Giới chuyên gia nhận định, tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc được nâng lên 800 km có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới tại Đông Bắc Á.
Những toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông
- Cập nhật : 12/10/2016
Tranh chấp Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang gây ra cuộc khủng hoảng giữa hai nước, song tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mới chính là cái được mất có tính chiến lược sống còn đối với Trung Quốc.
Ngày 14/9/2012, chỉ cần 6 tàu thuộc Bộ Lãnh thổ và Tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc tiến đến cách quần đảo không có người ở Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku, có 22 km là đủ để gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước. Như tướng Pháp Jean-Bernard Pinatel thì nguyên nhân dẫn đến tình hình này là việc Trung Quốc muốn bành trướng lãnh thổ biển để từ đó mở đường ra Thái Bình Dương, kiểm soát được tốt hơn mọi tuyến đường hàng hải huyết mạch đi qua đây và khai thác nguồn tài nguyên phong phú ở đáy biển trong vùng.
Quần đảo này không có người ở, nhưng dưới đáy biển trong vùng có thể có nhiều dầu mỏ và khí đốt. Các hòn đảo này nằm cách bờ Biển Đông-Nam của Trung Quốc và vùng Tây-Nam đảo Okinawa của Nhật Bản đều vào khoảng 400 km và cách vùng Tây-Bắc Đài Loan, hòn đảo cũng đòi chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku, khoảng 200 km. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, theo tướng Jean-Bernard Pinatel, chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề địa chính trị và tình báo kinh tế, xảy ra thường xuyên và nảy sinh từ việc Trung Quốc có nhãn quan bành trướng, nếu không muốn nói là đế quốc, đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Tranh chấp liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku diễn ra giữa hai cường quốc trong vùng, song tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mới chính là cái được mất có tính chiến lược sống còn đối với Trung Quốc.
Trên thực tế, tranh chấp lãnh thổ liên quan đến các quần đảo và đảo nằm trong Biển Đông mà Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây đòi chủ quyền toàn bộ hay một phần. Đó là các quần đảo Spratly (Trường Sa), Paracel (Hoàng Sa), Pratas, bãi đá ngầm Scarborough và bãi cạn Macclesfield. Nhưng tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa mới chứa đựng nhiều nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và các nước láng giềng do lợi ích về kinh tế và chiến lược đối với Trung Quốc cũng như do quần đảo này, về địa lý, nằm cách quá xa bờ biển nước này. Trong khi đó, quần đảo Trường Sa ở gần Philíppin, Inđônêxia, Brunây và Việt Nam hơn từ 5 đến 10 lần, từ đó khiến những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc trở nên không thể chấp nhận được đối với các nước láng giềng.
Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có tổng diện tích không quá 15 km². Cho đến một thời gian gần đây, tất cả đều không có người ở vì ở đây không có nước ngọt. Như vậy, theo luật hàng hải quốc tế, các đảo này chỉ được coi là bãi đá ngầm chứ không phải là đảo và, với danh nghĩa đó, những yêu sách chủ quyền đối với phần nổi của các hòn đảo này không thể được áp dụng đối với vùng lãnh hải. Theo giới hạn 200 hải lý, phần Tây quần đảo thuộc EEZ của Việt Nam, vùng Nam thuộc EEZ của Malaixia và Brunây, vùng Đông thuộc EEZ của Philíppin và vùng Bắc nằm ngoài các vùng đặc quyền kinh tế này. Thế nhưng, nước nào trong số các nước nằm ở ven biển Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo và các vùng nước lân cận, đồng thời từ chối mọi kế hoạch phân chia.
Năm 1974, chính Trung Quốc là nước quyết định thay đổi tình hình đó theo hướng có lợi cho mình bằng hành động quân sự phục vụ chính sách chiếm đoạt một cách có hệ thống các quần đảo này. Lợi dụng việc Việt Nam bị chia cắt và miền Nam Việt Nam , vốn được Hiệp định hòa bình Paris cho quản lý quần đảo Hoàng Sa, yếu thế nên Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo này: chiến sự làm cho 71 người thiệt mạng.
Năm 1975, Việt Nam tái thống nhất, và phản ứng lại, vào tháng Tư cùng năm đó, Hà Nội chiếm một số trong tổng số 37 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sau đó, mỗi nước ven biển này đều bất ngờ chiếm các đảo hay bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1978, đến lượt Philíppin chiếm 7 hòn đảo ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, sau đó chiếm thêm hòn đảo thứ tám có tên gọi Commodore Reef, nhưng bị Malaixia đòi chủ quyền. Về phần mình, nước này năm 1983 chiếm 3 hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Swallow Reef, cách đảo An Bang do Việt Nam kiểm soát 60 km, nhưng bị Manila và Cuala Lămpơ đòi chủ quyền. Trong chiến tranh Thế giới thứ Hai, Itu Aba (Ba Bình), hòn đảo lớn nhất và duy nhất trong quần đảo này có nước ngọt, bị Nhật Bản chiếm và biến thành một căn cứ tàu ngầm. Nhưng từ năm 1956 đến nay đảo nay do Đài Loan kiểm soát. Một sân bay đã được xây dựng ở đây vào năm 2007.
Từ năm 1978 đến năm 1988, Hà Nội chiếm thêm khoảng 15 hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện nay, Việt Nam kiểm soát 21 đảo, trong đó có đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Chỉ từ năm 1987 Trung Quốc mới bắt đầu thực sự quan tâm đến quần đảo Trường Sa và đưa người đến đây. Trung Quốc chiếm 7 đảo, chủ yếu nằm ở phía Tây và phía Tây-Nam quần đảo này.
Năm 1988, một vụ đụng độ nghiêm trọng nổ ra giữa Hải quân Việt Nam và Trung Quốc làm 70 người chết và khiến Việt Nam mất ba tàu, còn Trung Quốc củng cố vững chắc thêm vị thế ở đây.
Tháng 2/1992, Quốc hội Trung Quốc thông qua một đạo luật về lãnh hải chính thức khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức, Trung Quốc đánh đuổi Việt Nam khỏi bãi đá Én Đất, từ đó nâng lên thành 9 số đảo mà Trung Quốc kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng năm đó, Brunây đòi chủ quyền đối với vùng biển xung quanh bãi đá ngầm Louisa, cũng nằm trong quần đảo Trường Sa.
Như vậy, tình hình là đặc biệt phức tạp và căng thẳng. Ít nhất có năm nước có quân đội đóng ở quần đảo này : Việt Nam có khoảng 1.500 người, Trung Quốc 450, Malaixia khoảng 100, Brunây khoảng 20 và Philíppin khoảng 100. Tất cả đều phải nhận đồ tiếp tế từ đất liền. Rốt cuộc, về tiến trình lịch sử này, quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc, còn quần đảo Trường Sa nằm trong tay các nước ven biển Biển Đông khác nhau.
Theo luật pháp quốc tế, nước nào sở hữu một vùng lãnh thổ ven biển phải chứng minh được quyền của mình đối với một vùng nhất định thuộc lãnh hải và EEZ. Trung Quốc có 18.000 km đường biên giới biển và 2.285.872 km² diện tích EEZ đáp ứng tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Nước này đứng thứ 20 thế giới nếu chỉ dựa vào đánh giá trên. Nếu chiếm thêm được 1.591.147 km² EEZ của Đài Loan (1.149.189 km²) và quần đảo Trường Sa (439.820 km²), nước này sẽ vươn lên thứ 10 thế giới với 3.877.019 km². Như vậy, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa là nhằm tăng hơn 40% diện tích mặt nước biển thuộc EEZ của mình.
Cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên: trữ lượng phân bón gốc động vật được đánh giá gồm nhiều triệu tấn, nguồn hải sản phong phú (cá quý hiếm, tôm hùm, rùa biển, đồi mồi, bào ngư, các loài nhuyễn thể quý hiếm…). Phốtphát cũng được tìm thấy ở các hòn đảo này cũng như các hạt đa kim loại ở đáy biển. Hơn nữa, khoảng 10% sản lượng cá của thế giới được đánh bắt ở Biển Đông. Theo Robert D. Kaplan, Biển Đông có một mỏ khí đốt tự nhiên được đánh giá vào khoảng 25.000 tỷ mét khối (so với 187.100 tỷ mét khối khí đốt trên đất liền, theo đánh giá của British Petroleum vào năm 2010, tức khoảng 13,4 tổng trữ lượng thế giới).
Biển Đông là một ngã tư đường giao thương có tầm quan trọng sống còn vì đó là con đường ngắn nhất nối Bắc Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Lượng dầu mỏ được chuyên chở qua eo biển Malắcca nhiều gấp 5 lần so với lượng được chở qua kênh đào Xuyê và hơn 15 lần so với qua kênh đào Panama. Có tới 2/3 lượng cung ứng năng lượng của Hàn Quốc, 60% của Nhật Bản và Đài Loan và 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông, tức hơn ½ tổng lượng nhập khẩu năng lượng của các nước khu vực Đông Nam Á. Quanh Biển Đông có 10 hải cảng thuộc loại lớn nhất thế giới, trong đó có Xinhgapo và Hồng Công, và có tới 90% ngoại thương của Trung Quốc và 1/3 của thế giới đi qua biển này. Như vậy, Biển Đông là điểm qua lại rất quan trọng và được kiểm soát bởi một vài eo biển dễ phong tỏa. Theo tướng Jean-Bernard Pinatel, đồng thời là nhà doanh nghiệp, sở hữu được các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ dễ dàng kiểm soát được một phần không nhỏ thương mại đường biển thế giới đi qua đây.
Biển Đông là biển duy nhất chạy dài theo bờ biển Trung Quốc có các vùng nước sâu và cho phép tương đối dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương. Đó là một yếu tố chủ chốt để bảo đảm triển khai an toàn tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo. Cường quốc nước ngoài nào kiểm soát được các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có khả năng gây nguy hiểm cho việc triển khai tàu ngầm này.
Theo Géopolitique-Geostratégie
Hương Lan (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông