Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp của Mỹ Donald Trump được trông đợi sẽ có những bước đi đầu tiên để tạo lập mối quan hệ cá nhân tại thượng đỉnh sắp tới; tuy nhiên các nhà quan sát đã tỏ ý nghi ngại rằng sự ngờ vực về những vấn đề quốc tế chủ chốt sẽ khó có thể khắc phục.
Mỹ đang đẩy Philippines sa vào vòng tay Trung Quốc?
- Cập nhật : 24/03/2017
Mỹ dường như chưa có kế hoạch để ngăn chặn Trung Quốc lôi kéo Philippines. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dùng các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính để lấy lòng Manila nhằm giành được sự nhượng bộ ở cả các vấn đề như tranh chấp chủ quyền.
"Chúng ta không thể ngăn Trung Quốc làm như vậy bởi ngay cả Mỹ cũng không có khả năng này", đây là tuyên bố được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra trước câu hỏi Manila phản ứng như thế nào khi Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Lời bình luận của ông Duterte cũng đã tạo ra làn sóng tranh cãi trong giới chính trị gia về việc Tổng thống Philippines không nên đưa ra lời so sánh như vậy.
Chia sẻ trên tạp chí National Interest, theo ông Richard Javad Heydarian, phó giáo sư tại Đại học De La Salle và từng là cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines, tuyên bố của Tổng thống Duterte cũng đã phần nào phản ánh thực tế, Trung Quốc đang khiến các nước cảm thấy bất tin. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Philippines cũng không muốn mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Manila - Bắc Kinh đổ vỡ. Nói cách khác, mối quan hệ hữu nghị Philippines – Trung Quốc hiện được xem là "sự chấp thuận chiến lược".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Delfin Lorenzana nhiều lần cảnh báo Trung Quốc đang có ý định xâm chiếm bãi cạn Scarborough, khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền đồng thời nhấn mạnh bất cứ hành động xây dựng nào cũng là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Lời nói của ông Lorenzana cũng ám chỉ việc Mỹ sẽ ngăn cản Trung Quốc biến Scarborough thành vùng đất của riêng mình.
Trước đó, chia sẻ với nhật báo Hải Nam hôm 13/3, một quan chức cấp cao có tên là Xiao Jie của cái gọi là "thành phố Tam Sa" cho biết quá trình chuẩn bị cho kế hoạch xây trạm kiểm soát môi trường ở bãi cạn Scarborough đang được tiến hành.
Theo ông Xiao Jie, kế hoạch chuẩn bị xây dựng trên bãi cạn Scarborough và 5 đảo khác thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) là những nội dung ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm 2017.
Còn theo thông tin nội bộ của quân đội Trung Quốc, việc Bắc Kinh xây dựng các công trình tưởng là "vô thưởng vô phạt" trên một số hòn đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông là nhằm hai mục đích. Thứ nhất, các công trình này sẽ củng cố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ hai, đây còn là các công trình phục vụ mục đích quân sự nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
Cụ thể, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đầu tiên, giới chức Trung Quốc thảo luận về việc xây dựng các ngọn hải đăng, cơ sở nghiên cứu hàng hải và cả khu nghỉ dưỡng ngay trên những khu vực mà nước này xâm chiếm ở Biển Đông. Kế hoạch này tưởng chừng là phục vụ lợi ích của cộng đồng quốc tế nhưng thực tế, Bắc Kinh đang âm mưu nhắm tới nguồn đa dạng sinh vật biển ở Biển Đông.
Và theo thời gian, Trung Quốc còn tiếp tục cho thiết lập cái gọi là "vùng đặc quyền" với sự xuất hiện của mạng lưới đường băng và cơ sở quân sự ở Biển Đông. Nói cách khác, hành động này của Trung Quốc sẽ ngăn cản các nước nhỏ hơn khẳng định chủ quyền cũng như tiến hành hoạt động cung ứng, tuần tra và trinh sát trên Biển Đông. Ngoài ra, việc trang bị các hệ thống phòng không còn cho thấy Trung Quốc đã có sẵn phương án đối phó trong trường hợp có biến.
Để minh chứng cho mong muốn cải thiện quan hệ với Philippines, hôm 22/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận nước này có kế hoạch xây dựng một trạm kiểm soát môi trường ngay trên bãi cạn Scarborough và nhấn mạnh Bắc Kinh coi trọng quan hệ với Manila.
Thực tế, trong hai tháng qua, hai quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tới thăm Philippines nhằm thiết lập quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á.
Đầu tiên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Chung Sơn đã thảo luận với Tổng thống Duterte về kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp chung cùng các cơ hội đầu tư lớn giữa hai nước. Không lâu sau, Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Uông Dương tuyên bố Bắc Kinh trao cho Manila gói hỗ trợ kinh tế trị giá 6 tỷ USD.
Đây được xem là chiến lược dùng tiền mua chuộc các nước láng giềng nghèo khó hơn và nhỏ bé hơn để đổi lấy "sự chấp thuận chiến lược" trong nhiều vấn đề nhạy cảm bao gồm cả tranh chấp chủ quyền. Trong thời gian qua, chiến lược này của Trung Quốc đã chứng minh được thành công nhất định đối với không ít các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia. Theo đó, Malaysia rất ít khi công khai chỉ trích Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia lại đấu tranh mạnh mẽ trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc dù hai nền kinh tế này phụ thuộc khá lớn vào Bắc Kinh.
Tàu cá của ngư dân Philippines quay trở về làng chài Cato ở thị trấn Infanta thuộc tỉnh Pangasinan sau khi đánh bắt ở bãi cạn Scarborough hồi năm 2016.
Còn kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái, ông Duterte đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Philippines khi chuyển từ thân Mỹ sang thân Trung Quốc dù trước đây, quan hệ Bắc Kinh – Manila rơi vào khủng hoảng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Song theo ông Heydarian, việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hauge, Hà Lan cũng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm quyền lợi của Philippines và không một quốc gia nào được phép một mình đánh bắt ở Scarborough.
Ông Heydarian nhấn mạnh sự xuất hiện của các công trình trên những hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương chiếm đóng cũng không nằm ngoài kế hoạch "tam giác chiến lược". Kế hoạch này không chỉ cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế ở Biển Đông mà còn giúp Bắc Kinh hạn chế quyền tự do đi lại trên không và trên biển của lực lượng quân sự các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như các đối thủ chiến lược như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Về phần mình, Philippines đã thẳng thắn thừa nhận quốc gia này không đủ khả năng ngăn chặn Trung Quốc. "Vậy chúng ta có thể làm gì? Phát động một cuộc chiến chăng? Bản thân tôi có thể nhưng việc này sẽ khiến chúng ta mất đi toàn bộ lực lượng quân đội và cảnh sát ngay ngày mai và chúng ta sẽ biến thành một đất nước bại trận”, AP dẫn lời ông Duterte phát biểu trong một cuộc họp báo ở sân bay phía nam thành phố Davao trước khi tới Myanmar.
Câu hỏi đặt ra liệu Mỹ, đồng minh thân thiết của Philippines hay Tokyo, đối tác của Manila sẵn lòng đưa ra lời cam kết chắc chắn trợ giúp Philippines "đủ sức" ngăn chặn hành động trái phép của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.
Còn cho tới thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chỉ cử một quan chức cấp cao là Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện chuyến thăm tới khu vực Đông Nam Á và Philippines. Hành động này được xem là chưa đủ để trấn an các đồng minh của Mỹ trước mối lo về sự lớn mạnh cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn