Iran đang cùng với Nga và lực lượng tình nguyện Hezbolla giúp quân đội Syria làm thất bại cơ bản cuộc chiến tranh khủng bố ở quốc gia này và tạo điều kiện để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Kết quả này đang bị một số thế lực ngầm chống phá quyết liệt nhằm tranh giành ảnh hưởng và lợi ích địa chính trị ở Syria.
Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng dài 3.000m, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố
"Trung Quốc tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế cường độ thấp để thúc đẩy các tuyên bố của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông", báo cáo trước Quốc hội Mỹ nhận định, đồng thời báo cáo cũng bổ sung rằng Trung Quốc đang sử dụng “các bước đi đã được định sẵn nhằm tăng cường sự kiểm soát hiệu quả trên các khu vực tranh chấp và tránh leo thang thành xung đột quân sự".
Trên Biển Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng các cơ sở quân sự trên một số đảo trong tổng số 3.200 ha đảo được bồi lấp và có vẻ đang hướng đến xây dựng một lực lượng lớn gồm các máy bay chiến đấu.
Việc xây dựng đảo còn bao gồm cả các đường băng dài ít nhất 8.800 feet, các thiết bị hải cảng mới và các kho chứa nước và nhiên liệu trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Quá trình quân sự hóa tập trung vào ba đá bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo phi pháp và tự tuyên bố là đảo thuộc chủ quyền nước này, gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xubi.
"Vào cuối năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, các địa điểm đặt vũ khí cố định, doanh trại, tòa hành chính, và các thiết bị liên lạc ở ba tiền đồn trên các đá này", báo cáo cho hay. "Một khi tất cả các cơ sở này đã hoàn thành, Trung Quốc sẽ có khả năng chứa được ba trung đoàn máy bay chiến đấu trên quần đảo Trường Sa".
Các cơ sở khác đã được xây dựng trên Đá Châu Viên, Đá Gạc Ma, Đá Gaven và Đá Tư Nghĩa.
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa. Khu vực màu đỏ là nơi bố trí các hệ thống radar. Khu vực màu xanh dương là nhà chứa máy bay. Khu màu vàng xây dựng các hầm chứa các khẩu đội tên lửa cơ động. Khu vực màu xanh lơ là các điểm phòng thủ. Ảnh chụp ngày 9/3/2017
Bắt đầu vào đầu năm 2016, quân đội Trung Quốc (PLA) đã lắp đặt vũ khí phòng thủ trên các tiền đồn và tăng cường cơ sở hạ tầng liên lạc trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp.
Báo cáo của Lầu Năm Góc đã đặt câu hỏi về tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép này chỉ mang tính phòng thủ. Thay vào đó, Lầu Năm Góc cho rằng mục tiêu của PLA dường như là "cố gắng thúc đẩy quyền kiểm soát trên thực tế bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự trên Biển Đông".
Báo cáo của Lầu Năm Góc đánh giá: "Các sân bay, các khu vực bến cảng và các cơ sở tiếp tế trên các tiền đồn ở Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc duy trì một đội ngũ hải cảnh và sự hiện diện quân sự linh hoạt hơn và lâu dài hơn trong khu vực".
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang triển khai các vị trí đặt vũ khí cố định và các phương tiện liên lạc.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các vị trí đặt vũ khí là một vấn đề đáng quan tâm. Các vị trí hiện đang được trang bị pháo tầm ngắn, nhưng phân tích tình báo lại chỉ ra rằng các vị trí giống nhau có thể được nâng cấp dễ dàng để đặt các tên lửa chống tàu tầm xa hơn.
Các cơ sở này một khi hoàn thành quá trình quân sự hoá sẽ giúp Trung Quốc có đủ sức mạnh để phát hiện và đối phó với các hoạt động của các bên yêu sách khác và giảm thời gian cần thiết để đối phó với các hoạt động trên biển và trên không của kẻ thù.
Vào tháng trước, một tàu khu trục của Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải, áp sát một trong số các đá mà Trung Quốc bồi lấp, và sắp tới có lẽ Mỹ sẽ triển khai nhiều hoạt động như vậy hơn. Trước những động thái từ phía Mỹ, Trung Quốc đã phản đối cuộc tuần tra ở gần Đá Vành Khăn.
Cận cảnh Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa. Khu vực màu đỏ là nơi bố trí các hệ thống radar. Khu vực màu xanh dương là nhà chứa máy bay. Khu màu vàng xây dựng các hầm chứa các khẩu đội tên lửa cơ động. Khu vực màu xanh lơ là các điểm phòng thủ. Ảnh chụp ngày 11/3/2017
Các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài Thường trực The Hague bác bỏ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngang nhiên bác bỏ và không chấp nhận phán quyết của tòa án, và tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách trái phép đối với 90% vùng biển.
Báo cáo cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đã sử dụng các chính sách thương mại mang tính trừng phạt và các biện pháp khác để ngăn chặn sự phản đối các hành vi gây hấn của nước này.
Sau khi tòa đưa ra phán quyết vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã tăng số lượng hải cảnh, dân quân trên biển và các tàu đánh cá hoạt động tại khu vực các đảo đá đang tranh chấp.
Theo Business Insider, các lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật chiến tranh thông tin để củng cố các lợi ích chiến lược. "Cách tiếp cận này nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các hoạt động được tính toán kỹ càng, ở dưới ngưỡng kích động Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, hoặc những nước khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiến hành một cuộc xung đột mở", báo cáo cho hay. "Điều này đặc biệt rõ ràng trong việc Trung Quốc theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông".
Các chính sách bá quyền hàng hải đã làm gia tăng sự lo ngại trong khu vực về các ý định lâu dài của Trung Quốc, báo cáo cho biết.
Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Về phần mình, Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và đã viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ- Nhật, trong đó quy định quân đội Mỹ sẽ bảo vệ các hòn đảo này khỏi bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm cứ quần đảo này của Trung Quốc, báo cáo cho biết.
Năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay gần các hòn đảo trên.
Lầu Năm Góc cho rằng quân đội Trung Quốc coi các hoạt động thông tin (bao gồm chiến tranh pháp lý, chính trị và tâm lý) là hết sức cần thiết trong việc đối phó với kẻ thù khỏi can thiệp bằng cách kiểm soát thông tin trong khu vực chiến tranh.
PLA dự định sẽ sử dụng các biện pháp phong tỏa thông tin và thống trị thông tin để củng cố mục tiêu quân sự của Trung Quốc trong chiến tranh.
"Khái niệm" phong tỏa thông tin "của Trung Quốc là sử dụng các công cụ quân sự và phi quân sự của quyền lực nhà nước trên khu vực chiến đấu, bao gồm cả không gian ảo và vũ trụ", báo cáo cho biết.
Tương tự như vậy, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng các cuộc tấn công không gian mạng nếu xảy ra xung đột trong tương lai để đạt được "ưu thế về không gian mạng" bằng cách tấn công vào các lực lượng có thể làm suy giảm các hoạt động quân sự của đối phương nhằm vào Trung Quốc.
Rick Fisher, nhà phân tích các vấn đề quân sự Trung Quốc, cho biết bản báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay cung cấp những thông tin mới về những cải cách về học thuyết và cách tổ chức của PLA.
"Ngày nay, Washington và các đồng minh của Mỹ lo ngại rằng chính sách Trung Quốc của ông Trump có thể không thực sự bảo vệ lợi ích Mỹ tương tự như chính quyền Obama trước đây", ông Fisher trả lời Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế.
Chính quyền tổng thống Donald Trump “cần phải nói lên sự thật về các tham vọng quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu và nói lên sự thật về sự ủng hộ lâu dài của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân ở Triều Tiên, Iran, và cuộc khủng hoảng Hồi giáo ở Pakistan".
Ông cho rằng: "Để bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa hiện tại và tương lai từ Trung Quốc, thế giới cần nhất là những sự thật về nước này và dự báo về mối đe dọa đó".
Báo cáo mới nhất cung cấp những chi tiết mới về sư phát triển phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, các hệ thống này tương tự như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc mà Bắc Kinh đang kiên quyết phản đối.
Ngoài việc mở rộng phạm vi quân sự trong khu vực Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang mở rộng khả năng triển khai sức mạnh thông qua việc thiết lập các căn cứ ở nước ngoài cách xa bờ biển Trung Quốc. Ví dụ, vào tháng 2/2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc Sừng Châu Phi.
Các căn cứ viễn dương khác của Trung Quốc được cho là sắp được xây dựng, đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã lên kế hoạch tiến hành các hoạt động ở Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Lầu Năm Góc cũng cho biết: "Một cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng căn cứ mạnh hơn ở nước ngoài sẽ là cần thiết để Trung Quốc có thể triển khai và duy trì được sức mạnh quân sự ở những nơi xa Trung Quốc".
Báo cáo cũng cảnh báo về khả năng chiến tranh không gian của Trung Quốc. "Chương trình vũ trụ của Trung Quốc tiếp tục trưởng thành một cách nhanh chóng. Trung Quốc cũng tiếp tục phát triển một loạt các khả năng phản không được thiết kế để làm suy giảm và phủ nhận việc sử dụng các căn cứ trên không của kẻ thù trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột".
Hầu hết các chương trình chiến tranh không gian của Trung Quốc vẫn chưa được bật mí kể từ vụ nổ chống vệ tinh trong không gian năm 2007 đã tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ trôi nổi trên quỹ đạo.
Về các vấn đề khác, báo cáo cũng nhấn mạnh các khả năng quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc bao gồm việc triển khai các tên lửa tầm trung mới, DF-26, có khả năng tấn công Guam, một trung tâm quân sự chính của Mỹ ở Thái Bình Dương.
PLA là quân đội lớn nhất trên thế giới với 850.000 binh lính. Quân đội này đang trải qua một cuộc cải tổ và hiện đại hóa lớn, trang bị công nghệ cao cho binh sĩ.
Cận cảnh Đá Subi đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa. Khu vực màu đỏ là nơi bố trí các hệ thống radar. Khu vực màu xanh dương là nhà chứa máy bay. Khu màu vàng xây dựng các hầm chứa các khẩu đội tên lửa cơ động. Khu vực màu xanh lơ là các điểm phòng thủ. Ảnh chụp ngày 14/3/2017
Trong bản báo cáo, Lầu Năm Góc lần đầu tiên cung cấp chi tiết mới về một lực lượng mới trong PLA mới gọi là Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược nhằm củng cố lực lượng tình báo, không gian, không gian mạng và tác chiến điện tử. Lực lượng này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh công nghệ cao chống lại Mỹ trong tương lai.
Dữ liệu về lực lượng chiến lược vẫn bị hạn chế, nhưng lực lượng không gian vũ trụ và không gian mạng là một phần của kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công vào không gian vũ trụ và không gian mạng trong cuộc xung đột trong tương lai.
Chiến tranh không gian mạng cũng vẫn là ưu tiên quân sự của Trung Quốc. Lực lượng hỗ trợ này “có thể là bước đầu tiên trong quá trình phát triển lực lượng không gian mạng, kết hợp các khả năng trinh sát, tấn công vào bảo vệ không gian mạng chỉ trong một tổ chức", báo cáo nhận định.
Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đang mở rộng, cùng với các tên lửa và tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân, một số tên lửa mới bao gồm các hệ thống với nhiều đầu đạn và một loại máy bay ném bom chiến lược mới.
Lực lượng tên lửa đang gia tăng nhanh chóng về số lượng, tính sát thương và khả năng sống sót với các hệ thống di động trên đường. Hiện nay Trung Quốc có khoảng 75 đến 100 tên lửa đạo đạo xuyên lục địa.
Số lượng các phi cơ không người lái của Bắc Kinh cũng đang tăng lên, với năm mẫu UAV mới xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào năm ngoái, Wing Loong I, Wing Loong II, WJ-600A/D, Yunying Cloud Shadow và CH-5 (Cầu vồng 5).
"CH-5 là chiếc máy bay không người lái được trang bị vũ khí nặng nhất của Trung Quốc, có khả năng mang 16 quả bom không đối đất,” báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay . “Trong hai năm qua, PLA cũng đã công khai một máy bay không người lái mới có khả năng tình báo, giám sát, trinh sát mang tên Gongji 1 và đã triển khai các máy bay này tới Biển Đông".
Tên lửa DF-31A có tầm bắn hơn 7.000 dặm và "có thể vươn đến hầu hết các địa điểm trên nước Mỹ," báo cáo khẳng định.
Theo Lầu Năm Góc, phần lớn quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã được hỗ trợ nhờ việc đánh cắp công nghệ quân sự của nước ngoài. Công nghệ này bao gồm các động cơ máy bay, xe tăng và tàu biển, điện tử bán dẫn và bộ vi xử lý cùng các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát. Công nghệ đánh cắp được Trung Quốc sử dụng cho vũ khí và các hệ thống khác.
Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết, sự cân bằng quân sự ở eo biển Đài Loan ngày càng trở nên mất cân bằng theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
"Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã thể hiện sự vượt trội của PLA, những lợi thế này bao gồm: PLA không thể triển khai đủ sức mạnh qua eo biển Đài Loan, sự vượt trội về mặt công nghệ của quân đội Đài Loan và những lợi thế về địa lý vốn có trong việc bảo vệ hòn đảo", báo cáo cho biết.
Theo Business Insider, những nâng cấp quân sự gần đây của Đài Loan chỉ giúp cải thiện một chút sự mất cân bằng này.
Chính quyền của ông Trump mới đây đã trì hoãn thỏa thuận thương mại bán 1 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan vì lo sợ việc chuyển giao này sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung đi xuống, trong khi Trung Quốc đã cam kết sẽ cố gắng kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn