Hàn Quốc và Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch "loại trừ" giới lãnh đạo Triều Tiên càng sớm càng tốt trong trường hợp xảy một cuộc chiến tranh sử dụng các phương tiện trên không tự động.
THAAD đang được triển khai nhanh chóng
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 3/4 dẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 2/4 cho hay do hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) có thể phòng thủ "tầng giữa", cho nên cần nhanh chóng hoàn thành triển khai.
Ông nhấn mạnh, chính phủ Hàn Quốc khóa mới phải "hiểu" lý do quyết định triển khai hệ thống THAAD của chính phủ khóa này. Hai nước Hàn Quốc và Mỹ triển khai phối hợp chặt chẽ trong vấn đề triển khai này.
Ông Yun Byung-se tin rằng chính phủ khóa mới sẽ đối mặt với sự lựa chọn rất khó khăn. Nhưng bất kể đảng nào cầm quyền đều phải "hiểu đầy đủ" tại sao chính phủ khóa này vẫn quyết định sớm triển khai THAAD, cho dù Hàn Quốc và Trung Quốc xảy ra "bất hòa".
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc cho rằng, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đưa ra phát biểu trên trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5 cho thấy chính phủ Hàn Quốc hiện đang đẩy nhanh các bước triển khai THAAD.
Ngoài ra, về khả năng Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 đang tăng lên, ông Yun Byung-se cho biết chính phủ Hàn Quốc không thay đổi lập trường đối với các hành vi "khiêu khích" của Triều Tiên. Một khi Triều Tiên gây ra khiêu khích mới thì họ sẽ phải "nuốt quả đắng".
Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một phần trong xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực Đông Bắc Á.
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cho rằng khu vực Đông Bắc Á hiện đang bị lôi kéo vào một tiến trình mà ở đó cân bằng chiến lược khu vực bị phá vỡ. Trung Quốc luôn phản đối triển khai THAAD ở Hàn Quốc, yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt hành động này.
Hàn Quốc kiện Trung Quốc lên WTO
Để ngăn chặn Hàn Quốc triển khai THAAD, Trung Quốc đã tìm mọi cách để hành động, bao gồm gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc…
Ngày 2/4, Viện tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết Đoàn đại biểu Hàn Quốc đã đưa ra khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc tiến hành "các biện pháp bảo hộ thương mại" đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc để đáp trả Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai THAAD.
Cơ quan này cho hay tại hội nghị thường kỳ của Ủy ban hiệp định rào cản thương mại mang tính kỹ thuật của WTO lần đầu tiên năm 2017 được tổ chức từ ngày 28 - 30/3, Hàn Quốc đưa ra tổng cộng 6 quan ngại đặc biệt về thương mại (STC).
Trong đó có 3 quan ngại liên quan đến Trung Quốc, bao gồm tiêu chuẩn thu phí không công bằng đối với sản phẩm dụng cụ y tế của doanh nghiệp Hàn Quốc, không thừa nhận chứng nhận quốc tế dụng cụ y tế của doanh nghiệp Hàn Quốc, sản phẩm sửa trẻ em phải đăng ký lại.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thông qua hội nghị của ủy ban lần thứ hai từ ngày 13 - 15/6 để tiếp tục tìm đối sách ứng phó về những vấn đề còn chưa được giải quyết.
Đối với vấn đề này, phía Trung Quốc giải thích, cho biết từ tháng 1 - 2/2017, xuất khẩu sản phẩm sữa của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt 270 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ, trong đó tháng 2 tăng trưởng 97,4%.
Trung Quốc dùng những vũ khí gì đối phó THAAD?
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 2/4 cho hay Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp về ngoại giao, kinh tế để đáp trả việc Mỹ - Hàn triển khai THAAD. Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố quân đội Trung Quốc không chỉ nói suông.
Tiến sĩ Diêu Vân Trúc, thiếu tướng nghỉ hưu, người từng làm việc tại Viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh thực chất là xây dựng một "mạng lưới phòng thủ tên lửa" ở tuyến một gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia.
Trung Quốc lo ngại hệ thống này có ảnh hưởng sâu xa, sẽ tăng cường vai trò ảnh hưởng và khả năng răn đe của Mỹ, về bản chất, là công cụ để Mỹ áp chế Trung Quốc về chiến lược.
Đồng thời, Trung Quốc chủ yếu lo ngại radar của hệ thống THAAD có thể dò tìm được hoạt động phóng của tên lửa Trung Quốc trong nội địa, giúp Mỹ có được khả năng cảnh báo sớm.
Nói cách khác, hiện nay, Trung Quốc không chỉ phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, mà phản đối việc triển khai loại radar này ở Nhật Bản, Australia và khả năng triển khai ở Đài Loan trong tương lai.
Đặc biệt, nếu Mỹ triển khai loại radar này ở Đài Loan thì chẳng khác nào xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, hoàn toàn đi ngược lại "cam kết một nước Trung Quốc" của Mỹ, chắc chắn sẽ gây ra chiến tranh - báo Trung Quốc khẳng định.
Ở góc độ quân sự, Mỹ triển khai radar AN/TPY-2 ở Hàn Quốc là để bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa đã có của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Sự phản đối của Trung Quốc không chỉ nhằm vào việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc mà là nhằm vào toàn bộ hành động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Đối mặt với mối đe dọa, Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó về quân sự nhằm khôi phục "cân bằng" tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với radar AN/TPY-2 ,Trung Quốc có thể sử dụng radar mảng pha cỡ lớn để tiến hành gây nhiễu. Ngoài ra, Trung Quốc có thể triển khai tên lửa kiểu cơ động như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41, diện tích phản xạ nhỏ hơn để răn đe. Hơn nữa, tên lửa có thể sử dụng áp dụng các hành động như cơ động, làm cho đối phương khó theo dõi chính xác.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng vũ khí siêu thanh để đối phó, tăng mạnh độ khó theo dõi của radar, việc đánh chặn cũng khó khăn hơn.
Trong thời chiến, Trung Quốc còn có thể tiến hành tấn công "cứng" đối với radar AN/TPY-2, đây là biện pháp giải quyết có hiệu quả và nhanh chóng. Khi đó, Trung Quốc có thể bí mật sử dụng máy bay (như máy bay chiến đấu tàng hình) hoặc tên lửa hành trình để tiến hành tấn công chính xác.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng tên lửa đạn đạo có khả năng đột phá phòng không như Đông Phong-16B lắp đầu đạn chùm để tấn công trận địa THAAD, tiêu diệt hệ thống radar.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn