Trung Quốc bố trí trạm radar trên bãi cạn Scarborough nhằm hoàn thiện mạng lưới radar bao phủ toàn biển Đông.
Chuyên gia Nga: Chặn đứng chiến lược Biển của Trung Quốc
- Cập nhật : 18/03/2017
Xin trích một ý trong bài “29 năm CQ-88: Biển Đông không yên vì dã tâm Trung Quốc”.
Bài viết của tác giả Thiên Nam trên DVO ngày 15/3/2017 : “ … đã có tin rằng, Trung Quốc dự kiến tăng gấp 5 lần quân số Lực lượng hải quân đánh bộ với lý do "bảo vệ hòa bình và quyền lợi của Trung Quốc trong vùng Biển Đông".
Xin bổ sung thêm cho ý trên bằng bài báo của nhà phân tích quân sự Nga Aleksandr Kochan đăng trên “Russkaia Planeta” (Hành tinh Nga) ngày 14/3/2017 với tiêu đề “Thiên Triều đang hạ thủy” (một cách chơi chữ đầy ẩn ý của tác giả bài báo). Ảnh trong bài là của tác giả.
“Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin: Giới lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH ) đã lập kế hoạch tăng quân số của lực lượng Lính thủy đánh bộ lên gấp 5 lần: từ 20.000 quân như hiện nay lên 100.000.
Mục tiêu của Bắc Kinh được công bố là đảm bảo bảo vệ các tuyến giao thông đường biển và những lợi ích ngày càng gia tăng của mình ở nước ngoài .
Các quân nhân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang có mặt tại quốc gia Châu Phi nhỏ bé Djibouti nằm cạnh eo biển chiến lược quan trọng Bab –el-Mandeb (nối Biển Đỏ với Vịnh Aden). Còn một địa điểm đóng quân nữa của Lính thủy đánh bộ (PLA) - thành phố cảng Pakistan Gvadar cách Vịnh Péc-xích không xa.
Chỉ trong thời gian gần đây, quân số của Lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã tăng 2 lần, lên tới 20.000 quân. Điều đáng chú ý là quân số (của Lính thủy đánh bộ) tăng trong khi tổng quân số PLA gần như vẫn giữ nguyên.
Trong các kế hoạch của mình, Trung Quốc còn dự định cắt giảm thêm 300 .000 quân, quân số của PLA sẽ chỉ còn 2 triệu người.
Hiện không có thông tin nào về việc Lính thủy đánh bộ PLA sẽ tuyển quân từ nguồn nào.
Xu hướng “Biển”
Thông tin trên rất quan trọng, trước hết, vì nó liên quan đến an ninh của Liên Bang Nga.
Trong nước chúng ta (Nga) rất phổ biến tâm lý e ngại về sự bành trướng của Trung Quốc. Quả thật, Trung Quốc có một lực lượng lục quân đông nhất trên thế giới, còn trên hướng Bắc (Trung Quốc), nước này bố trí tới 3 tập đoàn quân của Quân khu Thẩm Dương – các tập đoàn quân số 16, 39 và 40.
Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng năm 2012, có thể nhận thấy rõ tầm nhìn “hướng biển” trong chính sách quốc phòng (của Trung Quốc). Một trong những biểu hiện đó là việc Bắc Kinh đã đối đầu với Hải quân Mỹ và những đồng minh của nước này nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã nỗ lực giải quyết nhưng bất thành nhiệm vụ này. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn không đủ lực (để làm điều đó), nhưng sau 4-10 năm nữa, Bắc Kinh quyết xây dựng bằng được một lực lượng hải quân mạnh nhất Châu Á- Thái Bình Dương.
Số lượng tàu (chiến) tăng kéo theo sự tăng trưởng quân số Hải quân PLA. Biên chế của Hải quân Trung Quốc đã tăng 15% và số quân đã lên tới 270.000 người.
Ngoài Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Trung Quốc còn thèm khát củng cố sự hiện diện quân sự tại Châu Phi và Trung Cận Đông.
Djibouti là trung tâm trung chuyển chủ chốt đối với dầu mỏ nhập từ Xu đăng. Còn thành phố cảng “Gvadar (Pakistan) gần eo biển Ormuz – chính là nơi mà các tàu chở dầu của Trung Quốc đi qua, nhưng những tàu này chở dầu Iran.
Vào thời điểm hiện tại có thể khẳng định chắc chắn là Bắc Kinh muốn đổ bê tông cốt thép đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải mà nước này đang tích cực sử dụng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thế thì tại sao (Trung Quốc) lại cần phải tăng quân số Lính thủy đánh bộ - tức lực lượng chuyên được sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự và tiến hành các chiến dịch đổ bộ (đánh chiếm các tuyến duyên hải và các mục tiêu hải quân của đối phương) lên tới 5 lần?
Tất nhiên, vấn đề ở đây không phải là kinh tế, mà là tham vọng của Bắc Kinh muốn lập thế cân bằng (lực lượng) với Mỹ ở Đông Nam Á và Trung Cận Đông. Lực lượng Lính thủy đánh bộ đối với Washington – đó phương pháp chủ yếu để tăng cường ảnh hưởng (của Mỹ) tại rất nhiều các quốc gia ven biển.
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (chất lượng tác chiến của nó tương đương với đặc nhiệm) cũng đã không ít lần được điều đi thực hiện những sứ mệnh trên bộ (như ở Syria và Iraq).
Quân số của Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ là 200.000 người. Để so sánh: Quân đội Nga chỉ có 760.000 người, còn quân số Lính thủy đánh bộ Nga, theo các nguồn số liệu khác nhau, vào khoảng từ 12.500 đến 35.000.
Và dù hơn một nửa đường biên giới Nga là ở trên biển, nhưng không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với khu vực duyên hải Nga, còn chính sách hiện nay của Matxcova không tính tới khả năng tiến hành các chiến dịch đổ bộ quy mô lớn ở nước ngoài.
Vì thế mà Bộ Quốc phòng Nga không nhất thiết phải tăng quân số Lính thủy đánh bộ. Nhưng đối với các “đồng nghiệp” (của Bộ Quốc phòng Nga) tại Trung Quốc thì tình hình lại hoàn toàn khác: Lính thủy đánh bộ cần cho Trung Quốc không chỉ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng ven biển (của Trung Quốc).
Nếu tính tới những yêu sách lãnh thổ và tham vọng của Trung Quốc, Lính thủy đánh bộ nước này cần phải có khả năng trong một khoảng thời gian cực ngắn (nguyên văn – chớp nhoáng) đổ bộ đánh chiếm các đảo và những mục tiêu khác của đối phương, cùng với đó là làm cho Mỹ với hàng chục căn cứ ở Châu Á- Thái Bình Dương, trên Vinh Pecxich phải khiếp sợ.
Tham vọng bành trướng bị chặn
Bắc Kinh đang tìm cách hiện đại hóa hoàn toàn tất cả các lực lượng vũ trang, nhưng ưu tiên hàng đầu được dành cho Hải quân và cho nhiệm vụ tăng cường khả năng tác chiến của Lính thủy đánh bộ - nhằm đạt mục tiêu: thành phần chủ yếu của lực lượng này (Lính thủy đánh bộ) sẽ là các chiến binh thiện chiến nhất.
Và như vậy, đối thủ địa chính trị trời định của Trung Quốc sẽ là Mỹ. Nếu như cả hai cường quốc đều sẽ thực hiện được các kế hoạch đã có, thì trong thời gian ngắn sắp tới, căng thẳng trong đối đầu giữa hai nước sẽ ngày càng tăng nhiệt.
Ông chủ mới của Nhà Trắng Donald Trump đã chấp nhận những thách thức từ Trung Quốc.
Trong chương trình (hành động) của vị đảng viên cộng hòa này có mục tăng số lượng tàu chiến từ 272 chiếc như hiện nay lên 350 chiếc.
Tổng thống mới của Mỹ cho rằng Hải quân Mỹ đang già yếu, mặc dù chính Hải quân Mỹ sở hữu cụm tàu sân bay mạnh nhất thế giới (10 chiếc) và Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cũng mạnh nhất thế giới.
Nếu Domald Trump thuyết phục được Quốc hội Mỹ, thì Hải quân Mỹ sẽ nhận thêm 01 tàu sân bay, 16 chiếc tàu nổi cỡ lớn, 18 tàu ngầm đa năng, 04 tàu đổ bộ và 52 tàu bảo vệ các khu vực duyên hải.
Quân số Hải quân Mỹ sẽ lên tới 360. 000 - 380.000 người.
Và như vậy, tính toán của D. Trump là tăng cường thành tố tấn công và khả năng đổ bộ trên biển. Các chuyên gia tin chắc rằng, cường quốc duy nhất có thể đua với Mỹ trên các đại dương, đó là Trung Quốc, nhưng không phải Trung Quốc hiện tại mà là Trung Quốc trong tương lai.
Và chính quyền Washigton cũng thừa hiểu được là quyền bá chủ trên biển (của Mỹ) sẽ sụp đổ, nếu như Trung Quốc thực hiện thành công chương trình “cải tổ” các lực lượng vũ trang của mình.
Tăng cường hiện diện quân sự trên biển, chắc chắn sẽ là phương pháp chủ chốt để thực hiện mưu đồ bành trướng và chiếm ưu thế toàn cầu của Trung Quốc. Trên đất liền thì những tham vọng đại bá của Bắc Kinh bị chế ngự bởi Nga, Ấn Độ, các quốc gia có tâm lý thù địch (với Bắc Kinh) là Nhật Bản, Nam Triều Tiên...
Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh bị chặn đứng ở hướng Bắc, Đông Bắc, Tây Nam - nơi có Ấn Độ và ở hướng Tây, - tức khu vực Trung Á có nhiều căn cứ quân sự của Nga. Hướng mở một cách tương đối duy nhất (để bành trướng) đối với Trung Quốc là hướng Đông –Nam và hướng Biển Đông.
Trung Quốc nhận thức được rằng con đường dẫn tới vị thế siêu cường phải đi qua biển. Để làm được điều đó, Bắc Kinh cần phải có ít nhất là một lực lượng hải quân mạnh thứ hai trên thế giới và lực lượng lính thủy đánh bộ với quân số cũng đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Liệu có lúc nào đó Hải quân Trung Quốc trở thành đối thủ của Hải quân Nga – hiện Hải quân Nga cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động với chiến dịch Syria và bắt đầu đối đầu với Phương Tây? Rõ ràng là, sự hiện diện kinh tế của Bắc Kinh ở Trung Cận Đông chắc chắn sẽ kéo theo sự hiện diện quân sự ở khu vực này.
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một “tay cờ” có ảnh hưởng ở khu vực và sẽ can thiệp vào cuộc xung đội ở Syria. Nhưng Bắc Kinh sẽ hành động như một diễn viên độc lập.
Thực tế trên khó có thể gọi là một tin tốt lành cho Nga – vì Nga đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chia miếng bánh Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel, Jordany , người Kurd và người Mỹ.
Một liên minh quân sự thực sự giữa Nga và Trung Quốc – nó là một cái gì đó nằm trong số những câu chuyện hoang đường (tức không bao giờ có –ND). Matxcova cần phải hết sức chăm chú theo dõi sự phát triển cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng tuyệt đối không được tham gia vào một liên minh nào đó , trong bất kỳ trường hợp nào .
Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (dịch)
Theo Báo Đất Việt