Việc Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo và bồi đắp đảo tại khu vực Biển Đông sẽ gây ra nhiều rủi ro cho khu vực, do đó cần thiết phải có một hình thức kiểm soát vũ khí để ngăn chặn quân sự hóa ngày càng gia tăng nếu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) thất bại.
Tranh chấp Senkaku chấn động Đông Nam Á
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong bài viết đăng trên The Japan Times ngày 27/9, nghiên cứu viên cao cấp Michael Richardson cho rằng các nước Đông Nam Á cần cảnh giác trước những gì mà Trung Quốc đang áp dụng ở Đông Hải.
Michael Richardson là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu |
Theo học giả Richardson, những hành vi táo tợn gần đây của Trung Quốc trong tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền biển đảo, thủy sản và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Đông Hải chính là lời cảnh báo Đông Nam Á về một cơn bão địa chính trị đang đến gần.
Những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau của Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ở Đông Hải có liên quan chặt chẽ với những đòi hỏi chủ quyền lớn gấp bội của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bao trùm lên những hòn đảo nhỏ, những rạn san hô của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Đó là chưa kể nó chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế và tài nguyên thềm lục địa của 5 quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong những năm gần đây và cũng đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á. Bắc Kinh thường sử dụng vị thế này để làm đòn bẩy trong các vụ tranh chấp lãnh thổ.
Làn sóng biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đại lục và những động thái quyết liệt của chính phủ ở Bắc Kinh đang khiến cho khu vực Đông Nam Á cảm thấy lo ngại. Trung Quốc đe dọa trừng phạt Nhật Bản về kinh tế và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về các cuộc biểu tình chống Nhật của “Hoa kiều hải ngoại”. Các cuộc biểu tình chống Nhật của Hoa kiều hải ngoại không chỉ diễn ra ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Australia mà còn ở Đông Nam Á, nơi hơn có tới 20 triệu Hoa kiều.
Ba ngày sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Jiang Zengwei đã công khai khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Jin Baisong, phó giám đốc Cơ quan nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, còn đi xa hơn. Trong một bài viết đăng trên tờ China Daily ngày 17/9, ông Jin Baisong kêu gọi trừng phạt kinh tế Nhật Bản có chọn lọc. Theo ông, một phân tích về thương mại và đầu tư hai chiều cho thấy Nhật Bản phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, chứ không phải ngược lại. Ông này cho rằng Trung Quốc đang ở vào một vị thế tốt hơn nhiều so với Nhật Bản. Jin Baisong viết Trung Quốc “có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt các quốc gia khác” vì hiện thời Trung Quốc “là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có dự trữ ngoại tệ lớn nhất và là nước xuất khẩu lớn nhất cũng như lớn thứ hai thế giới về nhập khẩu”.
Trong vụ tranh chấp với Philippines hồi đầu năm nay về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng triển khai tàu công vụ bán quân sự, đội tàu thuyền đánh cá, đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế và móc nối với Hoa kiều ở Philippines nhằm kiểm soát bãi đá cạn này.
Sự lặp lại của các chiến thuật này trong tranh chấp quần đảo Senkaku với Nhật Bản cho thấy chúng đã trở thành một phần của chính sách của Trung Quốc trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán với các nước láng giềng ở những vùng biển tranh chấp.
Các chiến thuật này tỏ ra nguy hại hơn đối với khu vực Đông Nam Á hơn so với Nhật Bản, một phần vì ở đây có khá nhiều Hoa kiều sinh sống hơn so với Nhật Bản.
Tranh chấp biển đảo Trung-Nhật ở Đông Hải chỉ liên quan đến vùng biển rộng 68.000 km vuông. Thế nhưng, việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và các quyền tài phán khác lại chiếm hơn 80% tổng diện tích Biển Đông, tương đương một khu vực có diện tích khoảng 3 triệu km vuông.
Đối với Bắc Kinh, giá trị thương mại và chiến lược tiềm tàng của Biển Đông lớn hơn nhiều so với vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản ở Đông Hải. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng, Trung Quốc sẽ mạnh bạo hơn trong việc khẳng định chủ quyền ở vùng biển vốn là trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á này.
Nếu để cho Trung Quốc thành công trong việc thực thi những yêu sách ở Biển Đông, các nước Malaysia, Brunei và Indonesia sẽ ngã ngửa ra rằng họ có chung biên giới biển với Trung Quốc và đường biên giới biển của Trung Quốc trải dài toàn bộ khu vực bờ biển phía tây của Philippines. Khi đó, 7 trong số 10 nước thành viên ASEAN tiếp giáp với Trung Quốc và Trung Quốc cũng sẽ trở thành một người hàng xóm gần gũi về địa lý của Singapore./.