Thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.
Kế sách “hai mặt” trong quan hệ Trung Quốc-Philippines
- Cập nhật : 01/12/2017
Vài ngày sau khi Philippines và Trung Quốc báo hiệu đã đạt được một “tạm ước” mới ở Biển Đông, quan hệ hai nước một lần nữa lại căng thẳng vì các động thái quân sự ở vùng biển chiến lược.
Các báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đang thắt chặt “sợi dây thòng lọng” quanh đảo Thị Tứ chiến lược mà Philippines tuyên bố chủ quyền - vốn là nơi sinh sống của một cộng đồng lớn người Philippines và có thị trưởng riêng - bằng cách triển khai một số tàu hải quân và tàu tuần tra bờ biển một cách khiêu khích đến gần thực thể này trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bất chấp hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra khá tốt đẹp tại Manila mà ở đó, một hướng đi đàm phán mới đã được mở ra cho Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhiều người ở Manila đang tự hỏi một lần nữa rằng liệu thái độ “yếu đuối” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vấn đề này có phải là chiến lược quốc gia có hiệu quả hay không.
Trong suốt hội nghị bộ trưởng ASEAN được tổ chức tại Manila hồi đầu tháng 8/2017, Philippines đã sử dụng đặc quyền của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN để bảo vệ Bắc Kinh trước bất kỳ chỉ trích nào về hoạt động cải tạo đất đá và quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Trái ngược với các hình ảnh vệ tinh, cả hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố rằng Trung Quốc không tiến hành bất kỳ hoạt động cải tạo đất đá nào ở quần đảo Trường Sa - một khu vực giàu tài nguyên đang tranh chấp ở Biển Đông.
Một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, đang hy vọng mở rộng quan hệ kinh tế với cường quốc châu Á này để đổi lấy cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với các tranh chấp trên biển. Mặc dù Trung Quốc đã nhất trí về bộ khung COC tại hội nghị ASEAN, nhưng giới chỉ trích nhấn mạnh rằng tiến trình kéo dài này đã bắt đầu từ năm 2002 qua Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Nhiều người nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhất trí về một COC ràng buộc trong khu vực mà họ đang nhanh chóng đạt được quyền bá chủ chiến lược.
Philippines và Trung Quốc đang xem xét các Thỏa thuận Khai thác chung (JDAs) tại các khu vực chồng lấn, bao gồm vùng biển giàu khí hydrocarbon ngoài khơi phía Tây đảo Palawan. Trong phiên điều trần tại Quốc hội, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano đã xác nhận khả năng tiến hành các dự án thăm dò và khai thác năng lượng chung Philippines-Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp. Với việc khu mỏ khí đốt Malampaya - được khai thác bởi các công ty năng lượng đa quốc gia bao gồm tập đoàn Chevron (Mỹ) từ năm 2002, và từng có trữ lượng 3,7 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên - sẽ cạn kiệt vào năm 2024, Manila đang tuyệt vọng tìm kiếm các nguồn năng lượng mới gần họ để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Ông Cayetano nói: “Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tốt hơn thỏa thuận ở Malampaya tại khu vực tranh chấp, làm sao người dân Philippines có thể tranh cãi về việc này?”.
Thậm chí giới lãnh đạo quốc phòng Philippines dường như đang dần ủng hộ ý tưởng về một “tạm ước” với Trung Quốc dù còn nhiều nghi ngại. Trong phiên điều trần mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người từng đưa ra cảnh báo về các ý định của Trung Quốc trên biển, khẳng định rằng Bắc Kinh đã cam kết “không chiếm đóng các thực thể mới nào trên Biển Đông” và ngừng “xây dựng các cấu trúc ở Bãi cạn Scarborough” - một thực thể đang tranh chấp và giàu nguồn cá cách bờ biển Philippines khoảng 100 hải lý (185 km). Tháng 2/2017, ông Lorenzana cảnh báo rằng bất kỳ hoạt động cải tạo nào của Trung Quốc ở bãi cạn đang tranh chấp sẽ là “không thể chấp nhận” bởi thực thể này “rất gần” các căn cứ quân sự lớn của Philippines là Subic và Clark. Lực lượng của Mỹ vẫn thường xuyên tiếp cận cơ sở quân sự này.
Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tìm cách ngăn chặn nỗ lực trả đũa của Trung Quốc qua việc tiến hành các sứ mệnh do thám gần Bãi cạn Scarborough, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc sau cuộc chạm trán ngắn với Philippines hồi giữa năm 2012. Ông Lorenzana cảnh báo: “Sẽ là điều cực kỳ nghiêm trọng nếu Trung Quốc chiếm đóng bất kỳ hòn đảo nào mà Philippines tuyên bố chủ quyền”. Ông cho biết Bắc Kinh đã lưu ý đến những quan ngại của Manila về khả năng Trung Quốc phát triển các cơ sở quân sự gần bờ biển của họ. Tuy nhiên, các nghị sĩ Quốc hội khác vẫn hoài nghi về cam kết sắp tới của Trung Quốc. Nghị sĩ đối lập Gary Alejano, một cựu quan chức quân sự, cảnh báo về “nguy cơ Hải quân Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cũng như lực lượng dân quân nước này tập hợp ở phía Bắc đảo Thị Tứ”, điều mà ông miêu tả là “nguy cơ đối với lợi ích của chúng ta ở Biển Đông”.
Trung Quốc đã mở rộng chiếm đóng tại đá Subi, hiện bao gồm một đường băng và các cơ sở dân sự-quân sự tiên tiến. Các máy bay Philippines chuyên chở các quan chức quân đội cấp cao, trong đó có ông Lorenzana, đã nhiều lần đối mặt với sự quấy rối từ Trung Quốc mỗi khi họ hạ cánh ở đảo Thị Tứ khi bay qua đá Xu bi. Các ngư dân Trung Quốc cũng bị cáo buộc phá hủy các rạn san hô quanh hòn đảo mà Philippines chiếm đóng, khiến cộng đồng người Philippines trên đảo Thị Tứ mất đi nguồn lương thực cần thiết. Căng thẳng có thể gia tăng trong các tháng tới khi Philippines tìm cách củng cố vị thế của họ trên hòn đảo này bằng cách nâng cấp các cơ sở và mở rộng đường băng có từ 4 thập niên qua. Bất chấp nỗ lực cao nhất của ông Duterte nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục quân sự hóa và theo đuổi chủ nghĩa bành trướng trong khu vực. Tương lai quan hệ Philippines- Trung Quốc cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các diễn biến trên thực tế và việc giữ cam kết thay vì đưa ra những lời nói và cử chỉ ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo chính trị.
Theo “Atimes”
Nhật Linh (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông