Các nhà phân tích nhận định cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều không sẵn sàng bước đến miệng hố chiến tranh vì không gánh nổi bi kịch "không thể tin nổi".
Xáo bài để giữ quyền lực
Theo Unz Review, thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI đã gây ra sự sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực. Sự trỗi dậy của nền kinh tế đa cực trên thế giới đã làm tăng động lực khôi phục chủ nghĩa đơn cực bằng các biện pháp quân sự, được thực hiện bởi các nhà quân sự không có khả năng điều chỉnh hoặc đánh giá các chính sách.
Dưới thời ông Obama, người được bầu vì lời hứa củng cố quân đội, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo đuổi 7 cuộc chiến. Với các nhà hoạch hoạch định chính sách và các nhà tuyên truyền ở Mỹ và EU, những cuộc chiến ở Somalia, Iraq và Afghanistan đều thành công. Tư tưởng này khiến chính quyền mới thực hiện các cuộc chiến mới ở Ukraine, Libya, Syria và Yemen.
Khi làn sóng chiến tranh và đảo chính (thay đổi chế độ) để tái xây dựng trật tự đơn cực thất bại, các chính sách quân sự lớn hơn đã chuyển trọng tâm từ các chiến lược kinh tế sang mục tiêu thống trị toàn cầu. Các nhà quân sự theo tư tưởng đơn cực trực tiếp chỉ đạo bộ máy nhà nước lâu dài đã tiếp tục hy sinh thị trường và đầu tư mà không chịu trách nhiệm về những hệ quả xấu lên nền kinh tế trong nước.
Các cuộc đảo chính và lật đổ chính quyền đã hạ bệ các chính phủ ở Argentina, Brazil, Paraguay, Honduras và đe dọa các chính quyền cấp tiến ở Bolivia, Venezuela và Ecuador.
Tuy nhiên, sự phục hồi này ở Mỹ Latin không bền vững cả về mặt chính trị lẫn về kinh tế, đe dọa phá hoại việc phục hồi sự thống trị đơn cực của Mỹ ở khu vực trên.
Quân đội Mỹ có mặt ở Syria hỗ trợ một số nhóm "nổi dậy ôn hòa" khiến cục diện cuộc chiên ngày càng trở nên phức tạp
Unz Review đánh giá, Mỹ cũng không đưa ra các viện trợ kinh tế hay mở rộng thị trường để ủng hộ các chính quyền mới. Do đó tình hình kinh tế trong nước cũng chẳng khác gì trước khi đảo chính, thậm chí còn tệ hơn. Chẳng hạn ở Argentina, các chính sách của tân tổng thống chỉ khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và làm giảm mức sống của người dân, trong khi đó Mỹ cũng không hỗ trợ kinh tế cho nước này.
Tương tự, tình hình tham nhũng trầm trọng, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao chưa từng thấy ở Brazil đã đe dọa chế độ của Michel Temer với cuộc khủng hoảng kéo dài và xung đột giữa các giai tầng xã hội ngày càng cao.
Làn sóng chiến tranh ở Đông Âu và Bắc Phi do chủ nghĩa đơn cực gây ra dường như đã thành công. Nhưng sau đó sự sụp đổ cùng sự hỗn loạn đã khiến hàng triệu người tị nạn đến châu Âu. Làn sóng phản đối các cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã thúc ép Mỹ quay trở về trật tự đa cực.
Các phong trào Hồi giáo cực đoan nổi lên đã đẩy Mỹ vào cố thủ trong các đồn bốt, trong khi chiếm cứ các vùng nông thôn và bao vây các thành phố tại Afghanistan. Các thế lực được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, Yemen, Somalia và Libya, cũng như các nhóm lính đánh thuê buộc phải tháo chạy.
Tập hợp và tấn công
Đối mặt với những thất bại này, các lãnh đạo theo chủ nghĩa đơn cực đã tụ họp lại và thực hiện một chiến lược quân sự nguy hiểm nhất: xây dựng khả năng “tấn công phủ đầu” nhằm vào Trung Quốc và Nga.
Trước tiên đối với Nga, Mỹ đã cố tình ủng hộ cho vụ đảo chính ở Ukraine, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ thân Nga ở đất nước này. Nga sau đó lại tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Còn phần lớn người Nga ở tỉnh Donbass cũng đang chiến đấu với chính phủ ở Kiev, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy tị nạn tới Nga.
Mỹ lại tài trợ cho Ukraine và dẫn dắt thực hiện các vụ đảo chính, trong khi vẫn không phải chịu hậu quả từ những hành động này.
Trong khi đó Mỹ đang ngày càng gia tăng quân đội chiến đấu ở Afghanistan, Iraq và Syria để củng cố đồng minh và lực lượng lính đánh thuê.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng dù gia tăng hay mất quyền lực, cũng như bất chấp các tuyên bố đơn cực vào những năm 1990, không sự tiến bộ về quân sự hay chính trị nào được duy trì.
Điển hình là ở Iraq. Nước này bị Mỹ chiếm đóng nhưng Mỹ cũng phá hoại xã hội dân sự của Iraq cùng nền kinh tế nước này, gây ra những làn sóng thanh trừng sắc tộc, làn sóng tị nạn và cuộc nổi dậy của người Hồi giáo, sau đó lan ra toàn lãnh thổ. Chính các chính sách của Mỹ ở Iraq và những nơi khác đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư tràn ngập khắp châu Âu.
Một tình huống tương tự đang diễn ra trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI: các chiến thắng quân sự đã tạo ra các lãnh đạo kém hiệu quả. Các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ngày càng phụ thuộc vào những kẻ cực đoan Hồi giáo và lính đánh thuê ở bên ngoài.
Theo Unz Review, các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào những người có khả năng dẫn dắt các quốc gia đa văn hóa như Iraq, Libya, Syria và Ukraine là một bức tranh biếm họa về Pol Pot ở Campuchia trước đây.
Điểm yếu thứ hai dẫn đến sự sụp đổ của tư tưởng đơn cực là việc Mỹ không có khả năng suy nghĩ lại về các giả định và tái định hướng, cũng như tái cân bằng lại mô hình quân sự chiến lược từ mớ hỗn độn hiện nay do chính Mỹ gây ra. Mỹ không muốn hợp tác với giới lãnh đạo có trình độ ở các nước bị chinh phục.
Vì làm như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ phải duy trì hệ thống an ninh kinh tế xã hội còn nguyên vẹn tại các nước này, đồng nghĩa với việc bác bỏ mô hình chiến tranh trước đây, cho phép các nước này phát triển thay vì áp đặt các mô hình kém hiệu quả.
Cái gọi là “nhà nước chìm” thực chất là một hệ thống cầm quyền được điều hành bởi các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Đó không phải là một thực thể vô nghĩa mà là một tầng lớp, có bản sắc kinh tế và ý thức hệ.
Hiện nay các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ đang đổ lỗi cho những thất bại quân sự của họ cho Nga và Trung Quốc.
Quả thực chiến dịch đổ lỗi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử cho sự can thiệp của Nga đã phản ánh tình trạng thù địch sâu sắc với Nga và sự khinh thường cho những cử tri đã bỏ phiếu cho Trump. Việc giới lãnh đạo Mỹ không kiểm soát được những thất bại và hệ thống chính trị không loại bỏ được các nhà hoạch định chính sách thảm họa là mối đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của thế giới.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn