Không có gì là miễn phí. Để Bắc Kinh buộc Bình Nhưỡng điều chỉnh hành vi thì đổi lại, Trung Quốc muốn Mỹ để yên cho họ thống trị khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh tân Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết” và có phần giảm bớt cam kết với các đồng minh, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong 2 ngày 22 và 23/6/2017 tại thủ đô Brussels của Bỉ tuy có đạt được một số kết quả nhất định trong nỗ lực hợp tác chung nhưng để xây dựng một EU thống nhất và gắn kết theo một chiến lược phát triển độc lập, tự chủ, thì vẫn là “câu chuyện cổ tích” trong thế kỷ XXI.
Nhìn lại đề án thành lập EU cách đây 60 năm
Năm nay là mốc lịch sử 60 năm thành lập Liên minh châu Âu (EU). Ngày 25/03/2017, nguyên thủ các nước thuộc Liên minh Châu Âu tề tựu đông đủ tại sảnh Sala Degli Orazi e Curiazi tráng lệ của tòa nhà Palazzo dei Conservatori tại thủ đô Rome của Italia để dự phiên họp kỷ niệm 60 năm thành lập tổ chức liên kết này (25/03/1957-25/03/2017).
Đây là thời điểm có ý nghĩa quan trọng: đúng 60 năm trước, khi đám đông trông ngóng tụ tập dưới những chiếc ô bên ngoài Piazza del Campidoglio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của 6 nước Tây Âu là Pháp, Tây Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, tụ họp trong cùng một căn phòng để ký Hiệp ước Rome, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử châu Âu. Trên cơ sở Hiệp ước Rome, ngày 1/11/1993, Liên minh châu Âu, viết tắt là EU (European Union), được thành lập theo Hiệp ước Maastricht.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Liên minh châu Âu là đề án chiến lược của Washington. Tháng 4/1948, một kế hoạch tái thiết châu Âu mang tên Kế hoạch Marshall do Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Marshall đề xuất, đã được thông qua. Trên thực tế, Kế hoạch Marshall là một bản giao kèo lịch sử, theo đó Mỹ sẽ giúp đỡ tài chính và kinh tế cho các nước châu Âu để đổi lại sự nhượng bộ chính trị đối với Washington của các quốc gia trên châu lục này.
Theo điều kiện nhượng bộ xác định trong Kế hoạch Marshall, Washington có quyền tác động vào các cuộc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ các nước châu Âu, đồng thời vô hiệu hóa vai trò của Tổng thống Pháp vào thời điểm đó là Tướng Charles de Gaulle, một người di theo chủ nghĩa dân tộc độc lập, và đưa các chính khách thân Mỹ lên lắm quyền ở các nước châu Âu là những người ủng hộ ý tưởng thành lập Hợp chủng quốc châu Âu.
Ý tưởng về một châu Âu thống nhất do Washington đề xuất trước hết là để đạt được mục tiêu chủ yếu của Mỹ mà các tập đoàn tài phiệt Mỹ nhằm tiêu diệt được Liên Xô. Các tập đoàn tài phiệt Mỹ đứng đằng sau phát động Thế chiến II theo đuổi tham vọng tiêu diệt Liên Xô và phân chia châu Âu thành Đế chế thứ ba và phần còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, Liên Xô đã góp phần quyết định tiêu diệt phát xít Đức, giành chiến thắng trong Thế chiến II, trở thành siêu cường và có ảnh hưởng ngày càng lớn ở châu Âu.
Sau Thế chiến II, nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Do đó, cơ sở nền tảng của Đề án Châu Âu thống nhất chính là tư tưởng hình thành “quả đấm thép kinh tế” xuyên Đại tây dương để chống lại Liên Xô. Vì thế, mục tiêu chủ yếu của Đề án này là từng bước từ bỏ chủ quyền quốc gia của các nước châu Âu và thay vào đó là một trung tâm kiểm soát châu Âu, nói cách khác là biến châu Âu thành một khu vực thực dân hóa của Mỹ.
Trong một thời gian dài, các nhà lịch sử mải mê đi tìm bằng chứng để khẳng định rằng EU là Đề án chiến lược của Mỹ. Mãi tới năm 2000-2001, Chính phủ Mỹ đã giải mật các tài liệu của Cục lưu trữ quốc gia, trong đó có các bằng chứng về sự can dự trực tiếp của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) vào quá trình soạn thảo và thực hiện Đề án châu Âu thống nhất trong những năm 1950-1960.
Theo các tài liệu được giải mật, một văn kiện được ban hành ngày 26/7/1956 do tướng Mỹ William Donovan-nguyên là Cục trưởng Cục trình báo chiến lược của Mỹ, tiền thân của CIA, ký. Trong văn kiện này có các chỉ thị trực tiếp về việc thành lập Quốc hội châu Âu. Năm 1948, Ủy ban Mỹ phụ trách châu Âu được thành lập do William Donovan đứng đầu. Cấp phó của William Donovan trong ủy ban này là Allen Dulles, về sau trở thành Giám đốc CIA. Trong Ủy ban này còn có Walter Bedell Smith, Phó Giám đốc CIA.
Các tài liệu giải mật còn chứng tỏ Ủy ban phụ trách châu Âu, sau này đổi tên thành Ủy ban Mỹ phụ trách EU, cung cấp tài chính cho các phong trào chính trị trên châu lục này như “Phong trào châu Âu”, theo những cơ chế bí mật thông qua các quỹ từ thiện đã từng làm vỏ bọc ngụy trang cho hoạt động của Bộ ngoại giao Mỹ và CIA. Vì thế trong những năm 1950, Paul Hoffman-cựu nhân viên của Cục tình báo chiến lược của Mỹ đồng thời là Giám đốc Quỹ Ford và là Chủ tịch ủy ban Mỹ phụ trách EU. Một chi tiết đáng chú ý là trong kế hoạch thành lập EU không có nước Anh. Do đó, việc nước Anh rời khỏi EU chỉ có nghĩa là quay trở về với ý tưởng ban đầu về liên kết châu Âu.
Như vậy, sau Thế chiến II, Mỹ có hai đề án để kiểm soát châu Âu. Đó là đề án thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949 để kiểm soát châu Âu về an ninh và đề án thành lập Liên minh châu Âu (EU) để kiểm soát châu Âu về chính trị và kinh tế. Điều này giải thích câu hỏi vì sao các nước thành viên EU cũng như thành viên NATO nhất cử nhất động làm theo chỉ thị của Mỹ trong quan hệ với Nga. Biểu hiện rõ nhất là các thành viên EU đã “chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị” của Washington trong việc cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến ở Syria [1-5].
Đề án Ukraine-chiến lược của Mỹ nhằm phá hoại liên kết giữa EU với Nga
Sau khi lên cầm quyền nhiệm kỳ 3 vào ngày 7/5/2012, Tổng thống Nga V.Putin nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và nguyên thủ một số nước thành viên EU về đề xuất hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Liên minh châu Âu. Nếu sáng kiến này thành công sẽ mở ra thời cơ vàng và cơ hội lịch sử cho sự phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng chưa từng có không chỉ của Nga mà cả EU.
Do đó, Washington kiên quyết làm phá sản sáng kiến này và cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát vào cuối năm 2013 do Mỹ đứng đằng sau đạo diễn chính là nhằm mục đích trên. Cuộc khủng hoảng và lát dao sắc bén chặt đứt mối liên kết mong manh vừa hình thành giữa Nga và EU theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chẳng hề giấu giếm vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính ở Kiev trong tháng 2/2014.
Rõ ràng, các nước thành viên EU đã buộc phải nghe theo Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine chẳng khác gì chuyện “tự vác đá ghè chân mình”. Theo Tổng thống Nga V.Putin, các biện pháp cấm vận không chỉ gây thiệt hại cho Nga khoảng 50 tỷ USD mà còn gây thiệt hại cho EU khoảng 100 tỷ USD.
Để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine, Tuyên bố của Nhóm Normandi gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine sau khi ký Thỏa thuận Minsk-2 vào ngày 12/2/2015 khẳng định rằng các bên cam kết sẽ xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng đầy đủ luật quốc tế và các nguyên tắc của Ủy ban hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE). Nội dung này mở ra triển vọng cải thiện quan hệ EU-Nga hướng tới xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu trên cơ sở liên kết Liên minh kinh tế Á-Âu với Liên minh châu Âu (EU) vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng của Nga và các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đến nay Tuyên bố đó chỉ nằm trên giấy do áp lực nhăn cản và chống phá từ Washington [6-8].
Hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc trong 2 ngày 22 và 23/6/2017 đã không giải quyết được ba vấn đề then chốt có ý nghĩa thiết yếu đối với sự phát triển ổn định của liên minh này. Đó là, (1) EU vẫn chưa dỡ bỏ được các các biện pháp cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine (2) không đề ra được chiến lược chung chống khủng bố và (3) không thống nhất được các biện pháp hóa giải làn sóng di cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, Washington vừa công bố áp đặt thêm và các biện pháp cấm vận của Mỹ nhằm vào Nga. Đáng chú ý là các biện pháp cấm vận mới này của Washington nhằm vào Nga còn nhằm làm phá sản đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc” hợp tác giữa Nga và Đức, tạo điều kiện cho các công ty của Mỹ cung cấp khí đốt vào thị trường châu Âu.
Còn cuộc chiến chống khủng bố mà các nước EU đang tiến hành đến nay vẫn lâm vào bế tắc trong bối cảnh nạn khủng bố vẫn tiếp tục hoành hành các nước châu Âu, trong khi đó các nước trên châu lục này lại không thể hợp tác với Nga-quốc gia đang đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, mà lại coi Nga là “nguy cơ an ninh đối với NATO”. Bởi thế mà đề án thành lập nền quốc phòng chung của EU được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh lần này vẫn đứng trước mục tiêu chiến lược không rõ ràng, còn châu Âu sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc an ninh vào NATO-công cụ của Mỹ để tiếp tục thực hiện chiến lược toàn cầu sau Chiến tranh lạnh.
Với những động thái đó, Brussels vẫn chưa thể thoát khỏi “vòng kim cô” của Washington đã từng được áp đặt cách đây 60 năm trong khuôn khổ của một đề án chiến lược của CIA kể từ sau Thế chiến II và EU vẫn chưa thể trở thành một chủ thể độc lập trong quan hệ quốc tế./.
***
Tài liệu tham khảo
[1] The European Union always was a CIA project, as Brexiteers discover. http://www.telegraph.co.uk/business/2016/04/27/the-european-union-always-was-a-cia-project-as-brexiteers-discov/
[2] The European Union Was Always an American-Led Project, and Now Washington Is in Panic Mode. http://www.huffingtonpost.com/riley-waggaman/the-european-union-was-al_b_10739324.html
[3]The European Union Was An AMERICAN Idea.http://www.zerohedge.com/news/2016-03-03/european-union-was-american-idea
[4] Европейский союз — проект США по укреплению собственной гегемонии. http://rusvesna.su/recent_opinions/1463138953
[5] ЕС всегда был проектом ЦРУ.http://inosmi.ru/politic/20160429/236355362.html
[6] ЕАЭС дает новые возможности для создания единого экономического пространства с ЕС. http://www.soyuzinfo.am/rus/news/detail.php?ELEMENT_ID=1394
[7] Путин и Меркель начали переговоры в Берлине. https://ria.ru/politics/20120601/662499461.html
[8] Владимир Путин и Ангела Меркель провели переговоры в Москве. https://www.1tv.ru/news/2012-11-16/79576-vladimir_putin_i_angela_merkel_proveli_peregovory_v_moskve
Đại tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn