Đông Nam Á đang trở thành một đấu trường lớn cho cạnh tranh và hợp tác quân sự giữa các cường quốc, thường ít hoặc không có sự tham gia của các nước khu vực. Đây rõ ràng là điều rất đáng để lo ngại.
Chính sách cứng rắn của Trump với Trung Quốc sẽ đi tới đâu?
- Cập nhật : 02/02/2017
Những phát biểu cứng rắn từ phía chính quyền sắp tới của Mỹ đối với Trung Quốc đang là bước dạo đầu chuẩn bị cho những cuộc đấu về mọi mặt từ an ninh cho tới thương mại và không gian mạng. Tuy nhiên chưa rõ Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đi bao xa trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Chính sách cứng rắn của Trump với Trung Quốc sẽ đi tới đâu? daniel_hertzberg_us_china_merger_905.png
Nêu bật vấn đề Biển Đông đang gây tranh cãi như một điểm có khả năng phát hỏa, Rex Tillerson- Ngoại trưởng được đề cử của ông Trump- đã tung ra một thách thức gay gắt trước Bắc Kinh khi kêu gọi phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trên tuyến đường biển chiến lược. Theo một cố vấn về chuyển giao quyền lực của chính quyền Trump sắp tới, người được ông Trump lựa chọn vào vị trí ngoại giao hàng đầu của Mỹ không có ý muốn đề xuất rằng chính quyền mới sẽ có động thái ngăn chặn bằng hải quân để gây nguy cơ đối đầu vũ trang với Trung Quốc, điều mà chính quyền mới không có ý định hướng tới. Song một quan chức khác được quyền phát biểu đại diện cho đội ngũ chuyển giao quyền lực lại phản đối quan điểm đó và cho rằng ông Tillerson “không nói nhầm” khi phát biểu rằng Trung Quốc phải bị ngăn không cho đến các đảo nhân tạo đó.
Giữa những mâu thuẫn về chính sách như vậy, đội ngũ của ông Trump dường như đang xúc tiến các kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân ở Đông Á để đối phó với những hành động ngày một gia tăng của Trung Quốc. Cố vấn của ông Trump cho biết nhiều vấn đề cụ thể đang được xem xét, như việc đặt một tàu sân bay thứ hai ở khu vực, triển khai thêm tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và hệ thống phòng vệ tên lửa, và việc mở rộng hoặc bổ sung thêm căn cứ mới ở Nhật Bản và Úc. Ông này cũng cho biết họ cũng đang tìm cách lắp đặt “các vũ khí tấn công tầm xa của không quân” ở Hàn Quốc, nước nằm cạnh láng giềng Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Ông Trump, người sẽ chính thức kế nhiệm Tổng thống Barack Obama vào ngày 20/1 tới, đã tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh cho Hải quân Mỹ lên 350 tàu, song đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông chưa cho biết rõ ông sẽ lấy nguồn tài chính nào cho việc này khi còn nhiều kế hoạch chi tiêu lớn khác nữa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không thể đoán được ông Tillerson muốn điều gì qua những phát biểu của ông sau khi ông Trump đã đặt dấu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc” hết sức nhạy cảm và đã có từ lâu của Washington trong vấn đề Đài Loan. Song một tờ báo có uy tín của nhà nước Trung Quốc ngày 13/1 đã cảnh báo rằng việc ngăn Trung Quốc tới các đảo ở Biển Đông sẽ buộc Mỹ phải “tiến hành chiến tranh”.
Người được ông Trump lựa chọn cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Thủy quân Lục chiến đã nghỉ hưu James Mattis, không tán thành thông điệp của ông Tillerson về Biển Đông, điều xem ra ngược với cam kết lâu nay của Washington về tự do hàng hải cho tất cả các nước. Trong buổi điều trần của ông vào ngày 12/1, khi được hỏi về các phát biểu trên, ông Mattis đã nói rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong cuộc tấn công rộng hơn vào trật tự thế giới, song ông cho rằng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính cần chung một chính sách hợp nhất “để chúng ta không phải thực hiện một chiến lược không hoàn hảo hay lộn xộn”. Các ý kiến mâu thuẫn nhau cho thấy chính quyền sắp tới của Mỹ đang loay hoay thiết lập cách thức giải quyết một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại mà ông Trump đang phải đối mặt khi ông, trong chiến dịch tranh cử của mình, đã luôn chỉ trích mạnh Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang “giết chết” và “ức hiếp” Mỹ về thương mại.
Nguy cơ trả đũa
Một cựu quan chức Mỹ từng cố vấn không chính thức cho đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump cho rằng có lẽ người ta chưa suy nghĩ thấu đáo về những nguy cơ từ bất cứ một áp lực mới nào về quân sự và thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Cựu quan chức giấu tên này nói: “Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng Trung Quốc sẵn sàng trả đũa tương tự”.
Trong nỗ lực bảo vệ việc làm cho người Mỹ, ông Trump đã dọa tuyên bố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ - dù rằng các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách chống đỡ, chứ không phải làm yếu đi, đồng Nhân dân tệ của mình. Ông Trump cũng cảnh báo sẽ áp đặt các mức thuế phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, gây nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại hủy hoại cả hai nước cũng như kinh tế toàn cầu.
Tới nay ông Trump chưa nêu tên các thành viên cấp cao trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực này, khiến một số nhà phân tích phải đặt câu hỏi liệu chính quyền mới có đủ khả năng biến những phát biểu hùng hồn về một chính sách châu Á mạnh mẽ hơn thành hành động hay không. Tuy nhiên, ông Trump đã đề cử hai nhân vật chỉ trích Trung Quốc gay gắt vào đội ngũ thương mại của mình- đó là Peter Navarro, học giả và tác giả cuốn sách “Chết bởi tay Trung Quốc”, và Robert Lighthizer, cựu quan chức chính quyền Reagan.
Các cố vấn của ông Trump bác bỏ các quan ngại rằng cách thức tiếp cận của họ có thể gây nguy hiểm hoặc phản tác dụng. Họ cho rằng một quan điểm “hòa bình thông qua sức mạnh” sẽ tạo ra sức mạnh thực sự cho các chính sách của Mỹ ở khu vực sau nhiều thập kỷ không được chú trọng do Mỹ phân tâm vào những nơi khác trên thế giới. Cố vấn của ông Trump nói: “Một khi chúng ta bắt đầu sửa lại sự bất cân bằng quân sự, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ có thêm sự hợp tác chứ không phải là giảm bớt đi”.
Ông Trump và các thành viên được đề cử vào nội các của ông cũng đã hứa sẽ tăng cường gây áp lực với Trung Quốc để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả khả năng đưa ra “các lệnh trừng phạt thứ cấp” đối với các thực thể của Trung Quốc bị phát hiện có vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Song giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể cũng chẳng muốn hợp tác nếu Washington còn phải dựa vào nước này để giải quyết các vấn đề khác, như việc Mỹ gây áp lực với Bắc Kinh để ngăn chặn tin tặc tấn công các thực thể của Mỹ.
Các phản ứng chính thức của Trung Quốc trước những lời chỉ trích cho tới này vẫn khá kiềm chế bởi họ còn chờ xem ông Trump sẽ hành động thế nào sau khi ông nhậm chức. Song giới phân tích cho rằng việc đối đầu với Bắc Kinh trong các vấn đề nóng mang tính dân tộc chủ nghĩa như vấn đề Đài Loan hay Biển Đông có thể kích động những phản ứng mạnh, nhất là vào giai đoạn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách củng cố thêm quyền lực trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 5 năm một lần trong năm 2017 này. Zha Daojiong- Giáo sư Đại học Bắc Kinh- cho biết sự đụng độ của các nền văn minh đang ngày càng trở thành một đề tài phổ biến ở Trung Quốc và điều này rất nguy hiểm. Ông nói: “Nó không báo hiệu điều gì tốt lành cả….Và nó có nghĩa là những phát ngôn rùm beng về chiến tranh của Mỹ về Biển Đông sẽ chẳng giúp ích gì cả”.
Theo “Reuters” (ngày 14/1)
Vũ Hiền (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông