn toàn có thể. Đến nay, ông Duterte đã bị khóa chặt với một khoản vay từ AIIB và 13 thỏa thuận cho vay đầu tư song phương với Trung Quốc với tổng giá trị lên tới 24 tỷ USD, dù khả năng thực thi các thỏa thuận này vẫn chưa rõ. Dự án đường sắt phương Bắc, được ký trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2005, đã vấp phải nhiều rào cản liên quan đến các cáo buộc tham nhũng, chính sách tái định cư cho người dân và quan trọng nhất là phán quyết của tòa chống lại việc xây dựng hệ thống đường sắt này. Một dự án cao cấp khác về xây dựng mạng lưới băng thông rộng quốc gia do hãng viễn thông ZTE của Trung Quốc làm chủ đầu tư cũng bị hủy bỏ năm 2007 vì các bê bối tham nhũng. Những vấn đề tương tự chắc chắn sẽ làm nản lòng giới đầu tư Trung Quốc trong tương lai.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến một vài lý do khác có thể ảnh hưởng đến chiến lược “xoay trục” sang Trung Quốc của Duterte, mà lớn nhất có lẽ là tâm lý chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ đang lan rộng trong nước ở cả giới cầm quyền lẫn dân chúng. Một cuộc thăm dò xã hội học hồi tháng 9/2016 cho thấy chỉ có 22% người dân Philippines đặt “nhiều niềm tin” vào Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này đối với Mỹ là 76%. Tuy nhiên, với cách thức riêng của mình, ông Duterte có thể vẫn có cơ hội cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc nhờ có thêm sự ủng hộ cần thiết trong dân chúng.
Nhưng để làm được như vậy, ông Duterte cần nhanh chóng hiện thực hóa các thỏa thuận và loại bỏ tâm lý chống Trung Quốc khá mạnh ở trong nước. Ngay sau khi ông Duterte thăm Bắc Kinh, Thượng viện Philippines tuyên bố sẽ rà soát các thỏa thuận với Trung Quốc. Cơ quan này cũng yêu cầu Chính quyền Duterte phải giải thích về tuyên bố sẽ tách khỏi Mỹ. Tất nhiên ông Duterte sau đó đã “sửa sai” bằng cách rút lại tuyên bố của mình và tái khẳng định liên minh với Mỹ, nhưng khi cần ông lại sẵn sàng lớn tiếng chỉ trích Washington. Đơn cử như ông đe dọa sẽ phá vỡ liên minh Mỹ-Philippines sau khi một cơ quan viện trợ của Mỹ hoãn cuộc bỏ phiếu về việc tiếp tục viện trợ cho Philippines. Không chỉ với Mỹ, do hiểu rõ những thách thức phải đối mặt, ông Duterte cũng dám chơi ván cờ mạo hiểm rủi ro tương tự với Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Chuyến thăm Tokyo được ông Durterte tiến hành không lâu sau chuyến thăm Bắc Kinh và đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết dành cho Philippines khoản đầu tư lên tới 1,85 tỷ USD.
Đối sách của Donald Trump
Trong quá trình xây dựng chính sách đối ngoại, Chính quyền Trump sẽ phải quan tâm đến chủ nghĩa chống Mỹ của Duterte và những nguy hại mà ông ta có thể gây ra đối với liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Dù khá thô lỗ nhưng chiến lược ngoại giao của Duterte không phải là hiếm. Chính sách đối với Trung Quốc của ông khá giống với cách mà các nước thành viên khác trong ASEAN đã thực hiện từ hơn một thập kỷ qua mà không vấp phải bất kỳ phản ứng dữ dội nào từ phía Mỹ. Trong suốt thời gian qua, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á và sự hợp tác của Mỹ với khu vực này hầu như không thay đổi, và nếu có thì cũng chỉ theo hướng mạnh mẽ hơn. Vì thế, Mỹ cần trao cho Chính quyền Duterte không gian linh hoạt hơn trong việc theo đuổi chính sách kinh tế, cho phép ông ta thực hiện lời hứa với các cử tri cho dù phải cần đến trợ giúp tài chính từ Trung Quốc. Trong lúc Mỹ không có ý chí chính trị và nguồn lực để hỗ trợ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Duterte thì họ cần phải cho phép ông tìm kiếm nguồn tiền từ Trung Quốc mà không coi đó là một mối đe dọa đối với Washington.
Trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump chắc chắn sẽ phải tạo động lực mới cho mối quan hệ Mỹ-Philippines. Tính cách dân túy của cả Trump lẫn Durterte và thái độ cùng xem thường các vấn đề nhân quyền của hai ông sẽ là cơ sở để hai bên thúc đẩy quan hệ, đặc biệt khi xét đến những chỉ trích cùng nhằm vào Tổng thống Barack Obama trước đó. Tuy nhiên, lập trường chống Trung Quốc của Trump và phong cách thiếu nhất quán của ông trong các hồ sơ chính trị quốc tế có thể sẽ lại là rào cản khiến ông khó chấp nhận chính sách của Duterte đối với Trung Quốc.
Nhưng dù chấp nhận hay không, dù quan hệ Trung Quốc-Philippines phát triển đến mức nào, Chính quyền Trump vẫn phải tập trung cải thiện quan hệ với Manila. Duterte cảnh giác với Mỹ vì ông cho rằng Washington chống lưng các đối thủ trong nước và hỗ trợ tầng lớp quyền lực trong xã hội. Vì vậy, đưa Duterte trở lại với các cuộc đàm phán chính sách thông qua các chuyến thăm chính thức và một vài kênh liên lạc cấp cao là điều rất cần thiết nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo này rằng Mỹ ủng hộ người dân Philippines chứ không chỉ tầng lớp tinh hoa. Chừng nào Duterte còn cho rằng tiếng nói của Philippines chưa được lắng nghe, chừng đó ông sẽ còn tiếp tục đưa ra những bình luận và lựa chọn chính sách khiêu khích của mình.
Cần nhớ một điều rằng điểm đáng lưu ý nhất trong thỏa thuận của Duterte với Trung Quốc là cam kết mở lại các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp lãnh thổ, đồng nghĩa với việc ông từ bỏ lợi thế mà Philippines đang có sau phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài bác bỏ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng trong quá khứ, các nỗ lực tương tự nhằm thúc đẩy quan hệ song phương thường thất bại do hai bên không thể thỏa hiệp về những tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Trong khi đó, dù ông Trump từng nói muốn giảm bớt sự hiện diện của Mỹ ở một số nước châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng quan điểm thực sự của ông về vấn đề Biển Đông vẫn chưa rõ ràng. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng ông Trump sẽ đụng độ với Trung Quốc ở Biển Đông, cũng giống như thái độ mạnh mẽ của ông về chính sách “Một Trung Quốc” hay việc ông không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích hành động bồi đắp đảo của Bắc Kinh trên trang mạng xã hội Twitter. Trong tuyên bố gần đây, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã khẳng định quan điểm cứng rắn với Trung Quốc khi so sánh các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Ông Tillerson quả quyết sẽ gửi đến Trung Quốc “tín hiệu rõ ràng” về việc phải chấm dứt xây dựng đảo. Thế nhưng trong vấn đề này, có lẽ Trump nên học theo cách của Duterte: tránh biến Trung Quốc thành kẻ thù bằng cách cố gắng đối xử bình thường.
Theo Foreign Policy
Trần Quang (gt)
Nguồn:nghiencuubiendong.vn