Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo Trung Quốc có thể áp đặt Vùng nhận dạng phòng không và kiểm soát toàn bộ Biển Đông nếu Manila không ngăn chặn Trung Quốc xây trạm radar ở bãi cạn tranh chấp Scarborough.
Mỹ cứng rắn hơn ở châu Á
- Cập nhật : 18/03/2017
Mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề trọng tâm khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tuần này.
Họp báo ở Seoul ngày 17-3, ông Tillerson nhấn mạnh “chiến lược kiên nhẫn” đã chấm dứt. Nói cách khác, nỗ lực chính trị, ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trong 2 thập kỷ qua đã thất bại.
Ngoại trưởng Mỹ đã đặt chân đến khu vực biên giới liên Triều được vũ trang dày đặc nhất thế giới trước khi trở về Seoul hội đàm với các quan chức nước chủ nhà. Phát biểu sau chuyến đi, ông Tillerson cảnh báo Mỹ đang thăm dò một loạt lựa chọn quân sự với Triều Tiên, bên cạnh các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản một ngày trước đó, ông Tillerson nhấn mạnh một phần mục đích chuyến thăm châu Á lần này là trao đổi về “một hướng tiếp cận mới” đối với vấn đề Triều Tiên. Tờ The Washington Post nhận định những phát biểu của ông Tillerson cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn rời xa nỗ lực ngoại giao, từ đó đưa Washington và các đồng minh châu Á tiến gần hơn tới một phản ứng quân sự tiềm tàng.
Dù ông Tillerson không nói rõ hướng tiếp cận mới là gì nhưng có một số phương án đang được đặt trên bàn, như cải thiện khả năng tên lửa hiện có của Hàn Quốc, trang bị cho Nhật Bản khả năng tấn công tên lửa mới hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến. Bước đi khiêu khích hơn là tái triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ tại căn cứ ở Hàn Quốc.
Lập trường cứng rắn hơn về Triều Tiên là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền ông Trump sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” để xử lý các mối đe dọa ở châu Á sau khi tuyên bố khai tử chiến lược xoay trục (tái cân bằng) của người tiền nhiệm Barack Obama.
Giới phân tích cho rằng động thái này không có nghĩa chính sách của Mỹ đối với khu vực sẽ có sự thay đổi đáng kể. Điểm khác biệt chỉ là phương thức tiến hành, như chú trọng nhiều hơn đến giải pháp quân sự. Điều này được hỗ trợ bởi đề xuất tăng ngân sách quân sự lên thêm 54 tỉ USD của ông Trump.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lập trường cứng rắn của Mỹ về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trung Quốc cho đến giờ vẫn không để xảy ra chuyện gì có thể khiến nước láng giềng rơi vào bất ổn hoặc hỗn loạn. Chưa hết, theo quan điểm của Mỹ, những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên sẽ khó phát huy tác dụng nếu Bắc Kinh không gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.
Đây là bài toán khó mà ông Tillerson không dễ tìm ra lời giải khi đến Trung Quốc ngày 18-3, bên cạnh thách thức là làm sao xoa dịu cơn giận của chủ nhà với hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đang triển khai ở Hàn Quốc.
Những quan điểm khác nhau về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên nêu bật thách thức không nhỏ mà ông Trump đối mặt, không chỉ ở châu Á mà còn khắp thế giới, khi theo đuổi quyền lực cứng. Câu hỏi là biện pháp quân sự có phải giải pháp cho mọi vấn đề. Bài học từ những cuộc chiến Afghanistan, Iraq và gần đây là Syria vẫn còn nóng hổi. Riêng với Triều Tiên, cái giá phải trả có khi còn cao hơn nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra.
Không lâu sau phát biểu của ông Tillerson tại Nhật Bản, Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh đã tổ chức cuộc họp báo khác thường để khẳng định vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân vì mục đích phòng vệ, đồng thời chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc âm mưu tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng và cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Ngoại giao thành thứ yếu?
Nhậm chức hôm 2-2 nhưng phải đợi tới ngày 16-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới có lần họp báo đầu tiên - với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida ở Tokyo. Ông cũng ít tiếp xúc với các quan chức chủ chốt của bộ. Ông chưa hề đọc diễn văn vạch ra chính sách của Mỹ.
Đặc biệt, ông phá vỡ thông lệ hàng thập kỷ khi đi công cán nước ngoài không có sự tháp tùng của đông đảo nhà báo. Chỉ có một chỗ trên máy bay cho nhà báo thuộc website bảo thủ Independent Journal Review. Nhiều người cho rằng tính cách trầm lặng của ông Tillerson có thể thích hợp để làm giám đốc điều hành công ty dầu mỏ hơn vị trí người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ - vốn được xem là đại diện cho chính sách của tổng thống cũng như các giá trị và nguyên tắc của nước Mỹ. Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ có thể cảnh báo các đối phương, dẫn đường cho các nhà hoạch định chính sách và giữ lửa ủng hộ của các đồng minh.
Không chỉ ít thể hiện với bên ngoài, ông Tillerson cũng lặng lẽ ngay cả khi Bộ Ngoại giao bị cắt 37% ngân sách trong dự thảo ban đầu do Tổng thống Donald Trump đề xuất hay cấp phó do ông lựa chọn - ông Elliot Abrams - bị Nhà Trắng phủ quyết. Tránh xung đột công khai với ông Trump, ngoại trưởng Mỹ chọn cách phản ứng riêng tư, theo các nguồn tin ngoại giao của Reuters. “Tillerson hiểu rằng ông không thể thắng trong cuộc đấu trực diện với tổng thống và những người thân cận. Do đó, ông theo đuổi chiến lược khác với lập luận rằng ông không thể quyết định cắt giảm những gì cho đến khi quen thuộc hơn với Bộ Ngoại giao và ngân sách của bộ” - một quan chức ngoại giao kỳ cựu tiết lộ. Kết quả, thay vì 37%, Bộ Ngoại giao Mỹ “chỉ” bị giảm 28% ngân sách trong dự thảo được công bố hôm 16-3.
Ông Chas Freeman, nhà ngoại giao dày dạn từ thời chính quyền Richard Nixon, cho rằng phong cách âm thầm của ông Tillerson nhiều khả năng là “chiến thuật tồn tại” với 2 mục tiêu: tránh mâu thuẫn với tổng thống và đạt được kết quả tích cực nào đó.
Lục San
Hoàng Phương
Theo nld.com.vn