Mỹ đã sử dụng thuật ngữ mới là Chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” để thay thế cho “Châu Á- Thái Bình Dương” Điều này có ý nghĩa gì?
Việt Nam có cần đánh giá lại chiến lược của Mỹ với châu Á và Biển Đông?
- Cập nhật : 17/11/2017
Mua vũ khí Mỹ cũng tốt thôi. Nhưng đó có phải là phương án tối ưu nhất, hay chỉ giúp làm giàu thêm cho Mỹ, nhưng lại gia tăng rủi ro chiến lược cho Việt Nam?
Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC 2017 đã kết thúc thành công tốt đẹp tại Đà Nẵng.
Việt Nam đã làm tốt nhất công tác chuẩn bị và triển khai mọi mặt cho sự kiện này, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè, đối tác, mặc dù phải lo đối phó với thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng.
Tại diễn đàn này, dư luận trông đợi Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai siêu cường có ảnh hưởng chi phối tới nền chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay và trong tương lai, công khai các chiến lược mới của mình.
Bởi lẽ nước Mỹ có người chèo lái mới, còn lãnh đạo Trung Quốc bước sang nhiệm kỳ 2 với nhiều thay đổi về đối nội, đối ngoại.
Những điều chỉnh chiến lược mới của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cấu trúc địa chính trị - địa kinh tế, an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.
Quan sát những động thái, diễn biến gần đây của hai cường quốc này, chúng tôi rút ra mấy lời nhận xét xin chia sẻ với bạn đọc gần xa.
1. Chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa" của Tổng thống Donald Trump là một bước ngoặt mới của chính trị - kinh tế và an ninh quốc tế
Nếu như chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama lấy kiềm chế Trung Quốc làm mục tiêu, lấy bố trí lại lực lượng quân sự và dùng TPP làm công cụ, thì ngài Donald Trump đã có sự điều chỉnh hoàn toàn khác.
Cũng giống như Barack Obama, ông Donald Trump nhận thức được nguy cơ một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thay thế địa vị siêu cường số 1 của Mỹ.
Người đứng đầu Trung Nam Hải đã chẳng giấu diếm “Trung Quốc mộng” từ lúc lên nắm quyền, và công khai ngỏ ý “chia đôi” Thái Bình Dương với chủ nhân Nhà Trắng.
Tuy nhiên, giải pháp mà ông Donald Trump lựa chọn để “chữa tận gốc”, là làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, vĩ đại trở lại, chứ không phải “cắt ngọn” bằng cách “xoay trục” hay “tái cân bằng”.
Chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa" được Tổng thống Donald Trump thể hiện khá cụ thể trong phát biểu của mình tại Đà Nẵng, cũng như các hoạt động giữa Mỹ với đồng minh, đối tác trong khu vực thời gian gần đây.
Chúng tôi nhận thấy, chiến lược này của ngài Donald Trump tập trung vào mấy nội dung chính:
- Thiết lập lại luật chơi và sân chơi tại châu Á - Thái Bình Dương theo hướng từ công sang công - thủ toàn diện;
Từ chỗ lấy kiềm chế Trung Quốc làm mục tiêu, củng cố quan hệ đồng minh - đối tác an ninh làm phương tiện phục vụ chiến lược "xoay trục" sang hợp tác bình đẳng và tìm kiếm đối tác mạnh, phục vụ chiến lược "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
- Đặc trưng của chiến lược "xoay trục" thời chính quyền Barack Obama là Mỹ làm trọng tâm, các đồng minh, đối tác trong khu vực là vệ tinh giúp Mỹ thực hiện cân bằng chiến lược với Trung Quốc.
Nhưng thực tế cho thấy, chiến lược xoay trục đã không thành công mà chỉ làm tăng gánh nặng tài chính và tiêu tốn tài nguyên chiến lược của Mỹ, tao cơ hội cho Trung Quốc phất lên.
Bởi suy cho cùng, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đi đến chiến tranh, nhưng cả hai đều muốn lợi dụng các căng thẳng, điểm nóng trong khu vực để gia cố ảnh hưởng, gia tăng thu nhập.
- Đặc trưng chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa" là Mỹ buộc các đồng minh, đối tác phải gánh trách nhiệm và trả chi phí cho an ninh của mình, Mỹ sẽ không tiếp tục "bao" như trước.
Thậm chí các đồng minh, đối tác của Mỹ liên tục được chào mời mua sắm thêm vũ khí Mỹ. Đôi khi không chỉ còn là lời mời, mà là sức ép.
Quan sát bán đảo Triều Tiên thời gian qua, có thể thấy rõ điều này.
2. Những dấu hiệu nhận diện sự hiệu chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ với khu vực sau khi Donald Trump lên nắm quyền
Lâu nay dường như giới quan sát chỉ tập trung theo dõi chính sách an ninh của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương, tách bạch an ninh khỏi kinh tế.
Bởi vậy khi ngài Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP, nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí thất vọng. Đã có những tiếng nói chỉ trích từ chính nội bộ chính giới và xã hội Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, phát biểu tại Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định:
“An ninh kinh tế không chỉ đơn thuần liên quan đến an ninh quốc gia. An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia. Điều đó rất quan trọng với sức mạnh quốc gia của chúng ta.”
Cấu trúc địa chính trị, cấu trúc an ninh quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh khiến nước Mỹ hao tiền tốn của để duy trì vị thế siêu cường trong đối ngoại.
Mấy chục năm sau chiến tranh, Hoa Kỳ mải miết từ điểm nóng này sang điểm nóng khác, là lúc Trung Quốc rũ mình đứng dậy.
Sau khi kiếm được một mớ tiền khổng lồ từ chính sách biến đất nước thành “thiên đường hàng giá rẻ” cung cấp cho toàn cầu, giờ đã đến lúc họ cần lột xác.
Điều đáng nói là trong mấy chục năm qua, người Trung Quốc đã sử dụng nhiều công cụ để duy trì và gia tăng thâm hụt thương mại trong quan hệ với tất cả đối thủ và đối tác;
Đặc biệt là việc ghìm giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực, cùng các công cụ bảo hộ mậu dịch nội địa.
Chơi với Trung Quốc nhiều thì thiệt nhiều, chơi với Trung Quốc ít thì thiệt ít.
TPP cũng như tất cả các hiệp định tự do thương mại song phương với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chính phủ tiền nhiệm đã ký, trong con mắt nhà kinh doanh sành sỏi Donald Trump, Mỹ luôn phải chịu thiệt thòi, nhân nhượng vì vai trò “đàn anh”.
Điều này chỉ làm cho nước Mỹ thêm gánh nặng, trong khi Trung Quốc tiếp tục rảnh tay kiếm tiền bằng các công cụ phi thương mại.
Thậm chí, nếu Hoa Kỳ còn trong TPP, Trung Quốc hoàn toàn có thể mượn xuất xứ các nước thành viên khác của TPP để đưa hàng hóa của mình vào thị trường Mỹ, như cách họ đã làm trong việc đưa thép vào EU.
Do đó ngay từ khi tranh cử, Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi TPP. Và khi trúng cử, đây là việc đầu tiên ông làm.
Đồng thời ông đã lật lại tất cả các hiệp định tự do thương mại song phương, kể cả đồng minh lẫn đối tác thân thiết, đều được đem ra xem xét lại trên nguyên tắc cân bằng, có đi có lại.
Về an ninh, Mỹ dưới thời Barack Obama hay thời Donald Trump, đều sẽ không đối đầu với Trung Quốc.
Nhưng Donald Trump luôn tận dụng các điểm nóng căng thẳng hay tranh chấp trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương để bán vũ khí.
Nhìn lại chuyến thăm của ông Donald Trump tới Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam hay viếng thăm của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực tới Nhà Trắng thời gian qua (Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore) có thể thấy rất rõ điều này.
Bởi thế, căng thẳng bán đảo Triều Tiên được đẩy lên đến ngưỡng nhất định để Mỹ, Hàn mua thêm vũ khí Mỹ, chứ chiến tranh ít có khả năng xảy ra.
Tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã diễn ra với cường độ, mức độ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với chính phủ tiền nhiệm, nhưng về bản chất không làm thay đổi cán cân lực lượng Trung - Mỹ.
Nhưng tác động đến việc bán vũ khí Mỹ thì có thể là điều các nước trong khu vực sẽ tính tới. Ông Donald Trump đã công khai tiếp thị cho mặt hàng này khi tới Việt Nam.
Mua vũ khí Mỹ cũng tốt thôi. Nhưng đó có phải là phương án tối ưu nhất, hay chỉ giúp làm giàu thêm cho Mỹ, nhưng lại gia tăng rủi ro chiến lược cho Việt Nam?
Điều này chúng tôi thiết nghĩ cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tác động và ảnh hưởng của sự hiệu chỉnh chính sách này đối với khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ như thế nào và ứng phó ra sao, chúng tôi xin bàn trong bài viết tới, sau khi xem xét chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thực hiện “Trung Quốc mộng”.
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam