Tuyến đường hàng hải Biển Đông là huyết mạch kinh tế của Nhật Bản, do đó Nhật Bản là nước ngoài khu vực can dự mạnh mẽ nhất vào vấn đề Biển Đông, phối hợp chặt chẽ với Mỹ triển khai chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ, Australia tái khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông
- Cập nhật : 25/07/2018
Ngày 24/7, các bộ trưởng ngoại giao - quốc phòng Mỹ và Australia đã tái khẳng định cam kết đối với chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Mỹ - Australia diễn ra tại bang California của Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ, và Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne của Australia nhấn mạnh, hành động quân sự hóa vùng biển tranh chấp đi ngược lại mục tiêu phát triển hòa bình của khu vực.
Tuyên bố chung sau hội nghị tham vấn ngoại giao - quốc phòng song phương nêu rõ hai bên ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ cấu trúc khu vực hiện nay, củng cố cam kết của các bên ngừng những hành động làm phức tạp các tranh chấp và không gây tổn hại các lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền lợi của tất cả các nhà nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Phát biểu họp báo sau cuộc tham vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, cả Australia và Mỹ đều mong muốn một khu vực Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng các hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa nỗ lực duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ông Pompeo khẳng định Washington sẽ tiếp tục cam kết của mình đối với khu vực, bất chấp các mối đe dọa này.
Cam kết của Mỹ duy trì sự hiện diện ở Biển Đông cũng đã được Bộ trưởng Mattis đưa ra ngày 29/5 khi phát biểu với các phóng viên trên đường tới Hawaii dự lễ bàn giao chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM).
Ông Mattis nhấn mạnh Mỹ đang thực hiện các bước đi tích cực để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các bãi đá và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trước đó, Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC) diễn ra mùa Hè này với lý do Bắc Kinh tiếp tục các hành động quân sự hóa ở Biển Đông làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.
Trung Quốc đã 2 lần liên tiếp tham gia RIMPAC – sự kiện diễn ra 2 năm/lần.
Bắt đầu từ năm 1971, cuộc tập trận hải quân RIMPAC được coi là lớn nhất thế giới này ngày càng thu hút nhiều nước trong khu vực tham gia.
Từ lúc chỉ có 8 nước tham gia vào năm 2006 đã tăng lên 22 nước vào năm 2010 và 26 nước vào 2016, nhất là trong bối cảnh Mỹ tập trung tăng cường lực lượng tại Thái Bình Dương trong chiến lược trở lại châu Á./.
TTXVN