Ý tưởng này đang tạo ra những phản ứng khác nhau giữa các bên và trong giới học giả, đồng thời đặt các nước trong khu vực vào tình thế khó xử giữa 2 siêu cường
Tổng thống Trump có thể hòa giải chuyện Biển Đông?
- Cập nhật : 14/11/2017
Có ít nhất hai nguyên thủ đã nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc thảo luận với ông Tập Cận Bình là Tổng thống Trump (tại Bắc Kinh) và Tổng thống Rodrigo Duterte (tại Đà Nẵng).
Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 12-11, ông Trump đã đưa ra lời đề nghị trong cuộc họp báo chung: "Nếu tôi có thể giúp, hãy vui lòng cho tôi biết. Tôi là một nhà hòa giải, và là một trọng tài rất giỏi".
Tuyên bố tự tin của nhà lãnh đạo Mỹ ngay lập tức được Philippines hưởng ứng, nhưng đó là một sự lạc quan... đầy thận trọng.
Phát biểu trước báo giới ở Manila ngày 12-11, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano bày tỏ: "Chúng tôi hoan nghênh đề xuất (của ông Trump). Chúng ta hãy chờ xem mọi người sẽ phản hồi ra sao. Trong những trường hợp thế này, cần phải có một phản hồi chung của tất cả".
Ông Cayetano muốn nói rằng "cần phải có một tuyên bố chung của ASEAN" nếu mọi người thực sự ủng hộ vai trò hòa giải của Tổng thống Trump.
Các anh muốn kiểm soát các tuyến đường biển, hay chúng tôi được phép đi lại tự do? Không bị giới hạn, không bị quấy rầy, không bị khiêu khích?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu vấn đề ông sẽ hỏi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước chuyến công du Việt Nam
Cơ hội chiến lược cho Trung Quốc?
Quả thật, thực tế có thể khó khăn hơn một câu nói. Giới quan sát nhận xét ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn nếu muốn làm "nhà hòa giải".
Khó khăn lớn nhất, đó là Trung Quốc luôn cực lực phản đối sự can dự của Mỹ vào Biển Đông và đòi giải quyết tranh chấp trên cơ sở đối thoại song phương với các nước có liên quan.
Theo Đài CNN, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Manila, truyền thông nhà nước Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh ông Tập Cận Bình cam kết sẽ làm việc với các đối tác ASEAN "để giữ hòa bình, ổn định, sự phát triển và thịnh vượng cho khu vực".
Bản tin của Trung Quốc còn bổ sung rằng Tổng thống Phlippines Duterte đã hứa sẽ giải quyết các tranh chấp trên biển "thông qua các kênh song phương, đúng theo thỏa thuận đạt được giữa hai nước".
Một sự nhắc nhở?
Lùi lại hai ngày, các thông điệp (về Biển Đông) trong chuyến thăm của ông Trump đến Trung Quốc cũng là một sự lặp lại (và hơi lu mờ trước các thỏa thuận làm ăn trị giá hơn 250 tỉ USD), bao gồm:
(1) Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định quan điểm của Mỹ về tranh chấp Biển Đông không thay đổi: các bên liên quan cần phải ngưng hoạt động xây dựng và quân sự hóa; (2) Ông Trump và ông Tập đã thảo luận những cách để tránh "rủi ro, hiểu lầm và tính toán sai" trên tuyến hàng hải quan trọng; (3) Ông Tập "nhắn nhủ" với ông Trump rằng Thái Bình Dương "đủ rộng cho cả Trung Quốc và Mỹ".
Giới quan sát lưu ý rằng kể từ khi ông Trump nhậm chức, ưu tiên của Mỹ trong khu vực chuyển sang nơi khác, tập trung chủ yếu vào việc đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Ông Harry Kazianis - chuyên gia quốc phòng thuộc Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia (Mỹ), nhận định rằng dù Bắc Kinh bực bội vì màn đối đầu hạt nhân không lối thoát trên bán đảo Triều Tiên, nhưng việc Mỹ chuyển hướng mối quan tâm cũng tạo cho Trung Quốc "nhiều cơ hội chiến lược".
Chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á giống như căn phòng bị hút hết khí oxy. Biển Đông, Đài Loan, Hoa Đông... Đối với Trung Quốc, đây là thời cơ của họ"
Ông Harry Kazianis - chuyên gia quốc phòng thuộc Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia (Mỹ)
Trung Quốc sẽ không nhượng bộ
Theo báo Inquirer của Philippines, Tổng thống Duterte kể lại rằng trong cuộc gặp ở Đà Nẵng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn an ông bằng "ý định hòa bình" của Trung Quốc ở Biển Đông. Và khi ông Duterte đề cập đến năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, ông Tập đáp ngắn gọn: "Không, điều đó không có gì cả".
"Ông ấy công nhận là chiến tranh không thể bị phát động bởi bất cứ ai, và nó chỉ mang lại sự hủy diệt cho tất cả chúng ta. Ông ấy biết nếu ông ấy khơi mào chiến tranh, mọi thứ sẽ nổ tung" - ông Duterte kể lại trước các phóng viên trong cuộc họp báo sáng chủ nhật (12-11).
"Và ông ấy nói: Đừng lo, các bạn có quyền đi lại tự do trong an toàn" - Tổng thống Duterte nhắc lại lời ông Tập.
Tuy nhiên, ông Duterte cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, và ông có lý do để hoãn việc yêu cầu Trung Quốc chấp hành phán quyết của Tòa trọng tài The Hague.
Tổng thống Duterte khẳng định chính quyền Philippines dưới thời ông "không từ bỏ bất cứ thứ gì" cho Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ. "Cứ xem như tôi không muốn nói về chuyện đó lúc này. Đây không phải là lúc cứng rắn" - ông Duterte tuyên bố.
Bộ quy tắc ứng xử
Tổng thống Duterte cho biết ông Tập đã "tỏ ra ngạc nhiên" khi Manila, trong tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, hạ quyết tâm thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
"Chủ tịch Tập Cận Bình có nhắc đến một hội nghị hay cuộc họp đa phương, chỉ để nói về COC, không liên quan đến chủ quyền. Nếu anh đi đến bàn đàm phán để bàn yêu sách thì anh chỉ phí thời gian, họ sẽ không thảo luận gì hết" - ông Duterte giải thích.
Trước đó, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, thông báo "đã có một sự đồng thuận về khuôn khổ của COC", các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục và Manila trông đợi mọi thứ sẽ hoàn thành.
Theo báo Inquirer, dù được đa số ca ngợi là sự tiến bộ, cũng có ý kiến nghi ngờ rằng động thái thúc đẩy COC của Trung Quốc chỉ mang tính "câu giờ" nhằm củng cố sức mạnh. Ngoài ra, COC chỉ mới dừng ở giai đoạn "thỏa thuận khung" và tính hiệu quả của nó trên thực tế vẫn là dấu hỏi.
Dẫn một nguồn tin ngoại giao, tờ báo Philippines cho biết bước tiếp theo là ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành thương lượng chính thức COC, và các cuộc tiếp xúc sớm nhất chỉ có thể bắt đầu từ tháng 2-2018.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc phát đi chiều 13-11 sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có đoạn viết:
"Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông"".
PHÚC LONG
Theo Tuoitre.vn