Biển Đông đối với Nga là một phần của trò chơi toàn cầu lớn hơn, trong đó Nga không đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, ngược lại còn ngầm hỗ trợ Bắc Kinh.
Mỹ trở lại Đông Nam Á
- Cập nhật : 22/04/2017
Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông và khắp châu Á - Thái Bình Dương
Là khu vực có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của các tổng thống Mỹ trước đó, Đông Nam Á đến giờ dường như vẫn chưa được chính quyền ông Donald Trump để mắt nhiều.
Thông điệp trấn an
Dù vậy, chuyến thăm Indonesia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 20-4 đánh dấu tình hình có thể khác đi trong thời gian tới. Tại Jakarta, ông Pence thông báo Tổng thống Trump sẽ đến khu vực này vào tháng 11 để dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines và Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam.
Các nước Đông Nam Á tìm kiếm cam kết của Mỹ trong việc đối trọng với Trung Quốc giữa lúc có nỗi lo tân tổng thống Mỹ đang dành ưu tiên nhiều hơn cho quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, nỗ lực chống khủng bố ở Trung Đông, đối phó mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Chưa hết, khu vực 600 triệu dân này còn băn khoăn về tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ thời ông Trump sau khi nhà lãnh đạo này theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” và rút nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quan hệ chưa rõ ràng giữa ông Trump và Trung Quốc, cộng với chính sách đối ngoại không chính thống, cũng làm dấy lên thắc mắc liệu ông chủ Nhà Trắng có giảm bớt sức ép đối với vấn đề biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên hay không.
Bà Amy Searight, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhận định với AP rằng khu vực này rất muốn biết chính quyền ông Trump có lập trường ra sao về biển Đông, cũng như có hướng tiếp cận thế nào đối với Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa ông Pence và Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo phần nào phát đi thông điệp trấn an rằng những mối bận tâm của ông Trump ở châu Á không chỉ có Bình Nhưỡng và tình trạng mất cân bằng thương mại khổng lồ với Bắc Kinh.
Theo phó tổng thống Mỹ, Washington đang có những bước đi củng cố quan hệ đối tác, hữu nghị với ASEAN, trong đó chú trọng hợp tác về kinh tế, an ninh, chống khủng bố và giải quyết vấn đề biển Đông.
Tại cuộc họp báo chung với ông Widodo, ông Pence đặc biệt nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông và khắp châu Á - Thái Bình Dương, cũng như bảo đảm dòng chảy thương mại ở khu vực. Tại Washington, quan chức ngoại giao Patrick Murphy hôm 20-4 nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông dù vẫn chưa có hoạt động nào như thế diễn ra kể từ khi ông Trump lên nắm quyền 3 tháng trước.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 20-4 Ảnh: REUTERS
Tâm điểm biển Đông
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng người đồng cấp 6 nước Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Anh nhấn mạnh lập trường phản đối quân sự hóa biển Đông và việc đe dọa, sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp hàng hải.
Trong thông cáo chung được đưa ra sau một hội nghị gần đây của G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) tại Ý, các ngoại trưởng nói trên nhất trí duy trì cam kết gìn giữ trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế. “Chúng tôi coi phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague… là cơ sở hữu ích cho những nỗ lực tiếp theo để giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông” - thông cáo chung cho biết.
Tình hình biển Đông dự kiến cũng đứng đầu chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Manila - Philippines từ ngày 26 đến 29-4. Ông Robespierre Bolivar, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines hôm 19-4 cho biết hội nghị dự kiến tập trung thảo luận một khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) - được soạn thảo nhằm giảm bớt rủi ro đối đầu vũ trang giữa các bên tranh chấp. Ông cho biết thêm Manila bày tỏ hy vọng khuôn khổ này được hoàn tất trong năm nay.
Sự ra đời của COC, nếu có, là cần thiết trong bối cảnh tình hình biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong động thái gây căng thẳng mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cùng Tham mưu trưởng quân đội Eduardo Ano hôm 21-4 thăm đảo Thị Tứ (Manila gọi là Pag-asa, Bắc Kinh gọi là Trung Nghiệp) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông do Philippines chiếm đóng trái phép.
Đáng chú ý là 2 máy bay quân sự C-295 và C-130 trong lúc chở những quan chức nói trên đến Thị Tứ đã bị Trung Quốc cảnh báo tránh xa khu vực này. Các phi công của chiếc C-295 cho biết họ bị thách thức tại khu vực rìa đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng trái phép - người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines Restituto Padilla có mặt trên chuyến bay cho biết.
Cùng ngày, các quan chức Philippines cho biết đang điều tra cáo buộc một tàu cá nước này bị tàu tuần duyên Trung Quốc bắn tại biển Đông. Tuyên bố của Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết không có thương vong nào trong vụ nổ súng xảy ra hôm 27-3.
Trang Rappler nhận định nếu vụ việc được xác nhận, đây sẽ là hành động thù địch đầu tiên liên quan đến tàu 2 nước ở biển Đông trong gần 1 năm qua. Quan hệ Manila - Bắc Kinh đã dần ấm trở lại kể từ khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines vào giữa năm 2016.
Hoàng Phương
Theo nld.com.vn