Tranh chấp Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang gây ra cuộc khủng hoảng giữa hai nước, song tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mới chính là cái được mất có tính chiến lược sống còn đối với Trung Quốc.
Chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á: “Hiện đại hoá” niềm tin bằng thuốc súng?
- Cập nhật : 12/10/2016
Nhiều thập kỷ trước, chi tiêu mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á rất ít. Thập kỷ vừa qua, chi tiêu ấy bùng nổ, tăng đến 42% từ năm 2002 đến 2011, theo viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm.
Trong các thành viên ASEAN, Việt Nam có thể là nước nổi trội về đội tàu ngầm nay mai. Singapore trở thành đại gia vũ khí. Indonesia, Thái Lan và Campuchia là những nước dẫn đầu trong việc tăng ngân sách quốc phòng. Vì đâu có tình trạng này?
Lính không quân Ấn Độ diễu hành ngang một máy bay vận tải C130J Super Hercules nhân 80 năm ngày không quân nước này. Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ năm 2011 là 46 tỉ USD. Ảnh: Livefist |
Một số nhà phân tích cho rằng đây không phải là một cuộc chạy đua vũ trang vì có điều gì đó bất thường trong khu vực. Chẳng qua là do những cuộc tranh cãi kéo dài giữa các nước láng giềng và mong ước của các nước này được hiện đại hóa quốc phòng một khi nguồn lực tài chính cho phép. Nhưng cựu tổng thống Philippines Fidel V. Ramos thì nghĩ khác khi ông đưa ra nhận xét: “Chính việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đã buộc các nước láng giềng phải gia tăng chi phí quốc phòng”. Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á Ian Storey lại dự báo: những động thái mới này không mang tính chiến lược ổn định.
Đông Nam Á vẫn còn ít hơn châu Á
Tại diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Quốc tế ở thủ đô Jakarta mới đây, tổng thống Indonesia Yudhoyono khẳng định: “Việc tăng chi phí quốc phòng này cần được xem là một tiến trình hiện đại hóa quân sự chứ không phải một cuộc chạy đua quân sự”. Tuy nhiên, ông bổ sung thêm một câu “với điều kiện kèm theo sự tín nhiệm và lòng tin giữa các nước”. Con số 24,5 tỉ USD của các nước Đông Nam Á vẫn chưa phải là cao nếu so với một số nước châu Á khác. Chi phí quân sự năm 2011 của Hàn Quốc là 31 tỉ USD, của Ấn Độ là 46 tỉ USD, của Nhật Bản là 59 tỉ USD và của Trung Quốc là 143 tỉ USD.
Quốc hội Mỹ hàng năm được báo cáo từ bộ Quốc phòng nước này về trọng tâm hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Một trong những báo cáo đó mang tên “Trung Quốc hiện đại hóa hải quân: Gợi ý cho khả năng của hải quân Mỹ”. Theo đó, Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh đang hiện đại hóa dựa trên chiến lược chống tiếp cận nhằm đẩy lùi sự hiện diện của hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Chiến lược này nhằm đảm bảo khả năng thắng lợi cho Trung Quốc đại lục trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan.
Theo báo cáo của Lầu năm góc, chương trình hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc còn hướng đến các mục tiêu: tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông, thay thế ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò cường quốc của Trung Quốc… Kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh đang dần đặt trọng tâm vào các lớp tàu mới để thay thế những thế hệ cũ. Vì thế, số lượng của từng loại chiến hạm có thể không tăng thêm trong tương lai nhưng chúng được thay thế bằng các lớp tối tân hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặc biệt chú trọng tăng cường cả số lượng lẫn phát triển tàu ngầm thế hệ mới. Bên cạnh đó, sở hữu tàu sân bay được đóng mới hoàn toàn cũng là mục tiêu đến năm 2020 của Trung Quốc.
Như vậy, đối tượng chính của Trung Quốc ở Tây/Đông Thái Bình Dương, nói chung và Biển Đông, Hoa Đông nói riêng, chủ yếu là Hoa Kỳ. Trước đây, Trung Quốc đã cố tình thách thức, nếu không nói là gây hấn, để mong Mỹ, trong lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở Irắc và Afghanistan, phải có thái độ nhũn nhặn với Trung Quốc nếu không nói là có thể nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc không những trong khu vực Tây Thái Bình Dương hay Biển Đông mà còn trong các lãnh vực kinh tế tài chính. Nếu làm được việc này thì không những Trung Quốc hù dọa các nước nhỏ khác trong khu vực mà còn lấy điểm với dân chúng họ bằng cách dấy lên chủ nghĩa dân tộc sô-vanh.
Trong nhiều thập kỷ, phần lớn Đông Nam Á chi rất ít cho hoạt động mua sắm vũ khí và các nước này hầu như chỉ trang bị súng và xe tăng nhỏ. Nguyên nhân là do, hầu hết các mối đe dọa đều ở trong nước và cái ô bảo hộ của Mỹ được cho là đủ để bảo vệ họ khỏi bất kỳ một cuộc tấn công tiềm năng nào từ nước ngoài. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc ngày càng mạnh về quân sự với nhiều hoạt động đầu tư trang bị vũ khí, các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu tham gia vào “cuộc chạy đua mini” này. Danh sách mua hàng của các nước này giờ đây tập trung vào những vũ khí hiện đại, tinh vi. Hầu hết các nước trong khu vực là quốc gia duyên hải, vì vậy, họ tập trung cho hoạt động phòng không và phòng vệ trên biển.
Thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc
Như vậy rõ ràng những vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các nước Đông Nam Á nỗ lực thu hẹp khoảng cách về sức mạnh hải quân với Trung Quốc. Lo ngại về Trung Quốc cộng thêm với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, các nước Đông Nam Á đang mạnh tay mua sắm vũ khí hạng nặng để bảo vệ những tuyến đường biển, cầu cảng cũng như các đường biên giới biển quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu và cung cấp nhiên liệu. Indonesia đang mua một loạt tàu ngầm từ Hàn Quốc và nhập khẩu các hệ thống radar bờ biển từ Trung Quốc, Mỹ. Trong khi đó, Singapore đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới với rất nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí tinh vi.
Thậm chí, cả những nước không có tranh chấp ở Biển Đông như Indonesia, Thái Lan và Singapore vẫn tăng cường trang bị vũ khí. Lý do bởi vì đối với những nước này, an ninh hàng hải là một điều hết sức quan trọng. Biên tập viên mảng châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí Quốc phòng IHS Jane's James Hardy nhận định: “Sự phát triển kinh tế đang giúp các nước Đông Nam Á có thêm động lực và khả năng để đầu tư vào quốc phòng nhằm bảo vệ các hoạt động đầu tư của họ, những tuyến đường biển và các vùng đặc quyền kinh tế. Xu hướng lớn nhất hiện giờ là đầu tư vào các hoạt động do thám và tuần tra hàng hải”.
Khi nền kinh tế Đông Nam Á bùng nổ, chi tiêu dành cho quốc phòng đã tăng 42% từ năm 2002 đến năm 2011. Đây là con số thống kê do viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cung cấp. Những vũ khí được các nước mua sắm nhiều nhất là tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu cùng với tàu ngầm và tên lửa chống hạm. Đây là những loại vũ khí đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ các tuyến đường biển. Giám đốc điều hành viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Tim Huxley cho hay: “Tàu ngầm là thứ vũ khí đáng nể. Chúng có thể gây tổn thất lớn mà không bị nhìn thấy hoặc phát hiện từ trước. Chúng có thể làm như vậy ở bất kỳ nơi đâu trong khu vực”.
Với việc ngân sách của nhiều nước phương Tây đang gặp khó khăn, châu Á đang trở thành thị trường béo bở cho các tập đoàn sản xuất vũ khí. Cả Lockheed Martin và Boeing đều mong đợi, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp 40% cho doanh thu xuất khẩu vũ khí của họ. "Môi trường hàng hải ở Thái Bình Dương đang được sự quan tâm của tất cả mọi người”, ông Jeff Kohler – một phó chủ tịch của tập đoàn Boeing Defence, đã phát biểu như vậy tại triển lãm Hàng không Singapore hồi đầu năm nay.
Philippines là nước nước dựa 90% vào Mỹ trong vấn đề vũ khí, đang có kế hoạch bỏ ra 1,8 tỉ USD để nâng cấp vũ khí cho mình trong vòng 5 năm tới. Mục đích của Manila là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông. Thái Lan với lực lượng quân đội từng thực hiện 18 cuộc đảo chính thành công và thất bại từ năm 1932 đến giờ đang đóng tàu tuần tra do tập đoàn BAE Systems của Anh thiết kế. Trong 5 năm tới, Thái Lan có kế hoạch hiện đại hóa một tàu khu trục và mua một tàu khu trục mới. Singapore nhập khẩu vũ khí từ Mỹ, Pháp và Đức nhưng cũng tự phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng riêng của nước này. Tập đoàn sản xuất vũ khí ST Engineering hiện tại không chỉ cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Singapore mà còn cho nhiều khách hàng nước ngoài khác.
Nguyễn Thiều Quang
Theo SGTT