Các nước, nhất là các nước nhỏ, cần đoàn kết bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, không đứng về phía Trung Quốc để chống Mỹ và ngược lại.
Châu Á có các 'liên minh mới' chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông?
- Cập nhật : 06/06/2017
Đó là cách con tép nhỏ làm cho bản thân mình "khó nuốt" đối với những con cá, bằng cách trở nên tự chủ và mạnh mẽ hơn.
Reuters ngày 4/6 có bài viết gây chú ý với tiêu đề: "Vì sự không chắc chắn của Mỹ, châu Á xây dựng các liên minh mới để đối phó với Trung Quốc". [1]
Bài báo của 2 tác giả Greg Torode và Raju Gopalakrishnan, được bổ sung bởi Lee Chyen Yee, cho rằng:
"Một số quốc gia châu Á đang tìm cách củng cố các liên minh không chính thức với nhau, vì những lo ngại rằng không thể dựa vào một mình Hoa Kỳ để duy trì vùng đệm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Các nước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam đang lặng lẽ đẩy mạnh các cuộc thảo luận và hợp tác, mặc dù Bắc Kinh chưa tỏ ý bất mãn về việc này.
Tuy nhiên không có quốc gia nào trong số này lên tiếng về một liên minh chính thức, các nhà ngoại giao cho biết.".
Phát biểu đề dẫn Đối thoại An ninh Shangri-la lần thứ 16 vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói:
"Trong thế giới mới bất ổn này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của mình.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm với an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi thấy rõ rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các bạn bè và đối tác tin cậy.".
Bình luận của ông Turnbull gây tiếng vang trong 3 ngày diễn ra Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay.
Các quan chức khu vực nói rằng, họ lo lắng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể đoán trước, đặc biệt là những lời khen ngợi ông dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. [1]
Cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu, làm sao để chung sống hòa bình?
Bài báo của Reuters phản ánh mối lo ngại của một số quan chức và học giả khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên lề Đối thoại Shangri-la.
Đồng thời họ bày tỏ mong muốn hoặc đưa ra nhận định của mình về việc hình thành vài "liên minh không chính thức" để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây cũng là nỗi lo chung của không ít nhà quan sát và những ai quan tâm đến thời cuộc.
Tuy nhiên, đọc kỹ bài phát biểu đề dẫn cho Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay của Thủ tướng Australia, cũng như những thông điệp từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis người viết phản ánh trong bài viết trước, thiết nghĩ đã có thể tìm thấy những câu trả lời rõ ràng.
Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu:
"Thưa ngài thủ tướng (Lý Hiển Long)! Cha của ngài và đồng thời cũng là vị quốc phụ, ngài Lý Quang Diệu rất sâu sắc.
Ông hiểu rằng sự ổn định chiến lược không tự nhiên mà có.
Năm 1966 khi Cộng hòa Singapore mới được khoảng 1 năm tuổi, Anh quốc bắt đầu tính chuyện rút các lực lượng quân sự khỏi phía Đông Suez, ông đã nói về tầm nhìn chiến lược.
Lý Quang Diệu trích dẫn một câu phương ngôn của người Trung Quốc, đại ý cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu.
Ông đã mô tả về cách làm thế nào để con tép riu trong câu phương ngôn này, lấy ví dụ như quốc đảo Singapore khiêm tốn và nhỏ tuổi, có thể sinh tồn và phát triển tốt.
Đó là cách con tép nhỏ làm cho bản thân mình "khó nuốt" đối với những con cá, bằng cách trở nên tự chủ và mạnh mẽ hơn.
Nó có thể làm bạn với các con cá lớn khác, xây dựng liên minh mạnh mẽ và an ninh tập thể.
Con trai và cũng là người kế nhiệm ông, Thủ tướng Lý Hiển Long có mặt ở đây hôm nay, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ liên đới trong việc bảo vệ an ninh cho nhau.
Hòa bình và ổn định đã trở thành nền tảng cần thiết cho sự tiến bộ, thịnh vượng và tự do trong khu vực của tất cả chúng ta.
Thông điệp của Lý Quang Diệu không bị kẹt trong tính nhị nguyên của sự ổn định và chinh phục quân sự.
Ông đã phát biểu tại thời điểm của những cuộc lật đổ và nổi dậy có bàn tay nước ngoài xúi giục, và điều này không phải xa lạ gì với những thách thức trong thời đại của chúng ta.
Tại diễn đàn này năm 2009, ông đã phát biểu rằng, mình cống hiến cả cuộc đời cho việc tạo ra các không gian chính trị và kinh tế cần thiết để bảo vệ tự do, cũng là bảo vệ chính mình.
Với sự hiện diện của đầy đủ "tôm tép, cá nhỏ, cá vừa và cá lớn" tại đây (Đối thoại Shangri-la) ngày hôm nay, chúng ta phải đối mặt với hơn một sự lựa chọn mang tính đối nghịch, giữa sự sống và cái chết, giữa chiến tranh và hòa bình.
Câu hỏi nổi bật hơn nữa là, ngay cả khi nguy cơ chiến tranh vẫn còn xa xôi, loại hòa bình nào chúng ta có thể duy trì?
Trong hơn 40 năm qua, khu vực chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế và tiến bộ của loài người một cách chưa từng thấy.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo ra các dòng chảy thương mại, đầu tư mà chúng ràng buộc tất cả chúng ta.
Tuy nhiên các lực lượng kinh tế này cũng có thể gây ra những bất ổn chính trị, tăng khả năng quân sự và tham vọng chiến lược.
Các điểm nóng trong khu vực gia tăng, mâu thuẫn dường như vô tận ở Trung Đông và châu Phi, sự điên rồ và bệnh hoạn của chủ nghĩa khủng bố, sự biến đổi kinh tế và biên giới ở châu Âu, sự can thiệp bên ngoài và mức độ tha hóa chính trị hay chủ nghĩa dân tộc ngày càng sâu sắc hơn những gì chúng ta từng thấy kể từ năm 1930.
Internet và các công nghệ kỹ thuật số của nó đã cho phép phá vỡ ranh giới và khoảng cách quốc gia.
Hàng tỉ người bây giờ đã có trong túi họ một thiết bị có khả năng kết nối họ với tất cả mọi người trên thế giới.
Bây giờ, một dòng trạng thái trên mạng xã hội hay một đoạn video trên Youtube có thể tiếp cận đồng thời hàng triệu, nếu không nói là hàng tỉ người chỉ trong vài giây.
Hãy suy nghĩ về tốc độ của những thay đổi này.
Công nghệ kết nối khát vọng các vùng miền, lẫn bất bình với các biến động toàn cầu. Phạm vi và sức mạnh của các tổ chức phi nhà nước được khuếch đại.
Điều này buộc chúng ta phải đánh giá lại cách thức chúng ta khẳng định và bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mình với tư cách một quốc gia như thế nào.
Các cuộc tấn công mạng vào tháng trước cho thấy rằng, thế giới vẫn còn phải đối mặt với những mối đe dọa mới, những lỗ hổng (an ninh) mới"."
Chia sẻ là hạnh phúc, đoàn kết là sức mạnh
Thủ tướng Malcolm Turnbull nhắn nhủ các quan chức và học giả tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 16:
"Trong thế giới mới đầy thách thức này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của chúng ta.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm về an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các đối tác và bạn bè tin cậy.
Những đám mây âm u đang tập trung các dấu hiệu của sự không chắc chắn, không ổn định, đòi hỏi tất cả chúng ta phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ và định hình tương lai của khu vực này.
Tôi tin rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi năng động nhất, thuận lợi nhất về kinh tế lẫn chiến lược, văn hóa để sắp xếp và định hướng các phản ứng toàn cầu. Đó là đề dẫn của tôi trong phát biểu tối nay.
Tầm nhìn của Úc là, lạc quan và nuôi dưỡng khát vọng tốt hơn sự lo lắng, hướng đến một cộng đồng thị trường mở, với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng.
Đó là nơi tự do hàng hải không bị thách thức, và quyền của các quốc gia nhỏ không bị ngăn cản, nơi chúng ta cùng chung hưởng và chia sẻ lợi ích tự nhiên, đất đai, nguồn nước hay bầu không khí được bảo vệ.
Nơi này những bất đồng được giải quyết bằng đối thoại phù hợp với các quy tắc đã thống nhất và các tổ chức đã được thừa nhận.
Đây là một thế giới mà cá lớn không ăn cá nhỏ, không đe dọa cá nhỏ....
Cùng nhau, chúng ta đã thành công trong việc tạo ra sự phát triển nhanh nhất, năng động nhất của thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ tham gia hàng ngũ những nền kinh tế lớn với sức mạnh và ảnh hưởng chiến lược được các nhà lãnh đạo và dân chúng hai nước này xem như "sự trở lại trật tự tự nhiên".
Nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục là chủ đề của những tranh luận gay gắt nhất.
Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong định hình khu vực. Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng ảnh hưởng chiến lược để phù hợp với sức mạnh kinh tế mới cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng chúng tôi muốn thấy một Trung Quốc xây dựng vai trò lãnh đạo theo cách củng cố trật tự khu vực đã giúp chúng ta chung sống rất tốt...
Trung Quốc đã thu hoạch được nhiều nhất từ môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực chúng ta. Do đó họ cũng sẽ là nước mất nhiều nhất nếu hòa bình và ổn định khu vực bị đe dọa.
Sự phát triển nhanh chóng của một cường quốc mới, cho dù là Athens cổ đại hay Trung Quốc đương đại, đều tạo ra sự lo lắng.
Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra sự cần thiết phải thay thế mối lo ngại bằng lòng tin, và do đó tránh bị rơi vào cái bẫy Thucydides mà phía sau nó là xung đột.
Một Trung Quốc cưỡng chế sẽ nhìn thấy các nước láng giềng phản đối họ vì các đòi hỏi nhượng bộ về quyền tự chủ và không gian chiến lược.
Các nước này sẽ cân bằng với sức mạnh của Bắc Kinh bằng cách củng cố liên minh và hợp tác đặc biệt giữa họ với Hoa Kỳ.
Cũng giống như nước Trung Quốc hiện đại được thành lập năm 1949 trên cơ sở khẳng định chủ quyền quốc gia, trong thế kỷ 21 Trung Quốc sẽ thành công hơn nhiều bằng cách tôn trọng chủ quyền các nước khác.".
Chọn Mỹ hay Trung Quốc đều sai
Ông Malcolm Turnbull cho rằng:
"Một số nhà bình luận nói Úc phải chọn hoặc là Bắc Kinh, hoặc là Washington. Đây là một nhận thức hoàn toàn sai.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã dung hòa và cân bằng rất tốt trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, ảnh: The Business Times.
Chúng tôi có một người bạn tốt, một đối tác tốt là Bắc Kinh, trong khi có một người bạn kiên định và đồng minh là Washington.
Không có gì trở ngại với chúng tôi khi giao dịch với cả hai quốc gia này.
Hợp tác với nước này không làm hạn chế giao dịch của chúng tôi với nước kia. Chính sách đối ngoại của Úc được xác định bởi và chỉ bởi lợi ích quốc gia của Úc.
Chúng ta biết rằng, an ninh và thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào sự ổn định và hòa bình liên tục trong khu vực, một điều chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia phát triển theo con đường họ chọn mà không cưỡng ép hoặc can thiệp vào quốc gia khác.
Tôi thừa nhận chi phí đáng kể của các cam kết Mỹ bảo đảm ổn định trong khu vực. Chúng tôi hiểu yêu cầu của Tổng thống Donald Trump rằng, ai hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh của Mỹ thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính.". [2]
Bài phát biểu đề dẫn Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay của Thủ tướng Australia khá dài, người viết xin khái lược vài nét ra đây để cung cấp cho quý bạn đọc thông tin liên quan khi đọc bài báo của Reuters.
Cá nhân người viết cho rằng, những gì Thủ tướng Malcolm đã nói rất có ý nghĩa.
Đặc biệt là tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu với sự ví von: cách "tép riu" hay cá nhỏ làm cho mình trở nên "khó nuốt" với cá lớn là phải tự chủ và mạnh mẽ, đồng thời chơi được với tất cả cá lớn và cá nhỏ.
Tầm nhìn này của Lý Quang Diệu không chỉ mang lại sự hòa bình và thịnh vượng, vị thế cho Singapore suốt mấy chục năm qua, mà còn giúp quốc đảo sư tử tiếp tục đứng vững, phát triển trước những biến động quá nhanh của thời cuộc, nhất là các tranh giành giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ.
Người viết cho rằng, không chỉ Singapore, các quốc gia khác trong khu vực, ngay cả Australia là một đồng minh của Mỹ, cũng đang đứng trước sự tranh giành ảnh hưởng, lôi kéo rất lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng họ không chọn bên.
Cái Singapore và Australia lựa chọn là luật pháp và trật tự quốc tế đã mang lại hòa bình, phát triển, phồn vinh cho họ và cả khu vực mấy chục năm qua.
Tất nhiên, dù phát biểu của Thủ tướng Malcolm Turnbull có hay đến mấy, cũng không dễ lay chuyển tham vọng của ai đó muốn biến Biển Đông thành ao nhà.
Do đó một mặt các nhà lãnh đạo khu vực cần tận dụng mọi diễn đàn để kêu gọi, giải thích và bảo vệ luật pháp cũng như trật tự quốc tế.
Mặt khác, cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong khu vực một cách chủ động. Rõ ràng đó rất nên là một sự lựa chọn.
Đó chính là trách nhiệm với tương lai vận mệnh của chính mình, đặt trong mối quan tâm chung về bảo vệ hòa bình ổn định của cả khu vực.
Vậy nên những hoạt động hợp tác, chia sẻ về an ninh khu vực giữa các quốc gia mà Reuters đề cập trong bản tin trên đây là điều hết sức bình thường.
Mặt trời vẫn mọc vào buổi sáng. Cũng như vậy, hợp tác và cạnh tranh luôn là hai mặt của một vấn đề, dung hòa được thì tất cả các bên đều thắng.
Có hay không một / một vài liên minh khu vực ở châu Á để đối phó với Trung Quốc, ông Malcolm Turnbull đã trả lời rất rõ ràng.
Các nước, nhất là các nước nhỏ cần đoàn kết bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế cũng đã được Thủ tướng Úc giải thích một cách cặn kẽ, thuyết phục.
Có lẽ đó mới là lý do Bắc Kinh không thể phàn nàn, chứ không phải vì "không công khai".
Tài liệu tham khảo:
[1]http://ca.reuters.com/article/topNews/idCAKBN18V0LZ-OCATP?sp=true
Hồng Thủy
Theo Giáo dục Việt Nam