Trào lưu chủ nghĩa dân tộc dâng cao, cộng với sự mất cân bằng quyền lực ngày càng tăng giữa giới quân đội và ngoại giao trong quá trình hoạch định chính sách an ninh/ đối ngoại đang buộc chính quyền Bắc Kinh phải thiên về xu hướng bảo vệ vững chắc các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung-Nga trong Thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong khi Moscow lo ngại chính sách “tái khởi động” quan hệ với Nga của Tổng thống Obama có thể bị nhạt nhòa, Bắc Kinh vẫn cho rằng quan hệ đối tác Trung-Mỹ vẫn tiến triển ổn định, bất chấp mưu đồ “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á.
Tranh minh họa: The Voice of Russia |
Nhiệm kỳ tổng thống bốn năm lần thứ hai của Barack Obama diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên thành một siêu cường và mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung Quốc-Nga có ý nghĩa quan trọng đối với việc thế kỷ 21 trở thành Thế kỷ Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bài viết đăng trên Asia Times Online ngày 9/1, cựu đại sứ Ấn Độ M K Bhadrakumar nhận định các bức điện mừng cũng như phản ứng ban đầu của Bắc Kinh và Moscow cho thấy mức độ kỳ vọng của Trung Quốc và Nga đối với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama.
Nga phản ứng khá thận trọng
Moscow đã bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời, khi điện Kremlin không chơi “con bài Dmitry Medvedev”, mặc dù ông này đã giành được thiện cảm của Tổng thống Obama, trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga cho đến tháng 5/2012.
Có lẽ vì thế mà điện Kremlin đã để cho Thủ tướng Medvedev phản ứng công khai trong khi ông này đang ở thăm Việt Nam. Ông Medvedev đã nói: “Tôi rất vui mừng rằng nhà nước lớn nhất và mạnh nhất thế giới đang được điều khiển bởi một nhân vật không coi Nga một trong những kẻ thù địa chính trị. Tôi tin rằng ông Obama là một vị tổng thống thành công ... Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có quan hệ bình thường với Tổng thống Obama. Đây là điều quan trọng đối với tình hình thế giới”.
Trong khi đó, tuyên bố của Ngoại trưởng Sergey Lavrov hàm chứa thông điệp của Tổng thống Putin: “Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Obama. Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực hết mình trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, chừng nào chính quyền mới của Mỹ cũng sẵn sàng làm điều tương tự”.
Nhà phân tích Sergei Rogov, giám đốc của Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moscow, cho rằng Tổng thống Obama sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác của Nga về Afghanistan, về các vấn đề giải trừ quân bị… và một số “cuộc thảo luận rất nghiêm túc” có thể diễn ra về chương trình phòng thủ tên lửa.
Quan hệ Trung-Mỹ: Có mâu thuẫn nhưng không đối đầu
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng những mâu thuẫn trong quan hệ với Mỹ là có thể xử lý được và không nhất thiết phải biến thành đối đầu. “Con át chủ bài” của Trung Quốc là tình trạng phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ song phương và Bắc Kinh tự tin có thể đóng một vai trò hữu ích trong sự phục hồi kinh tế Mỹ.
Tân Hoa Xã bình luận: “Không có Tổng thống Mỹ nào có thể tránh quan hệ với Trung Quốc trong bốn năm tới, khi kim ngạch thương mại song phương lên tới 500 tỷ USD trong năm nay và mỗi ngày có tới gần 10.000 người qua lại giữa hai nước”.
Về vấn đề này, Tân Hoa Xã viết: “Thông qua nhận thức chung về việc xây dựng một quan hệ đối tác-hợp tác dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, hai nước đã xác định được vai trò của nhau và mối quan hệ song phương một cách rõ ràng, tích cực hơn. Tuy nhiên, tranh chấp giữa nước công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới (Mỹ) và nước đang phát triển lớn nhất thế giới (Trung Quốc) là không thể tránh khỏi và luôn có nguy cơ biến thành đối đầu, nếu Mỹ không chịu từ bỏ lối tư duy bá quyền truyền thống… Mỹ cần đến Trung Quốc, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về các lĩnh vực khác. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy toàn cầu hóa đã làm cho các nước phụ thuộc lẫn nhau ...”
Cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều quan tâm theo dõi ai sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, sau khi bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ từ chức. Cả hai bên đều mong đợi Tổng thống Obama sẽ chọn Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, làm ngoại trưởng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lấy làm tiếc về sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner.
Cựu Đại sứ M K Bhadrakumar là một nhà ngoại giao Ấn Độ chuyên nghiệp, từng làm nhiệm vụ ở Liên Xô, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đức, Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Bích (theo Asia Times Online, Đất Việt)