Nếu Tập Cận Bình có thể mang lại cho Trump chiến thắng trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ có thể đáp lại bằng cách làm ngơ cho Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Liên minh Nhật - Ấn trước tính khó lường của chính quyền Donald Trump
- Cập nhật : 22/04/2017
Trong bối cảnh khó dự đoán về định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền D. Trump, Nhật Bản sẽ tranh thủ việc cải thiện quan hệ với các đối tác khác ở khu vực và quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, một đối tác tự nhiên của Nhật Bản.
Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao tại Tokyo để thảo luận về tình hình quốc tế kể từ khi Chính quyền D. Trump nhậm chức. Hai nước sẽ bàn các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh cũng như các vấn đề khu vực như việc mở rộng hoạt động trên biển của Trung Quốc. Trong những năm qua, Nhật Bản và Ấn Độ đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược quốc tế, đẩy mạnh quan hệ kinh tế và an ninh. Trong bối cảnh Chính quyền mới của Mỹ như hiện nay, việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước là rất cần thiết.
Ngày 10 - 11/2, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp cấp cao chính thức với Tổng thống Mỹ D. Trump. Xác định Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã tái khẳng định lại điều cốt tử của mối quan hệ an ninh và thương mại với Mỹ. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống D. Trump đã đánh giá liên minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương và chính quyền mới ở Mỹ cam kết bảo vệ an ninh của Nhật Bản và cả khu vực.
Mặc dù có ít hoài nghi về khả năng của liên minh nhiều thập niên phải vượt qua biết bao giông tố ngoại giao, vẫn còn nhiều điều khó dự kiến trong định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền D. Trump. Những điều khó lường như vậy đang đặt ra cho nguy cơ hiểu lầm về chiến lược đối với Nhật Bản và cấp thiết đòi hỏi Nhật Bản phải tìm kiếm một sự ổn định chiến lược bổ sung bên cạnh liên minh với Mỹ. Trong bối cảnh địa chính trị như vậy, Nhật Bản sẽ tranh thủ việc cải thiện quan hệ với các đối tác khác ở khu vực và quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, một đối tác tự nhiên của Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản năm 2016 đã tính đến vai trò khu vực quan trọng hơn của hai nước. Cùng chia sẻ quan điểm về dân chủ và không có những tranh chấp lịch sử như Trung Quốc và Hàn Quốc, nên Nhật Bản và Ấn Độ là đồng minh tự nhiên và sẵn sàng mở rộng qui mô hợp tác kinh tế, chiến lược và quốc phòng. Càng có ý nghĩa hơn khi Nhật Bản là nước duy nhất được Ấn Độ cho phép thâm nhập vào khu vực Đông Bắc của Ấn Độ rất nhạy cảm về chính trị để Nhật Bản đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1981, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho khu vực này những khoản cho vay nhà nước để phát triển trong các lĩnh vực năng lượng, cung cấp nước, khai thác rừng và xây dựng đô thị. Hơn nữa, lần đầu tiên, Ấn Độ đã cho phép đầu tư nước ngoài vào các đảo có ý nghĩa chiến lược sống còn là Andaman và Nicobar. Ngoài ra, năm 2016 hai nước đã ký hiệp định năng lượng dân sự, đưa Ấn Độ là nước đầu tiên chưa ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, ký một hiệp định như vậy với Nhật Bản.
Ấn Độ và Nhật Bản chia sẻ quan điểm về những điều khó dự báo về chính sách đối ngoại của Chính quyền D. Trump. Thông qua những tuyên bố của D. Trump, các đồng minh của Mỹ đang đặt ra câu hỏi về độ tin cậy về lãnh đạo và cam kết của Mỹ đối với họ. Tổng thống D. Trump đã giới thiệu Nhật Bản như là một kỵ sỹ đơn độc được hưởng sự bảo đảm về an ninh của Mỹ mà không phải chịu chi phí. D. Trump cũng phê phán chính sách của Nhật Bản về sản xuất ô tô cũng như phá giá tiền tệ.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước ASEAN đang có xung đột với Trung Quốc về lãnh thổ tại Biển Đông. Những căng thẳng này cùng với khả năng Mỹ giảm vai trò trong khu vực có thể sẽ làm cho những nước này dễ bị kích động trước viễn cảnh Trung Quốc nổi lên như một nhân tố duy nhất thống trị khu vực.
Nhật Bản và Ấn Độ đã gia tăng cam kết với các nước trong khu vực như: Thủ tướng Abe đã thăm Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam tháng 1/2017 nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các nước này trong khi chính sách hướng Đông của Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng muốn tăng tính kết nối với các quốc gia Châu Á trên.
Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định khu vực, Nhật Bản và Ấn Độ có thể cũng phải cam kết với trung Quốc về việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các xung đột khu vực. Một số nước có thể khẳng định Ấn Độ không có tham vọng chính trị đảm nhận một vai trò lãnh đạo quan trọng hơn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, Ấn Độ cũng đã hoạt động tích cực để làm giảm sự chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương, nơi truyền thống thuộc ảnh hưởng của Ấn Độ. Giữa tháng 2/2017, Ấn Độ và Nhật Bản đã thỏa thuận cùng đóng vai trò quan trong trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Kiren Rijiru, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ tuyên bố rằng hai nước có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định khu vực vì cả hai nước không thấy cần thiết quân sự hóa khu vực này và Thủ tướng Modi sẽ thắt chặt quan hệ với Thủ tướng Nhật Bản Abe.
Theo “Iiris-france”
Mỹ Anh (gt)
Nguồn: nghiencuubiendong.vn