Chuyên gia Nga đang nỗ lực giải đáp câu hỏi: “Vì sao Pháp phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương?”
Vấn đề Biển Đông: Câu hỏi nhiều hơn câu trả lời
- Cập nhật : 23/03/2017
Mặc dù chưa rõ ASEAN - Trung Quốc có thể chính thức hóa bộ quy tắc ứng xử hay không, nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện một số yếu tố cản trở nỗ lực này. Bộ quy tắc này không trao cho ASEAN quyền hợp pháp để kiểm tra hành vi của các bên yêu sách, chứ chưa nói đến giám sát hay buộc các bên tuân thủ.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách ở Biển Đông hiện bước vào giai đoạn khá yên ả khi họ dẹp sang một bên những bất đồng và hướng tới bàn đàm phán. Đại diện đến từ những nước này đã nhóm họp tại Bali (Indonesia) từ ngày 27/2 và dự kiến sẽ tiến hành một hội nghị nữa tại Philippines trong tháng 6 tới. Mục tiêu là vào cuối năm nay có thể chính thức hóa một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để kiểm soát những tranh chấp tại Biển Đông.
Cho dù những căng thẳng trên biển giữa các quốc gia tạm lắng và một số nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ra lạc quan một cách thận trọng, song cuộc họp vừa qua làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử. Năm 1995, sau khi Trung Quốc chiếm đóng một trong những vùng lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại vùng biển Trường Sa, các quốc gia bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm đạt được một giải pháp tập thể cho Biển Đông. Tuy nhiên, gần 7 năm thảo luận không đưa ra được bộ quy tắc ứng xử nào, mà thay vào đó chỉ cho ra đời được một văn kiện không có tính ràng buộc pháp lý, đó là "Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông" (DOC) vào năm 2002.
Có vô số lý do khiến các cuộc đàm phán không thể đem lại một thỏa thuận có tính ràng buộc. Các bên liên quan chưa bao giờ nhất trí được việc xác định những thực thể nào tại Biển Đông là có tranh chấp, chủ yếu là do Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển. Ngoài ra, ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đề ra một chiến lược đoàn kết để phản bác yêu sách biển của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dùng quân bài kinh tế để chia rẽ nội bộ ASEAN. Và trên hết, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu theo đuổi tham vọng nắm quyền kiểm soát rộng hơn đối với toàn bộ Biển Đông
Trong 15 năm qua, bức tranh địa chính trị khu vực đã có nhiều biến đổi. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc - và sự thành công của nước này trong việc biến những tài sản mới tích lũy được thành sức mạnh chính trị và kinh tế - đã tái định hình chiến lược bành trường trên biển của Trung Quốc. Với bối cảnh địa chính trị mới, Trung Quốc hành động ngày càng quyết đoán tại Biển Đông, làm đảo lộn các mối quan hệ khu vực và cùng với đó làm leo thang những căng thẳng trên biển. Đơn cử như vào năm 2012, Trung Quốc châm ngòi cuộc tranh chấp lâu năm với Philippines khi chiếm giữ bãi cạn Scarborough. Hai năm sau, Bắc Kinh lại làm dậy sóng vùng biển này khi triển khi một giàn khoan nước sâu tới gần quần đảo Trường Sa, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển này.
Trong khi Bắc Kinh tiếp tục tìm kiếm vị thế thống trị trên biển, những quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền - tuy thua kém Trung Quốc rất nhiều về mặt quân sự và kinh tế - bắt đầu củng cố những yêu sách chủ quyền, năng lực quốc phòng và các liên minh chiến lược của mình. Họ cũng bắt tay với Mỹ, Nhật Bản và trong chừng mực ít hơn, với Ấn Độ và Úc để đối phó với những hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Mặc dù vậy, ASEAN chưa bao giờ từ bỏ ý định chính thức hóa một bộ quy tắc ứng xử, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh càng trì hoãn vấn đề này, họ càng có thêm nhiều cơ hội tăng cường lợi thế chiến thuật trước những bên tranh chấp khác. Và trong nội bộ ASEAN, những cấp độ quan hệ khác nhau giữa các quốc gia thành viên và Trung Quốc, cùng với những yêu sách chủ quyền chồng lấn đã làm trầm trọng thêm sự rạn nứt xã hội-kinh tế lâu nay của khối.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Hay đã ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Từ đó đến nay, ASEAN và Bắc Kinh đã có một số bước đi ban đầu nhằm tiến tới thiết lập một cơ chế quản lý tranh chấp. Trung Quốc đã bớt thái độ phản đối việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, thậm chí còn nhất trí về những biện pháp tránh xung đột như thiết lập đường dây nóng và áp dụng Quy tắc về Chạm trán Bất ngờ trên Biển. Đồng thời, Bắc Kinh đưa ra một số nhượng bộ đối với một số bên yêu sách chủ quyền, đơn cử như cho phép ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough và đề xuất những dự án khai thác năng lượng chung tại vùng biển tranh chấp. Một số bên yêu sách nhanh chóng đón nhận những hành động này của Bắc Kinh, song một số khác thì thận trọng hơn. Trong khi Philippines bắt đầu đánh giá lại lập trường của mình đối với Trung Quốc, thì Việt Nam và Malaysia lại để ngỏ các phương án ngoại giao và quốc phòng song song với nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh.
Sự thay đổi trên phản ánh thực tế là mỗi bên đều đang có sự điều chỉnh chiến lược. Bắc Kinh đang tránh làm các nước ASEAN bất mãn hơn, đồng thời ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can dự sâu hơn vào khu vực. Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN, do hoài nghi về cam kết an ninh của Mỹ hay khả năng ASEAN có thể đoàn kết đối phó với Trung Quốc, đang xoay sang hướng hành động đơn phương. Tuy nhiên, căn cứ vào những tranh chấp phải giải quyết và xét thực tế Bắc Kinh có thể sẽ không từ bỏ chủ trương quyết đoán trên biển, những nỗ lực mới nhất nhằm đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc sẽ gặp phải chính những vấn đề từng cản trở những cuộc thảo luận gần đây.
Mặc dù chưa rõ ASEAN và Trung Quốc có thể chính thức hóa bộ quy tắc ứng xử như đã hứa hay không, nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện một số yếu tố cản trở nỗ lực này. Đơn cử như bộ quy tắc ứng xử đang được đề xuất thiếu các cơ chế thực thi minh bạch. Bộ quy tắc này không trao cho ASEAN quyền hợp pháp để kiểm tra hành vi của các bên yêu sách chủ quyền, chứ chưa nói đến giám sát hay buộc các bên tuân thủ bộ quy tắc. Một ví dụ khác là ngay cả khi Trung Quốc và ASEAN phê chuẩn một bộ luật có tính ràng buộc, thì văn kiện đó khó có thể đóng vai trò là cơ chế để giải quyết tranh chấp. Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương thông qua những cơ chế mà họ thấy phù hợp, chẳng hạn như các dự án thăm dò năng lượng chung. Những triển vọng mơ hồ của bộ quy tắc khiến nhiều thành viên ASEAN tự nghĩ liệu có đáng theo đuổi một cơ chế đa phương như vậy hay không.
Theo “Stratfor”
Vũ Hiền (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông