Tuyên bố chung kế thừa tất cả các yếu tố của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ được thiết lập dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ngoài ra, nó còn tiến xa.
Năm sắc thái của chiến lược 'Vùng không phân định trắng đen' của Trung Quốc
- Cập nhật : 07/06/2017
Theo thời gian, chiến thuật “vùng không phân định trắng đen” đã đi theo hướng “bớt trắng thêm đen”, mang tính cưỡng ép hơn sau khi Bắc Kinh công bố “đường 9 đoạn” vào năm 2009. “Ngoại giao nụ cười” mang nhiều yếu tố “trắng” được thay thế bằng “ngoại giao cây gậy nhỏ”.
Washington cần cảnh giác trước một Bắc Kinh đang có những bước đi ngày càng lớn hướng tới chiến lược ngoại giao “cây gậy nhỏ”.
Việc ngăn chặn sự gây hấn trong “vùng không phân định trắng đen” là rất khó khăn. Những người giữ gìn một trật tự hiện tại – một trật tự như tự do hàng hải chẳng hạn – thấy mình rơi vào tình trạng mâu thuẫn. Đó là vì trong “vùng không phân định trắng đen”, những bên gây hấn cố ý không phá vỡ ngưỡng giữa hòa bình không yên ổn và xung đột vũ trang, để biện minh cho một phản ứng quân sự. Thay vào đó, họ phá hủy nguyên trạng từng chút một và thay thế nó bằng một tình trạng mới.
Các cuộc tấn công từng phần buộc những người bảo vệ nguyên trạng phải xem xét các lựa chọn không hấp dẫn. Họ có thể hành động trước và chịu trách nhiệm về sự bùng nổ của chiến tranh, về việc chấp nhận những rủi ro quá mức, về việc khiêu khích cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, hoặc về việc gây bất ổn cho hòa bình. Hoặc, không sẵn sàng gánh chịu những phí tổn đó, họ đành chấp nhận không hành động hoặc có các biện pháp nửa vời. Bị xui khiến phải thoái thác các quyết định khó khăn, các chính trị gia có thể lan man và từ bỏ thế chủ động. Hoặc họ có thể leo thang và chứng kiến nước mình bị gắn mác “kẻ bắt nạt”.
Một lựa chọn không thể chấp nhận được. Các chiến lược “vùng không phân định trắng đen” được thiết kế chính xác nhằm áp đặt những tình huống tiến thoái lưỡng nan như vậy lên những người giữ gìn trật tự hiện tại.
Cách tiếp cận từng bước này khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện của Thomas Schelling quá cố về đứa con bất trị làm nhụt dần ý chí của cha mẹ bên bờ biển. Schelling xác nhận: “Bảo một đứa trẻ không được xuống biển, và nó sẽ ngồi bên bờ, nhúng chân vào nước; nó vẫn chưa ‘xuống’ biển. Chấp thuận điều đó, và nó sẽ đứng dậy, nhưng vẫn chỉ nhúng chân xuống nước như cũ. Suy nghĩ một chút, và nó sẽ bắt đầu lội nước, không xuống sâu hơn; dành vài phút để nghĩ xem liệu điều này có khác biệt gì không và nó sẽ xuống sâu hơn chút nữa, lập luận rằng vì nó đi lên rồi lại đi xuống nên như vậy sẽ bù trừ cho nhau. Chẳng mấy chốc ta phải gọi nhắc nó không được bơi xa quá, và tự hỏi kỷ luật của ta đã biến đâu mất rồi”.
Tương tự, trong vài thập kỷ gần đây, Bắc Kinh đã nghĩ ra một loạt mưu mẹo để gây bối rối cho những người phản đối tuyên bố của họ về chủ quyền đối với các đảo, vùng biển và vùng trời. Trung Quốc bắt đầu bằng các chiến thuật “vùng không phân định trắng đen” phần lớn là vô thưởng vô phạt, “trắng nhiều đen ít” cách đây 25 năm, nhưng qua thời gian họ đã “bớt trắng thêm đen” một cách cưỡng ép khi những tham vọng và quyền lực của họ gia tăng.
Thứ nhất, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã đưa thành pháp luật trong nước tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ ngoài khơi vào năm 1992, tuyên bố rằng Trung Quốc nắm quyền tài phán đối với các cấu trúc địa hình bị tranh chấp ở Biển Đông cùng với vùng biển xung quanh. Các chính phủ và phương tiện báo chí phương Tây coi diễn biến này gần như không đáng đưa lên mặt báo, phần lớn vì Bắc Kinh gần như không có nỗ lực nào để thực thi luật này. Tuy nhiên, dù có tác động nhẹ, Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp này đã tạo nên một tuyên bố khoa trương về ý định đối với các vùng biển lân cận của Trung Quốc.
Sắc lệnh hầu như đã bị lãng quên này đã mở đường cho sự khẳng định hơn nữa thẩm quyền pháp lý đồng thời biện hộ cho các chiến lược “vùng không phân định trắng đen” mang tính phô trương sức mạnh hơn. Chẳng hạn, năm 2009, ban lãnh đạo CCP đã đưa ra một bản đồ Biển Đông trước Liên hợp quốc, trên đó vẽ một “đường 9 đoạn” phác họa tuyên bố về chủ quyền “không thể tranh cãi” hoặc “không thể bác bỏ” của họ đối với khoảng 80%-90% vùng biển này. Sau đó họ đã bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 bác bỏ yêu sách của họ trong vụ kiện giành chủ quyền. Dường như Bắc Kinh gần như không có lòng trung thành với các cam kết mà họ đã tùy tiện hứa hẹn – chẳng hạn như cam kết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển – khi hoạt động trong “vùng không phân định trắng đen”.
Trung Quốc cũng đưa các yêu sách của mình lên vùng trời. Năm 2013, ban lãnh đạo nước này đã ra tuyên bố về một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao hàm các đảo do Nhật Bản và Hàn Quốc quản lý. Họ đã khẳng định quyền điều tiết giao thông hàng không di chuyển lên và xuống vùng ven biển châu Á, song song với bờ biển, thay vì giao thông đi đến Trung Quốc. Việc kiểm soát không gian – chứ không phải bảo vệ Trung Quốc trước các máy bay đến nước này – đã thể hiện mục tiêu thực sự của họ. Nhưng ngay cả ở đây, Bắc Kinh cũng chỉ tìm cách thực thi vùng phòng không của mình một cách miễn cưỡng - gần đây nhất là bằng cách thách thức một máy bay ném bom của Không quân Mỹ bay tới Hàn Quốc. Chiến lược trên không của họ vẫn “trắng ít đen nhiều”, dù không phải trên bình diện nguyên tắc thì cũng trên bình diện thực hiện.
Thứ hai, “ngoại giao nụ cười” của Trung Quốc mang nhiều yếu tố “trắng” nhất trong những việc liều lĩnh “trắng nhiều đen ít”. Bắt đầu vào những năm đầu thập niên 2000, Bắc Kinh đã thiết kế một câu chuyện ngoại giao được rút ra từ sức thu hút của nhà hàng hải thời cổ đại Trịnh Hòa. Đô đốc triều đại nhà Minh này đã chỉ huy một loạt “chuyến đi tìm báu vật” cách đây 6 thế kỷ, khôi phục hệ thống cống nạp của Trung Quốc ở Nam Á và Đông Nam Á mà không cần đến các cuộc chinh phạt lãnh thổ. Giới quan chức thời hiện đại cố gắng hết sức để trấn an những người châu Á khác rằng Trung Quốc sẽ đi theo mô hình của Trịnh Hòa. Họ sẽ biến mình thành một cường quốc biển đầy uy lực nhưng vẫn rộng lượng. Người ta có thể tin tưởng họ không lạm dụng các nước láng giềng yếu hơn.
Tóm lại, ngoại giao nụ cười đã tạo thành một nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc duy nhất đáng tin cậy – và dập tắt tiếng nói chống lại sự trỗi dậy trên biển của họ. Tới cuối những năm 2000, khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, các cử tọa khu vực nhìn chung đều dễ dàng tiếp nhận thông điệp êm dịu này.
Thứ ba, các chiến thuật “vùng không phân định trắng đen” đã đi theo hướng “bớt trắng thêm đen”, mang tính cưỡng ép hơn sau khi Bắc Kinh công bố “đường 9 đoạn” vào năm 2009. Trịnh Hòa đã ngay lập tức bị vứt bỏ để nhường chỗ cho cái mà các tác giả gọi là “ngoại giao cây gậy nhỏ”. Điều đó có nghĩa là thay vì giơ “cây gậy lớn” là sức mạnh hải quân, các nhà lãnh đạo CCP đã chuẩn bị “cây gậy nhỏ” là việc thực thi luật biển cùng lực lượng dân quân được đưa lên các tàu đánh cá. Ngoại giao “cây gậy nhỏ” thể hiện một chiến lược “vùng không phân định trắng đen” điêu luyện. “Gậy nhỏ” đủ lớn để thị uy trước các nước láng giềng châu Á, các nước mà hải quân của họ chỉ được coi là lực lượng bảo vệ bờ biển, nhưng quá nhỏ để thúc đẩy Mỹ đưa hải quân tới bảo vệ các đồng minh và các nước bè bạn.
Việc liên tục quấy rầy các nước duyên hải ở châu Á thể hiện hình ảnh các lực lượng hải cảnh và thực thi pháp luật biển của Trung Quốc chỉ đang giám sát những vùng biển mà họ coi là thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa. Đó là một nỗ lực nhằm dẹp yên những người mà họ tự coi là xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Tóm lại, ngoại giao “cây gậy nhỏ” tạo thành một chiến lược “vùng không phân định rõ trắng đen” đối đầu với Hải quân Mỹ nhưng mang sắc thái tối hơn, mang tính cưỡng ép buộc hơn đối với các nước khẳng định chủ quyền khác ở châu Á. Và kiểu nhị nguyên luận đó hoàn toàn thích hợp với Bắc Kinh.
Thứ tư, Trung Quốc đã cố gắng thực hiện một phiên bản khác của ngoại giao “cây gậy nhỏ” ở biển Hoa Đông nhưng nhận thấy môi trường ở đây kém thoải mái hơn nhiều. Từ khoảng năm 2010, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Mục đích của họ là thách thức sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với các đảo và vùng biển tiếp giáp. Về phần mình, Tokyo đã bố trí một sự hiện diện thường trực của lực lượng bảo vệ bờ biển ở vùng lãnh hải của quần đảo này, củng cố thêm cho sự kiểm soát của họ. Kết quả là một hình thức quản lý chung Trung-Nhật lạ lùng ở vùng biển quanh những hòn đảo nhỏ này. Hai bên kiểm soát những gì họ coi là của họ.
Trong khi Chính quyền Obama và Chính quyền Trump đã tái khẳng định rằng Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật được áp dụng cho quần đảo Senkaku, buộc Washington phải giúp bảo vệ họ trước các cuộc tấn công, chiến lược biển Hoa Đông của Trung Quốc cũng thể hiện cùng một kiểu nhị nguyên luận như ở Biển Đông. Nó mang tính cưỡng ép đối với Nhật Bản, nhưng chưa đến mức kích động các biện pháp đối phó của Mỹ. Chiến thuật này đủ để thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, nhưng không đủ để bắt đầu các chu kỳ hành động-phản ứng mang tính leo thang với Nhật Bản. Và nó vẫn tận dụng được những nỗi bất an của Tokyo về cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ của Nhật Bản, mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng đòn bẩy đối với liên minh này. Rất có khả năng tình hình này sẽ kéo dài chừng nào Bắc Kinh kiềm chế không cố gắng giành giật những đảo nhỏ này với Nhật Bản – tức là chừng nào Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “không phân định trắng đen”.
Và thứ năm, các thủ lĩnh của CCP đã phát hiện ra rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo – hay củng cố các đảo sẵn có – tạo thành một chiến lược “vùng không phân định trắng đen” hiệu quả. Qua các năm, việc xây dựng đảo của họ đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, năm 1994, Trung Quốc đã chiếm đá Vành Khăn. Ngay sau đó, họ đã bắt đầu xây dựng các công trình, biến nó thành một tiền đồn quân sự vào năm 1998, và mở rộng nó đủ để bố trí một đường băng và các vũ khí phòng thủ vào năm 2016.
Nếu sự thay đổi dần dần phù hợp với các mục đích của họ ở đá Vành Khăn, thì Trung Quốc còn thể hiện sự kiên nhẫn hơn nữa ở bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 đã đánh dấu sự chuyển tiếp cuối cùng từ “ngoại giao nụ cười” sang “ngoại giao cây gậy nhỏ”. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đã đuổi các thủy thủ Philippines khỏi ngư trường truyền thống này, áp đặt quyền kiểm soát đối với quyền tiếp cận bãi cạn. Tuy nhiên, các kỹ sư vẫn chưa bắt đầu cải tạo đáy biển xung quanh đó để dựng nên một đồn vũ trang nữa.
Tại sao lại có sự kiềm chế như vậy? Địa lý có thể đã ngăn cản Bắc Kinh hành động. Không giống như các cấu trúc địa hình bị tranh chấp khác, bãi cạn Scarborough nằm chênh vênh gần đảo Luzon, đảo chính của Philippines. Ban lãnh đạo của Trung Quốc có thể lo sợ lôi kéo quân đội Mỹ, vốn có nghĩa vụ bảo vệ Philippines theo một hiệp ước phòng thủ chung lâu đời, nếu họ xây dựng một tiền đồn vững chắc gần với một đồng minh của Mỹ như vậy. Chính trị cũng là một yếu tố tác động. Hơn nữa, tổng thống Philippines đắc cử năm 2016 Rodrigo Duterte đã báo hiệu việc ông sẵn sàng nới lỏng liên minh với Mỹ trong khi lấy lòng Trung Quốc. Trong trường hợp đó, các nhà lãnh đạo CCP có thể coi việc kiềm chế các hành động khiêu khích là khôn ngoan. Tại sao lại khiến cho một đồng minh tương lai xa lánh?
Và cuối cùng, Trung Quốc đã hành động với quy mô lớn và tốc độ nhanh ở những nơi khác trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bắt đầu từ năm 2013, các kỹ sư dân dụng đã xây phần nền đảo từ đá và các đảo san hô rải rác trên Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không “quân sự hóa” các đảo nhân tạo, đóng băng mọi phản ứng nghiêm túc từ phía Chính quyền Obama, chỉ để tiến hành xây dựng các sân bay và hạ tầng khác. Kết quả là việc đã rồi.
Việc ngăn chặn kẻ gây hấn chiếm đất là một chuyện, đuổi một kẻ gây hấn khỏi vùng đất mà họ đã chiếm lại là chuyện khác. Các chiến thuật xây dựng đảo theo cả 3 kiểu đã giúp Trung Quốc sở hữu được lãnh thổ - và khó mà tưởng tượng được những sự gặt hái ấy có thể được đảo ngược như thế nào nếu không viện tới chiến tranh công khai. Về bản chất, Bắc Kinh đã buộc khu vực và Mỹ phải sống với một thực tế chiến lược mới và hầu như không thể đảo ngược được.
Hệ thống các loại hình chiến thuật “vùng không phân định trắng đen” này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia trong các tranh chấp trên biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng các yếu tố pháp lý, ngoại giao, hàng hải và vật chất trong nghệ thuật quản lý nhà nước để làm suy yếu dần trật tự quốc tế tự do mà Mỹ dẫn đầu. Ngay cả sự tinh thông về xây dựng của họ, vốn đã được dùi mài trong nhiều thập kỷ xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, cũng đã được phô trương một cách đáng kinh ngạc ở giữa Biển Đông, đóng góp vào thành công chiến lược.
Do vậy, đối với những người giữ gìn trật tự hiện có, chỉ suy nghĩ về các khía cạnh biển trong chiến lược là không đủ. Để cản trở những mưu mẹo “vùng không phân định trắng đen” của Trung Quốc, Washington và các đồng minh cần phải học hỏi Bắc Kinh và theo một lập trường tổng thể, mang tính chiến lược lớn, qua đó đặt áp lực chống trả đầy kiên nhẫn và thận trọng lên nhiều mặt trận cùng một lúc. Tóm lại, những người bảo vệ nguyên trạng phải tư duy bằng những sắc thái của màu xám và làm quen với việc hành động ở ranh giới mập mờ giữa hòa bình và chiến tranh. Nếu không làm được điều này, họ sẽ nhường thế chủ động cho Trung Quốc – và cùng với đó là sự định hình tương lai của trật tự khu vực.
Thomas Schelling sẽ gật đầu một cách đầy thấu hiểu trước những thách thức đặt ra cho Washington và các đối tác của họ. Không giống như những bậc cha mẹ nhu nhược trong câu chuyện của ông, chúng ta cần tập hợp được sự kỷ luật mang tính chiến lược.
James Holmes là Giáo sư Chiến lược tại Học viện Hải chiến Mỹ, đồng tác giả cuốn Red Star over the Pacific. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Toshi Yoshihara là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Đánh giá Ngân sách, ông cũng là đồng tác giả cuốn Red Star over the Pacific. Bài viết được đăng trên The National Interest.
Trần Quang (gt)
Nguồn: Nghiencuubiendong.vn