Việc Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay đã cho thấy sự khéo léo trong chính sách đối ngoại của Moscow.
Tại sao Trung Quốc duy trì biên giới “mập mờ” trên Biển Đông?
- Cập nhật : 01/12/2017
Theo một bản đồ Trung Quốc gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009, “đường 9 đoạn” có “độ dày” tới 20km. Trung Quốc đã biểu thị một đường ranh giới đủ rõ ràng để các nước khác phải chú ý nhưng cũng đủ mập mờ để đàm phán về quyền kiểm soát thực sự.
Trung Quốc được cho là đang tuyên bố chủ quyền với 95% Biển Đông, từ bờ biển phía Nam nước này tới đảo Borneo (Malaysia). Các báo cáo cho thấy khoảng 90% Biển Đông nằm dưới tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khi một số ước tính khác cho rằng con số đó là gần 80%. Như vậy Trung Quốc đang thực sự kiểm soát bao nhiêu diện tích biển trong số 3,5 triệu km2 Biển Đông?
Câu trả lời ngắn gọn ở đây là không ai biết được điều đó, bởi Trung Quốc chưa bao giờ thông báo về một đường ranh giới rõ ràng và có thể trên thực tế họ muốn giữ mập mờ về điều này. Greg Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nói: “Tất cả điều này nằm trong chủ tâm của Trung Quốc. Họ sẽ không nói rõ về vị trí của đường ranh giới này bởi họ không có cơ sở pháp lý để làm điều đó”.
Điều rõ ràng ở đây là Trung Quốc đang có yêu sách chủ quyền nhiều hơn bất kỳ nước nào khác tại vùng biển được biết đến với nguồn tài nguyên phong phú và các tuyến thương mại biển huyết mạch. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến các nước hết sức quan ngại với việc xây dựng các đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự. Tranh chấp trên Biển Đông tiếp tục là vấn đề được nhiều quan tâm vào giữa tháng 11 tới, khi các quan chức Trung Quốc gặp gỡ những người đồng cấp từ 10 quốc gia Đông Nam Á.
“Đường 9 đoạn”
Trung Quốc đang chính thức sử dụng cái gọi là “đường 9 đoạn”, bắt nguồn từ thời chính phủ Quốc dân đảng năm 1947 và được vẽ lại trong nhiều năm qua bởi nhiều nhà phân tích. Thậm chí Trung Quốc cũng định kỳ đưa ra các cách giải thích lại “đường 9 đoạn” này. Theo Tân Hoa Xã, năm 2015, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng đường ranh giới này không nên “tập trung” vào vấn đề Biển Đông, mà là vào vấn đề ai kiểm soát đảo nào.
Đường ranh giới này cho thấy Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với vùng biển trải rộng từ bờ biển Việt Nam tới đảo Borneo của Malaysia và nước láng giềng Brunei, và sau đó lên bờ biển Tây Philippines tới Đài Loan. Các quốc gia nêu trên đều có tuyên bố chủ quyền với những vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Tuy nhiên, ông Poling cho biết theo một bản đồ của Trung Quốc được cập nhật năm 2009 gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, “đường 9 đoạn” này có “độ dày” tới 20km. Việc xác định tính chính xác là điều rất khó khăn. Hiện cũng không có thông tin nào cho thấy cách các đường đứt đoạn này được kết nối ra sao. Trên các bản đồ của Trung Quốc, khoảng cách giữa chúng cũng chỉ là những vùng biển màu xanh.
Yun Sun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nói: “Tôi cho rằng chẳng có ranh giới nào cho ‘đường 9 đoạn’. Đường kẻ này được vẽ một cách gượng ép trên bản đồ và có phần tùy hứng bởi chính phủ Quốc dân đảng, và không có sự đo đạc hay định danh rõ ràng nào trước đó. Đường đứt đoạn, thay vì một đường liền mạch, cho thấy tình trạng mơ hồ và khác biệt của các khu vực trong các đường đứt đoạn này”. Các quốc gia khác đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên các đường ranh giới “mỏng hơn” và liền mạch, vạch ra Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách 200 hải lý từ bờ biển hay thềm lục địa.
Sự mập mờ là công cụ thương lượng?
Sự mập mờ của đường ranh giới này của Trung Quốc khiến các nước khác phải đau đầu. Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), lấy ví dụ như việc chính phủ Indonesia đã tức giận đến mức phải tăng cường hoạt động đánh bắt cá gần đảo Natuna hẻo lánh. Sau năm 2012, việc thực thi hoạt động chống lại các tàu hải giám của Trung Quốc đã gia tăng xung quanh đảo Natuna bởi nơi này nằm gần phía Nam của “đường 9 đoạn”.
Ông Koh nói: “Dựa trên những phát biểu công khai của các quan chức Indonesia, tôi hiểu rằng họ không công nhận tranh chấp với Trung Quốc bởi đơn giản không có các mốc đo lường địa lý nào có thể xác định chính xác các ranh giới này”.
Giới phân tích cho rằng đó chính là điểm mấu chốt. Trung Quốc đã biểu thị một đường ranh giới đủ rõ ràng để các nước trên biển khác phải chú ý nhưng cũng đủ mập mờ để họ có thể đàm phán về quyền kiểm soát thực sự. Nhà nghiên cứu Yun Sun nói: “Điều này để ngỏ khả năng đàm phán. Câu hỏi ở đây sẽ là nếu vị trí của nó không được xác định, làm thế nào để Trung Quốc thăm dò dầu mỏ tại đó? Đó là cách Trung Quốc thúc đẩy các bên tranh chấp khác ngồi vào bàn đàm phán song phương. Bạn không muốn chúng tôi thăm dò dầu khí? Vậy tại sao chúng ta không ngồi lại và bàn về điều đó? Nếu bạn không nói với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì chúng tôi muốn”.
Theo “Forbes”
Hùng Sơn (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông