Mischief (nghĩa là sự phiền toái) từng là tên của một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một số bãi đá chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống đến mức nhất định. Trong bản đồ hàng hải của Hải quân Anh, quần đảo Trường Sa từng được đánh dấu là "vùng nguy hiểm".
“Quan hệ Mỹ-Trung có thể xấu đi do báo cáo tình báo”
- Cập nhật : 12/10/2016
Trung Quốc tiếp tục phản pháo dữ dội một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ cho rằng 2 công ty Trung Quốc đe dọa an ninh nước Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9/10 cảnh báo rằng báo cáo trên sẽ làm tổn hại quan hệ giữa 2 nước. Phát ngôn viên của bộ này, ông Thẩm Đơn Dương, tuyên bố báo cáo của Mỹ “đã vi phạm các nguyên tắc thị trường tự do mà nước này đã theo đuổi từ lâu và sẽ phá hoại sự hợp tác giữa 2 quốc gia”.
Chính trị hóa cạnh tranh thương mại
Tờ Nhật báo Phố Wall dẫn lời ông Thẩm bày tỏ, “Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ có những nỗ lực cụ thể nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp 2 nước và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại phát triển lành mạnh”.
Người Mỹ đang lo ngại các thiết bị viễn thông Trung Quốc (ảnh: hackreports) |
Theo ông Thẩm, bản báo cáo của Mỹ “chỉ dựa trên sự phỏng đoán chủ quan” và “đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và hãng thông tấn chính thức của nước này cũng đã phản đối bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hối thúc các công ty Mỹ loại bỏ các đối tác Trung Quốc là Công ty kỹ thuật Hoa Vi và Công ty Viễn thông Trung Hưng (ZTE).
Ngày 8/10, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra kết luận rằng các thiết bị viễn thông do 2 công ty trên cung cấp có thể đã được dùng làm phương tiện cho các hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ.
Tất nhiên, 2 công ty viễn thông của Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này. Riêng Hoa Vi còn gọi các phát hiện trong bản báo cáo là mang động cơ chính trị.
Cũng hôm 8/10, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội Mỹ “gạt bỏ thành kiến, tôn trọng thực tế và hỗ trợ phát triển quan hệ kinh tế Trung-Mỹ”.
Hiện cả Bộ Quốc phòng và Thương mại Mỹ đang xem xét mức độ xâm nhập của các công ty nước ngoài vào mạng lưới viễn thông nước này. Năm 2011, Nhà Trắng do các quan ngại về công ty Hoa Vi cũng tiến hành xem xét các vấn đề an ninh nảy sinh từ mạng lưới viễn thông hoạt động trên nền tảng thiết bị “ngoại”.
Trong khi đó, vẫn theo Nhật báo Phố Wall, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp bảo hộ nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực gồm cả viễn thông và công nghệ. Năm 2011, nước này thông qua một đạo luật nhằm mở đường cho việc điều tra kỹ bất cứ công ty ngoại quốc nào có dấu hiệu đe dọa an ninh quốc gia.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Giới quan sát lo ngại bản báo cáo của Hạ viện Mỹ được tung ra vào giai đoạn bầu cử ở Mỹ và chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa 2 cường quốc này.
Các mẫu đất hiếm trưng bày ở vùng Nội Mông, Trung Quốc (ảnh: Bloomberg) |
Có thể nói, năm nay là một năm của các căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tháng 3/2012, theo nguồn tin Bloomberg, Mỹ (cùng với EU và Nhật Bản) đã kiện lên WTO về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm dùng trong các thiết bị công nghệ cao. Hay như hồi tháng 7, WTO ra phán quyết khẳng định 1 công ty Trung Quốc đã phân biệt đối xử với các công ty thẻ tín dụng của Mỹ và không cho các hãng này tiếp cận đầy đủ thị trường Trung Quốc trái với quy định của WTO.
Chỉ mới tháng 9 vừa rồi, lấy lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Obama đã ra quyết định yêu cầu công ty Ralls (thuộc sở hữu của 2 người Trung Quốc, có trụ sở ở Mỹ) phải thoái vốn khỏi 4 dự án điện phong gần một căn cứ hải quân ở phía Bắc Oregon, nơi tiến hành các thử nghiệm đối với các máy bay không người lái.
Theo Thời báo New York, đây là lần đầu tiên trong 22 năm qua một tổng thống Mỹ trực tiếp chặn một giao dịch thương mại. Tờ báo này cho rằng động thái trên là bước đi tiếp theo trong đường lối cứng rắn mà ông Obama thực thi trong vài tuần gần đây để đáp lại các cáo buộc từ phía Đảng Cộng hòa, trong đó có Mitt Romney, cho rằng ông Obama đã mềm yếu trước Bắc Kinh.
Thương mại với Trung Quốc đã trở thành một trong các tâm điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2012.
Ví dụ, tuần trước nhóm vận động tranh cử cho ông Obama đã tung ra 1 đoạn video quảng cáo nhằm chỉ ra mối liên hệ giữa công ty Hoa Vi nói trên và ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Romney thông qua quỹ đầu tư Bain Capital mà ông Romney là một trong các sáng lập viên. Đoạn video clip (được tải lên mạng YouTube) nhấn mạnh, ông Romney “đặt lợi ích thu được từ Trung Quốc lên trên cả an ninh quốc gia” và ông này sẽ không thể chối bỏ điều này.
Trang Fox News hôm 9/10 phản ánh việc phe Mitt Romney đã phản công lại đoạn quảng cáo trên, gọi đó là “giả dối và nực cười” khi mà ông Romney không còn quản lý Bain Capital tại thời điểm hãng này giao dịch với Hoa Vi./.